Thiếu trẻ em, hàng loạt trường mẫu giáo Trung Quốc phải đóng cửa
Số liệu chính thức cho thấy lượng trẻ sơ sinh tại Trung Quốc đã giảm 50%, từ 18,8 triệu bé năm 2016 xuống chỉ còn 9,5 triệu trẻ năm 2022, mức thấp nhất kể từ năm 1949 đến nay.
Cách đây 5 năm, anh Liu Dewei đã mở một trường mẫu giáo mang tên Beilei Kindergarten tại Rongxian, một thành phố 656.000 dân ở tỉnh Guangxi. Tại thời điểm đó, ngôi trường của anh Liu có 140 học sinh.
Thế nhưng đến năm 2020, con số này giảm mạnh xuống còn 30.
Ban đầu anh Liu tưởng rằng do lo sợ dịch bệnh nên các phụ huynh không cho con đến trường. Thế nhưng ngay cả khi nền kinh tế đã mở cửa trở lại, tình hình cũng chẳng khá hơn.
“Thực tế là chúng ta đang không có nhiều trẻ em như trước kia nữa. Mọi thứ quá khó khăn.”, anh Liu, người đã đầu tư nhiều triệu Nhân dân tệ cho ngôi trường mẫu giáo tư thục này nhưng vẫn chưa hồi được vốn, ngán ngẩm nói.
Đối mặt với áp lực tài chính, anh Liu đang nghĩ đến việc đóng cửa ngôi trường.
Theo tờ SCMP, tỷ lệ sinh giảm và xu thế ngại kết hôn, sinh con của giới trẻ Trung Quốc đang khiến các trường mẫu giáo tư thục, vốn chiếm một nửa số lượng trong hệ thống trường mẫu giáo và thường đắt đỏ hơn các trường công, gặp vô vàn khó khăn.
Thiếu trẻ em
Số liệu chính thức cho thấy lượng trẻ sơ sinh tại Trung Quốc đã giảm 50%, từ 18,8 triệu bé năm 2016 xuống chỉ còn 9,5 triệu trẻ năm 2022, mức thấp nhất kể từ năm 1949 đến nay.
Hậu quả là số liệu của Bộ giáo dục Trung Quốc cho thấy số trường mẫu giáo tư thục cũng như tỷ lệ tuyển sinh của chúng đã giảm năm thứ 2 liên tiếp tính đến năm 2021.
Tờ SCMP nhận định việc thiếu sự đầu tư từ ngân sách, áp lực siết chặt quản lý giáo dục của chính phủ về học thêm, dạy thêm khiến suy giảm doanh thu và đặc biệt là ngày càng ít trẻ em khiến ngành mẫu giáo Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ chưa từng có.
Thậm chí, ngay cả những trường mẫu giáo tại các thành phố lớn đông dân cũng chịu ảnh hưởng.
Chị Lucy Wang, mẹ của 2 đứa trẻ tại Thượng Hải cho biết tỷ lệ tuyển sinh tại trường mẫu giáo mà con cô theo học đang giảm mạnh.
“Trường con tôi có khoảng 7 lớp trong giai đoạn 2015-2018 khi đứa con lớn theo học. Thế nhưng khi đứa em nhập học năm 2021 thì lại chỉ còn 4 lớp và sĩ số mỗi lớp cũng giảm mạnh”, chị Wang lo lắng.
Báo cáo của Viện nghiên cứu giáo dục Sunglory tại Bắc Kinh cho biết khoảng 30-50% số trường mẫu giáo tại Trung Quốc sẽ biến mất vào năm 2030 do tỷ lệ sinh quá thấp.
Theo giáo sư Yuan Xin của trường đại học Nankai University, bất chấp những chính sách hỗ trợ sinh đẻ trong những năm qua, xu thế “sợ đẻ” đang ngày càng lan rộng trong xã hội Trung Quốc.
Chính sách 1 con đã được chính quyền Bắc Kinh dỡ bỏ vào năm 2016 và dần nới lỏng lên mỗi hộ có thể đẻ 3 con vào năm 2021. Chính quyền địa phương cũng tăng cường những biện pháp hỗ trợ như kéo dài thời hạn nghỉ phép chăm con hay thậm chí là thưởng tiền cho những gia đình có 2-3 con.
Tuy nhiên giáo sư Yuan nhận định những vấn đề cốt lõi như chi phí nuôi dạy con cái tăng cao, giá nhà quá đắt, phụ nữ ngày càng có nhiều quyền lợi trong xã hội và sự nghiệp khiến tỷ lệ sinh tại Trung Quốc khó quay trở lại trước kia.
Mặt khác, trong vài năm trở lại đây, chính phủ Trung Quốc đã siết chặt quản lý ngành giáo dục, chấn chỉnh lại tình trạng học thêm, dạy thêm bừa bãi gây mất cân bằng trong xã hội.
Chính quyền Bắc Kinh đã cố gắng biến những cơ sở giáo dục tư nhân thành nơi dễ tiếp cận hơn với phần lớn người dân, nhằm đảm bảo sự công bằng giáo dục trong xã hội.
Tuy nhiên, chính sách này khiến vô số trường tư thục buộc phải đóng cửa vì doanh thu dạy thêm giảm cũng như không duy trì được lợi nhuận.
Bất cập ngành giáo dục
Ở một khía cạnh khác, giám đốc Xiong Bingqi của Viện nghiên cứu giáo dục 21 st Century cảnh báo nếu ngành giáo dục Trung Quốc vẫn hoạt động theo kiểu nhồi nhiều học sinh vào một lớp khiến tỷ lệ học sinh trên mỗi giáo viên ở mức cao như hiện nay thì lượng lớn trường mẫu giáo sẽ phải đóng cửa khi tỷ lệ sinh giảm. Thậm chí, tình trạng này sẽ lan đến cả trường tiểu học và cao hơn nữa.
Hiện tỷ lệ giáo viên-học sinh tại Trung Quốc chỉ vào khoảng 1-15, thấp hơn mức 1-5 hay 1-10 của các nước phát triển.
Theo ông Xiong, việc nhồi nhét quá nhiều học sinh vào mỗi lớp, ví dụ như có đến 100-200 sinh viên cho 1 lớp đại học không chỉ khiến chất lượng giáo dục đi xuống mà còn khiến nhiều lớp phải đóng cửa do thiếu học sinh khi tỷ lệ sinh giảm.
Với việc chia nhỏ các lớp dạy học, giáo viên vừa có thể đảm bảo được công việc khi số học sinh ít đi, lại vừa nâng cao chất lượng giáo dục.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Yan Suyan của trường mẫu giáo Huana Experimental Kindergarten tại Baoding thuộc tỉnh Hebei nhận định tỷ lệ sinh thấp khiến nhiều trường tư thục gặp khó khăn, nhưng đây lại là cơ hội nâng cao chất lượng giáo dục.
“Toàn ngành mẫu giáo đang chứng kiến tỷ lệ nhập học giảm mạnh. Bởi vậy lượng lớn trường mẫu giáo sẽ biến mất trong 3-5 năm tới và những ai muốn tồn tại thì phải nâng cao chất lượng để có thể cạnh tranh”, cô Yan nhận định.
Thế nhưng với anh Liu của trường mẫu giáo Beilei, vấn đề quan trọng nhất hiện nay không phải là nâng cao chất lượng mà là cắt giảm chi phí để có thể tồn tại.
“Tôi chẳng dám mua thêm thiết bị mới cho trường. Tôi nghĩ rằng mình sẽ đóng cửa nếu tình hình năm nay không có cải thiện hơn”, anh Liu ngậm ngùi.
*Nguồn: SCMP