Thịt lợn nhân tạo Trung Quốc: Giá rẻ, vị 'không tệ', sẽ phủ sóng thị trường vào năm 2025
Hiện Trung Quốc là nước sản xuất thịt heo nhiều nhất thế giới với hơn 40 triệu tấn thịt lợn năm 2021, chiếm 40% tổng sản lượng toàn cầu.
Theo hãng tin Reuters, startup CellX của Trung Quốc vào đầu tháng 9/2021 đã công bố thành quả thịt heo nhân tạo giá rẻ và có thể sẵn sàng cung ứng cho thế giới từ năm 2025.
Các nhà đầu tư đã được startup này mời đến thử thịt lợn nhân tạo phát triển từ tế bào thịt heo đen của Trung Quốc.
"Nói chung vị của nó không hề tệ chút nào", nhà đầu tư Li Peiying được mời đến thử thịt trả lời Reuters.
Sản phẩm thịt lợn nhân tạo này được nuôi cấy trong môi trường sinh trưởng thay vì từ những chú heo tự nhiên. Phía CellX sử dụng công nghệ in 3D để đạt tỷ lệ nạc phù hợp cũng như các kỹ thuật thực phẩm khác nhằm đạt mùi vị tương tự như thịt lợn thường.
Thông tin này có ảnh hưởng khá lớn đến Trung Quốc khi thị trường này tiêu thụ đến 86 triệu tấn thịt lợn năm 2020, chiếm 30% tổng nhu cầu thế giới. Đây cũng là nước sản xuất nhiều thịt heo nhất toàn cầu với 40 triệu tấn năm 2021, chiếm 40% tổng sản lượng toàn cầu.
Bởi vậy, việc tạo nên nguồn cung thịt heo nhân tạo sẽ giúp Trung Quốc giảm khí thải nhà kính từ chăn nuôi đúng theo mục tiêu bảo vệ môi trường mà chính phủ đề ra. Hơn nữa, chúng sẽ giúp ngành nông nghiệp tránh được các cuộc khủng hoảng về dịch bệnh làm tăng giá.
Hãng tin Reuters nhận định việc phát triển thịt heo nhân tạo này có thể góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho Trung Quốc trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi từng khiến thị trường heo Trung Quốc khủng hoảng nặng năm 2018.
CellX cũng cho biết họ đã giảm chi phí sản xuất hơn 5 lần và có thể giảm tiếp xuống 10 lần vào năm sau, qua đó tiến tới cung cấp thịt lợn giá rẻ cho thị trường.
Một báo cáo của McKinsey dự đoán giá thịt nhân tạo sẽ ngang bằng với thịt thường vào năm 2030 khi ngày càng nhiều tiền được đổ vào nghiên cứu công nghệ thực phẩm.
Từ thịt lợn đến hải sản
CellX được sáng lập vào năm 2020 và đang có tham vọng trở thành startup đầu tiên thương mại hóa được thịt lợn nhân tạo ở Trung Quốc. Trong lần gọi vốn thứ 2, hãng đã thu được 4,3 triệu USD nhờ những kết quả nghiên cứu khả quan.
Dẫu vậy, dù được xây dựng bởi đội ngũ 25 nhà khoa học hàng đầu nhưng CellX cũng chỉ là một trong số nhiều công ty phát triển thịt nhân tạo ở Trung Quốc. Sau đại dịch Covid-19 năm 2020, mảng công nghệ thực phẩm tại Trung Quốc thu được số vốn đầu tư kỷ lục lên tơi 6 tỷ USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước.
Thịt nhân tạo được trưng bày tại Thượng Hải ngày 3/9/2021. Nguồn ảnh: Reuters
Startup CellX cho biết hiện hơn một nửa lượng thịt heo cung ứng trên toàn thế giới được tiêu thụ tại Trung Quốc và thịt lợn nhân tạo giá rẻ có thể sẽ thay đổi cuộc chơi hiện nay.
Không riêng gì thịt lợn, CellX còn đang nhắm đến cả thịt cá trong bối cảnh thị trường Châu Á Thái Bình Dường được dự đoán sẽ chiếm đến ¾ lượng tăng trưởng tiêu thụ hải sản trong những năm tới.
Quay trở lại với thịt nhân tạo, một cuộc khảo sát gần đây được đăng trên tạp chí khoa học "Foods" cho thấy gần 53% số người Trung Quốc chấp nhận thử tiêu dùng thịt nhân tạo, số còn lại thì đắn đo về độ an toàn của chúng.
Trong khi đó vào năm 2020, một sản phẩm thịt gà nhân tạo đã được cho phép bán ở Singapore lần đầu tiên, thế nhưng tại Trung Quốc thì chưa có quy định nào đồng ý kinh doanh thịt nhân tạo trên thị trường.
*Nguồn: Reuters