Melbourne - thành phố phong tỏa lâu nhất thế giới: Hơn 8 tháng đóng cửa, cả kinh tế và người dân đều kiệt quệ, buộc phải từ bỏ 'zero Covid'

04/10/2021 13:51 PM | Xã hội

Tính đến ngày 5/10/2021, Melbourne đã trải qua hơn 8 tháng đóng cửa cả thành phố vì dịch bệnh, vượt qua cả Buenos Aires để trở thành nơi giãn cách lâu nhất thế giới.

Nguồn ảnh: The Guardian
Nguồn ảnh: The Guardian

Thành phố lớn thứ 2 tại Australia- Melbourne từng là hình mẫu chống dịch Covid-19 nhờ chiến dịch cách ly nhanh chóng. Thế nhưng trái với Trung Quốc khi có thể mở cửa trở lại nền kinh tế, Melbourne lại chìm trong quãng thời gian đóng cửa cả thành phố lâu nhất thế giới.

Tính đến ngày 5/10/2021, Melbourne đã trải qua 246 ngày đóng cửa cả thành phố vì dịch bệnh, vượt qua cả Buenos Aires để trở thành nơi giãn cách lâu nhất thế giới. Nếu thành phố này chấp nhận mở cửa vào cuối tháng 10/2021 thì người dân Melbourne đã phải trải qua 267 ngày giãn cách, tương đương 45% tổng số thời gian kể từ khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện vào ngày 12/3/2020.

Melbourne - thành phố phong tỏa lâu nhất thế giới: Hơn 8 tháng đóng cửa, cả kinh tế và người dân đều kiệt quệ, buộc phải từ bỏ zero Covid - Ảnh 1.

Theo tờ The Guardian, Melbourne đã thành công khống chế dịch bệnh trong 5 đợt bùng phát dịch Covid-19 nhờ chiến lược cách ly chặt chẽ. Thế nhưng trong lần giãn cách toàn thành phố này, mọi thứ đã không còn suôn sẻ khi người dẫn đã quá mệt mỏi vì áp lực tinh thần lẫn kinh tế.

Chính quyền thành phố Melbourne đã buộc phải từ bỏ mục tiêu hạ số ca nhiễm mới về 0, thay vào đó là hướng đến tiêm chủng 2 mũi cho 80% dân số để mở cửa trở lại và chấp nhận sống chung với dịch bệnh. Dẫu vậy để đạt được mục tiêu này, việc kéo dài giãn cách thêm chút thời gian là không thể tránh khỏi.

Các chuyên gia ước tính Melbourne sẽ cần kéo dài giãn cách tới ngày 26/10 để có thể tiêm chủng cho 70% dân số.

Trớ trêu thay, người dân lại quá chán nản với giãn cách khi khảo sát cho thấy tỷ lệ ủng hộ chính quyền địa phương đã giảm xuống chỉ còn 44%.

Dẹp biểu tình nhờ động đất

Tờ The Guardian cho hay giãn cách kéo dài cũng những thành công chống dịch trước đó đã khiến người dân chủ quan trong đợt cách ly lần thứ 6 này. Vào đợt cuối tuần 26/9, nhiều nhóm cổ động viên đã tổ chức tiệc tùng sau trận bóng đá AFL đã khiến số ca nhiễm mới tăng mạnh 50% trong ngày 1/10/2021 lên mức kỷ lục 1.438 người.

Sang ngày hôm sau, số ca nhiễm mới tiếp tục đạt 1.143 người và hầu như phá hủy mọi thành quả giãn cách đạt được.

Melbourne - thành phố phong tỏa lâu nhất thế giới: Hơn 8 tháng đóng cửa, cả kinh tế và người dân đều kiệt quệ, buộc phải từ bỏ zero Covid - Ảnh 2.

Người dân thành phố Melbourne biểu tình. Nguồn ảnh: The Guardian

Trên thực tế việc Melbourne giãn cách toàn thành phố đạt được sự ủng hộ của khá nhiều người dân trong những đợt đầu tiên. Thế nhưng sự ủng hộ này dần đi xuống khi mọi người quá mệt mỏi trong khi nền kinh tế bị ảnh hưởng.

Cuối tuần trước, khoảng 5.000 người đã đổ xuống đường biểu tình và tạo nên một cuộc bạo loạn tại những điểm tiêm chủng. Hàng trăm người đã bị bắt giữ và nhiều người trong số đó được gửi thẳng đến trại cách ly.

Cuộc biểu tình này tiếp tục diễn ra lẻ tẻ kéo dài sang đầu tuần và chỉ hoàn toàn chấm dứt khi trận động đất 5,9 độ Richter diễn ra.

"Tôi cảm thấy nhiều người đang gặp khó khăn nhưng áp lực tinh thần đang khiến mọi người chỉ trích chính quyền hơn là thực sự làm điều gì đó có ích để chấm dứt tình hình giãn cách hiện nay", chuyên gia Celeste Liddle tại Melbourne nhận định.

Bà Liddle đã sống tại Melbourne 30 năm mà cho biết nhiều ngành kinh doanh ở đây đã phải đóng cửa và sẽ mất một thời gian dài mới khôi phục lại được sau đại dịch.

Đồng quan điểm, ông Kyran Wheatley, chủ một câu lạc bộ hài kịch ở Melborne cho biết người dân sẽ ít hứng thú đi ra ngoài hơn trước bởi dù có mở cửa trở lại thì vẫn có hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày bất chấp chiến dịch tiêm chủng có nhanh chóng ra sao. Điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế sẽ hồi phục chậm hơn, đi kèm thất nghiệp, hạn chế chi tiêu và thậm chí là suy thoái.

"Mọi người đều lo lắng bởi chẳng biết thành phố sẽ ra sao khi dịch Covid-19 luôn ở xung quanh", ông Wheatley cho biết.

Tờ The Guardian nhận định Australia đã vượt qua được giai đoạn đỉnh dịch nhưng lại gặp khó khăn để có thể mở cửa trở lại trong bối cảnh dịch kéo dài. Một số thành phố chống dịch tốt nhờ cách ly thì nay lại lâm vào cảnh bế tắc.

Lỗi tại Sydney?

Sự bế tắc của Melbourne bắt đầu từ khi biến chủng Delta bị lây lan từ Syney vào tháng 7/2021, qua đó khiến thành phố nhanh chóng bước vào đợt giãn cách mới kéo dài. Thủ hiến bang Victoria là ông Daniel Andrews đã tự tin tuyên bố sẽ chấm dứt dịch bệnh nhanh chóng khi mới ban hành lệnh giãn cách.

Melbourne - thành phố phong tỏa lâu nhất thế giới: Hơn 8 tháng đóng cửa, cả kinh tế và người dân đều kiệt quệ, buộc phải từ bỏ zero Covid - Ảnh 3.

Đóng cửa vì dịch bệnh khiến nền kinh tế Melbourne đối mặt suy thoái. Nguồn ảnh: Bloomberg

Tuyên bố này là có cơ sở khi bang Victoria đã dập tắt 2 đợt bùng phát dịch trước đó với chiến lược phong tỏa chặt, qua đó giảm số ca nhiễm mới xuống 0 chỉ trong vòng 112 ngày vào năm 2020.

Thế nhưng lần này mọi chuyện lại khác khi số ca nhiễm mới cứ tăng do người dân đã quá chán nản, không còn tuân thủ chặt quy định giãn cách. Ngoài ra, tốc độ lây lan mạnh của biến chủng Delta cũng khiến mọi chuyện trở nên khó khăn hơn.

Tồi tệ hơn, vì quá chủ quan nên Melbourne đã chuyển những liều vaccine của Pfizer mà họ nhận được sang trợ giúp cho thành phô Sydney cũng khiến nơi đây bị chậm chân trong việc tiêm chủng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Melbourne đã tăng tốc được tiêm chủng và hạ được số ca nhiễm mới xuống. Thế nhưng Thủ hiến bang Andrew vẫn kêu gọi người dân hãy hợp tác để có thể mở cửa trở lại.

"Xin đừng khiến những nhân viên y tế phải khổ cực hơn nữa chỉ bởi các quyết định tồi của bạn như đi thăm người thân bạn bè rồi lây nhiễm cho cộng đồng", ông Andrew kêu gọi.

*Nguồn: The Guardian 

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM