Thời điểm nhạy cảm của kinh tế toàn cầu và 2 điểm tích cực trong cách hành xử của Việt Nam

19/04/2019 08:32 AM | Xã hội

"So với 10 năm trước, Việt Nam đã bình tĩnh và kinh nghiệm hơn trong việc ứng phó với các bất định", ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói với Trí Thức Trẻ và nhấn mạnh "nhờ đó giữ được dư địa chính sách kinh tế vĩ mô để có thể can thiệp ở thời điểm thực sự cần thiết sau này".

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa qua đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, ở mức 3,3%.

"Đây là thời điểm nhạy cảm" của nền kinh tế toàn cầu, chuyên gia kinh tế trưởng Gita Gopinath của IMF nhận định tại cuộc họp báo ở Wahshington. Triển vọng của năm 2020 cũng khá bấp bênh, theo dự báo của IMF.

Đối mặt với triển vọng kinh tế thế giới có nhiều gam màu xám, một nước đang phát triển có độ mở thương mại lớn - khoảng 200% GDP - như Việt Nam khó có thể tránh được quan ngại.

"Không phải đến bây giờ mà kể từ năm 2018, Việt Nam đã đề ra và thường xuyên cập nhật nhiều kịch bản khác nhau, bám sát tình hình kinh tế toàn cầu và đánh giá tác động có thể có đối với kinh tế trong nước để đề ra các phương án chính sách ứng phó", ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết.

Nhờ vậy, Việt Nam ít nhiều ứng biến được trước những diễn biến bất lợi toàn cầu gần đây, trong đó có những động thái leo thang chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

"Các tác động bất lợi của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc từ nửa sau năm 2018 đối với thị trường ngoại hối, dòng vốn đầu tư nước ngoài, cán cân thương mại, v.v. đã được xử lý khá linh hoạt, kịp thời và hữu hiệu. Một trong những nguyên nhân chính là kịch bản, hành động của chúng ta khá sát và kịp thời", ông Dương nói.

Dù vậy, bức tranh kinh tế năm 2019 rất khác. Tình hình kinh tế thế giới biến đổi hết sức nhanh chóng.

 Thời điểm nhạy cảm của kinh tế toàn cầu và 2 điểm tích cực trong cách hành xử của Việt Nam  - Ảnh 1.

Đồ hoạ: Hương Xuân

Ví dụ, hồi đầu năm, không ít nghiên cứu, dự báo còn đề cập đến khả năng Mỹ tăng lãi suất và nhiều nền kinh tế lớn sẽ thắt lưng buộc bụng về tài chính.

Bản thân IMF khi khuyến nghị về 4 "đám mây đen" phủ bóng lên kinh tế toàn cầu cũng nhắc đến lo ngại về tình hình thắt chặt tài chính ở Mỹ hay châu Âu.

Nhưng đến giữa tháng 3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giữ nguyên lãi suất và chính thức phát đi tín hiệu sẽ không nâng lãi suất trong năm 2019. Điều này được xem là bước ngoặt chính sách của FED so với những "đồn đoán" trước đó, và ít nhiều cũng phản ánh triển vọng kinh tế Mỹ không thực sự thuận lợi.

"Các nghiên cứu, khảo sát thị trường tại Mỹ đã đề cập nhiều hơn đến khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới đối mặt với rủi ro suy thoái, có thể xảy ra ngay trong nửa cuối năm 2019", ông Dương nói.

Do vậy, Mỹ cũng phải tính nhiều hơn đến xử lý rủi ro suy thoái kinh tế, chứ không chỉ là "bình thường hóa" chính sách tiền tệ như trước đây. Bên cạnh đó, diễn biến của Brexit, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn, v.v. còn phức tạp, qua đó càng làm triển vọng kinh tế khó lường hơn.

"Các báo cáo đầu năm của Việt Nam hầu như chưa nói đến rủi ro về suy thoái kinh tế ở Mỹ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, rủi ro này đã được đề cập nhiều hơn. Việt Nam cũng thận trọng hơn trong đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu để hoạch định các chính sách ứng phó", chuyên gia của CIEM nhấn mạnh.

Theo ông, nền kinh tế hơn 94 triệu dân cũng đòi hỏi nhiều hơn về các kịch bản ứng phó. Nghĩa là trước đó, Việt Nam đã có nhiều kịch bản để ứng xử với bất ổn kinh tế toàn cầu, nhưng vẫn cần bổ sung thêm các kịch bản mới và tiếp tục cập nhật các kịch bản đã có.

"Các kịch bản trước có thể chỉ tập trung về rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô và/hoặc chiến tranh thương mại, giờ đây phải tính thêm cả khả năng suy thoái kinh tế Mỹ kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu. Chúng ta phải cân nhắc nhiều kịch bản hơn", ông Dương cho biết.

Đơn cử như chiến tranh thương mại, dù Trung Quốc và Mỹ đưa ra những tín hiệu có thể kết thúc đàm phán trong thời gian tới, nhưng những điểm nóng căng thẳng thương mại trên thế giới vẫn tiếp diễn. Bản thân Mỹ chưa có động thái dừng xung đột thương mại với các đối tác lớn khác.

"Do vậy, kịch bản của Việt Nam thay vì thu hẹp thì lại phải mở rộng hơn", ông Dương nói.

Từ góc độ này, ông Dương đánh giá cao các cơ quan Việt Nam đã nhận diện được tình hình và cân nhắc nhiều kịch bản ứng phó.

Mặt khác, so với 10 năm trước, chuyên gia của CIEM nhận xét các cơ quan điều hành chính sách trong nước hiện bình tĩnh và có kinh nghiệm hơn trong việc ứng phó với các bất định từ bên ngoài.

"Vội vàng hành xử, vội vàng ra quyết định thì có thể dẫn đến việc phải điều chỉnh, thậm chí đảo ngược chính sách khi tình hình kinh tế thế giới diễn tiến khác so với kịch bản. Trong bối cảnh ấy, dư địa chính sách bị mất đi mà có thể không mang lại hiệu ứng kinh tế như kỳ vọng khi ra quyết định. Chính ở đây, việc lựa chọn thời điểm can thiệp chính sách đòi hỏi phải có sự bình tĩnh, kinh nghiệm và cân nhắc thấu đáo hơn".

Ông Dương nhìn nhận Việt Nam đang chủ động cân nhắc và có thể ứng phó hiệu quả với những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới, dù không muốn những cảnh báo mới đây của IMF trở thành hiện thực.

Trong năm 2019, theo cập nhật dự báo mới nhất của CIEM, nhiều khả năng các chỉ tiêu kinh tế như tăng trưởng GDP, lạm phát, tăng trưởng xuất khẩu, thặng dư thương mại sẽ hoàn thành theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.

Theo Bài: Phương Ánh - Đồ hoạ: Hương Xuân

Cùng chuyên mục
XEM