Hé lộ chương trình bí mật kéo dài 30 năm của Trung Quốc: Giấc mơ vươn tới một ngôi sao của quốc gia tỷ dân sắp thành công, có thể sẽ soán ngôi bá chủ của Mỹ

10/02/2023 11:04 AM | Xã hội

Tốc độ phát triển công nghệ không gian của Trung Quốc được đánh giá là sẽ vượt mặt Mỹ vào năm 2045, qua đó đưa người lên Sao Hỏa bằng tàu vũ trụ hạt nhân.

Hé lộ chương trình bí mật kéo dài 30 năm của Trung Quốc: Giấc mơ vươn tới một ngôi sao của quốc gia tỷ dân sắp thành công, có thể sẽ soán ngôi bá chủ của Mỹ - Ảnh 1.

Bãi phóng tên lửa vũ trụ Jiuquan Satellite Launch Center tại Miền Tây Bắc Trung Quốc năm 2021

Tờ New York Times (NYT) cho biết cách đây 30 năm, chính phủ Trung Quốc đã lên kế hoạch về chương trình không gian bí mật, bao gồm cả mục tiêu xây dựng trạm vũ trụ vào năm 2020.

Tuy nhiên chương trình này gặp hàng loạt những thất bại khi tên lửa của Trung Quốc trục trặc liên tiếp trong các đợt phóng năm 1991-1992-1995 và 2 lần năm 1996.

Thất bại tệ hại nhất là vào năm 1996 khi tên lửa đi chệch hướng, phát nổ và rơi chỉ sau 22 giây phóng khiến cả một ngôi làng Trung Quốc tan hoang, lửa cháy từ nhiên liệu rơi ra khiến ít nhất 63 người chết và bị thương.

Hé lộ chương trình bí mật kéo dài 30 năm của Trung Quốc: Giấc mơ vươn tới một ngôi sao của quốc gia tỷ dân sắp thành công, có thể sẽ soán ngôi bá chủ của Mỹ - Ảnh 2.

Tàu Shenzhou 15 được phóng thành công ngày 29/11/2022

Bất chấp điều đó, Trung Quốc vẫn kiên quyết thực hiện chiến lược không gian của mình và vào năm 2003, tức 11 năm sau ngày đặt kế hoạch, quốc gia tỷ dân này đã tự mình đưa những nhà du hành vũ trụ đầu tiên lên không gian.

Đến tháng 10/2022, họ đã thành công xây dựng xong trạm không gian Tiangong (Thiên Cung) của mình, tức muộn 22 tháng so với kế hoạch cách đây 30 năm.

Ngày 29/11/2022, tàu Shenzhou 15 đã đưa 3 nhà phi hành gia từ trung tâm phóng tại sa mạc Gobi lên trạm không gian này để thực hiện các sứ mệnh của mình trên vũ trụ.

Theo NYT, hàng loạt những thành công trong năm qua của Trung Quốc cùng với mục tiêu vươn tới mặt trăng, thám hiểm sao Hỏa của nước này cho thấy quốc gia tỷ dân không hề cố gắng chạy đua sức mạnh công nghệ hay phô diễn trình độ bắn tên lửa của mình với bất kỳ ai. Thay vào đó, Trung Quốc đang thực hiện một chiến lược dài hơi nhằm phát triển công nghệ, đưa một đất nước từ đói nghèo, lạc hậu trở thành cường quốc vũ trụ.

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi, các phóng viên của tờ NYT đã được phép viếng thăm bãi phóng tên lửa ở sa mạc Gobi với hàng rào an ninh cực kỳ nghiêm ngặt, đồng thời được tiếp cận với những thông tin từ chính các quan chức ngành hàng không của nước này.

Vượt Mỹ, trở thành bá chủ không gian?

Một trong những biểu tượng sức mạnh của cả Nga và Mỹ là các vụ phóng tàu vũ trụ lên không gian trong cuộc chạy đua vũ trang Chiến tranh lạnh. Thế nhưng theo dự đoán Bộ quốc phòng Mỹ vào tháng 8/2022, khả năng thăm dò vũ trụ của Trung Quốc sẽ vượt qua nước này vào năm 2045, qua đó có thể trở thành cường quốc không gian.

“Tôi chắc chắn rằng họ hoàn toàn có thể đuổi kịp và vượt mặt chúng ta. Những tiến bộ mà ngành vũ trụ không gian Trung Quốc là cực kỳ, cực kỳ nhanh”, Trung tướng Nina M Armagno, nhân viên phụ trách đội đặc nhiệm không gian Mỹ (USSF) thừa nhận trong cuộc hội thảo ở Sydney-Australia chỉ 1 ngày trước khi tàu Shenzhou 15 được phóng thành công.

Hé lộ chương trình bí mật kéo dài 30 năm của Trung Quốc: Giấc mơ vươn tới một ngôi sao của quốc gia tỷ dân sắp thành công, có thể sẽ soán ngôi bá chủ của Mỹ - Ảnh 3.

Mẫu Tiangong 1 được phát triển vào năm 2011, bị rơi vào biển Thái Bình Dương năm 2018 sau vụ phóng thất bại

Quay ngược dòng lịch sử, chương trình vũ trụ của Trung Quốc bắt đầu từ năm 1986, tức nhiều thập niên sau cuộc đua vũ trụ của Mỹ-Nga. Chính quyền Bắc Kinh khi đó đã thông qua dự án Project 863, một chương trình phát triển công nghệ không gian của Trung Quốc.

Thế nhưng phải đến năm 1992, chương trình vũ trụ của nước này mới thực sự tăng tốc khi dự án Project 921 được thông qua.

“Mục tiêu của chúng tôi khi đó là rõ ràng phải xây dựng được trạm không gian trong khoảng năm 2020”, nhà thiết kế trưởng Zhou Jianping của chương trình không gian Trung Quốc nói.

Với định hướng rõ ràng như vậy, Trung Quốc đã bất chấp các vụ nổ tên lửa, thất bại phóng tàu vào không gian để liên tục cố gắng thử nghiệm suốt nhiều năm. Trước những nỗ lực không ngừng nghỉ này, đến phía Mỹ cũng phải lo ngại và bắt đầu thực hiện siết chặt các lệnh cấm liên quan đến an ninh quốc phòng.

Năm 2003, Boeing đã bị phạt tới 32 triệu USD khi dính dáng đến việc phát triển công nghệ không gian của Trung Quốc thông qua công ty con Hughes Space and Communications.

Vào năm 2011, Nghị viện Mỹ thậm chí đã thông qua lệnh cấm các doanh nghiệp nước này được phép đầu tư hay hợp tác công nghệ vũ trụ với Trung Quốc, trừ một số trường hợp ngoại lệ điển hình. Lệnh cấm này đã ngăn chặn việc các nhà du hành Trung Quốc được tham gia trạm vũ trụ quốc tế ISS.

Không nhụt chí, Trung Quốc bắt đầu tự phát triển công nghệ tên lửa đẩy nhờ những kinh nghiệm và kỹ thuật học được từ Nga trước đây. Tàu Shenzhou 15 phóng thành công của Trung Quốc được cho là có rất nhiều điểm tương đồng với mẫu tàu Soyuz của Nga.

Tờ NYT cho biết các quan chức cũng thừa nhận dù hoàn toàn chế tạo 100% trong nước nhưng kỹ thuật thì có học hỏi từ người hàng xóm phương Bắc.

“Tàu vũ trụ của Trung Quốc có rất nhiều điểm kỹ thuật học hỏi từ Nga. Xây dựng 100% trong nước không có nghĩa là không có sự giao lưu, trao đổi kỹ thuật”, nhà thiết kế trưởng Zhou nói.

Hé lộ chương trình bí mật kéo dài 30 năm của Trung Quốc: Giấc mơ vươn tới một ngôi sao của quốc gia tỷ dân sắp thành công, có thể sẽ soán ngôi bá chủ của Mỹ - Ảnh 4.

Phi hành gia Trung Quốc lắp lắp module cuối cùng cho trạm Tiangong ngày 17/11/2022

Tờ NYT cho biết hiện Trung Quốc đang theo đuổi chương trình vũ trụ của riêng mình và không hề cộng tác với Nga nữa trong kế hoạch phát triển trạm không gian mới.

Căn hộ 3 phòng ngủ trên vũ trụ

Trạm không gian Tiangong của Trung Quốc nặng gần 100 tấn, to hơn trạm American Skylab của Mỹ được bắt đầu xây dựng vào năm 1973 nhưng chỉ gần bằng trạm Mir của Liên Xô vào năm 1986.

Theo giới truyền thông Trung Quốc, trạm Tiangong giống như “một căn hộ 3 phòng ngủ trên vũ trụ” cho các nhà du hành lên thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên nếu so sánh thì trạm này vẫn nhỏ hơn nhiều so với trạm vũ trụ quốc tế ISS, vốn nặng 450 tấn và đủ chỗ ngủ cho 7 phi hành đoàn.

Tuy nhiên dù thua kém về trọng lượng và kích cỡ nhưng các phi hành đoàn của Trung Quốc biết cách bù đắp bằng hiệu quả quản lý không gian khi sắp xếp hợp lý các thiết bị và sinh hoạt của mọi người. Thậm chí nhiều chuyên gia Phương Tây giờ đây còn thừa nhận trạm ISS của họ đang thừa thãi quá mức cần thiết khi các thiết bị và linh kiện dần được thu nhỏ nhờ sự phát triển của công nghệ kể từ năm 1994 đến nay.

Kể từ khi đưa 3 nhà du hành vũ trụ từ tàu Shenzhou 15 lên Tiangong vào ngày 30/11/2022, Trung Quốc dự định sẽ duy trì ít nhất 3 phi hành đoàn trên trạm này hoạt động liên tục. Như vậy sẽ có khoảng 6 nhà du hành vũ trụ sinh hoạt trên trạm trong khoảng 1 tuần lúc chuyển giao mỗi 6 tháng.

Theo kiến trúc sư trưởng Zhou, sự phát triển của công nghệ cũng như bố trí hợp lý về không gian khiến trạm Tiangong có thể thực hiện gấp 4-5 lần thí nghiệm so với trạm ISS, ví dụ như thí nghiệm đồng hồ nguyên tử ở môi trường siêu lạnh.

“Môi trường này sẽ đóng vai trò cực kỳ hữu ích trong các nghiên cứu vật lý cơ bản, ví dụ như lực hấp dẫn phi Newton”, ông Zhou cho biết.

Trong năm 2023, Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng kính viễn vọng Xuntian của họ nhằm khảo sát các bước sóng quang học, một phiên bản phức tạp hơn của kính viễn vọng không gian Hubble đã 32 năm tuổi thuộc Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).

Hé lộ chương trình bí mật kéo dài 30 năm của Trung Quốc: Giấc mơ vươn tới một ngôi sao của quốc gia tỷ dân sắp thành công, có thể sẽ soán ngôi bá chủ của Mỹ - Ảnh 5.

Phi hành đoàn tàu Shenzhou 14-15 trên trạm Tiangong

Mặc dù có rất ít sự cộng tác với Phương Tây trong chương trình không gian nhưng phía Trung Quốc thừa nhận họ đã học hỏi rất nhiều từ những thất bại của Mỹ. Ví dụ như việc NASA đã quyết định xây dựng những tàu vũ trụ con thoi, to lớn nhưng tốn kém vào thập niên 1970. Trong khi đó, các chuyên gia Trung Quốc lại vô cùng hứng thú với công nghệ phóng tàu của tỷ phú Elon Musk khi có thể tiết kiệm được chi phí cực lớn.

“Tàu con thoi rất phức tạp trong khi công nghệ mà Trung Quốc đang sử dụng cũng như của SpaceX (Elon Musk) tương đối dễ dàng hơn về mặt công nghệ, đồng thời đảm bảo độ tin cậy, an toàn lẫn tiết kiệm”, chuyên gia Zhou nhấn mạnh.

Hiện Trung Quốc đang cố gắng phát triển kỹ thuật tái sử dụng tên lửa sau những lùm xùm quanh vụ thải loại của tên lửa Long Mach 5B. Những tên lửa đẩy của vụ phóng này đã bị rơi tự do trong tầng khí quyển trái đất khi cố gắng đưa 3 bộ phận của trạm Tianggong lên vũ trụ. Những mảnh vụn này có thể rơi xuống bất kỳ nơi nào trên trái đất và gây những thương vong không đáng có.

Chỉ huy trưởng He Yu của đội kỹ thuật tàu vũ trụ thuộc Trung tâm hàn lâm khoa học vũ trụ Trung QUốc (CAST) cho biết nước này đã phát triển công nghệ nhiên liệu mới và kỹ thuật tách module để có thể tái sử dụng các tên lửa đẩy cũng như cho phép chúng hạ cánh tại địa điểm chỉ định.

Vào tháng 5/2020, Trung Quốc đã thử nghiệm lần đầu tiên loại tàu vũ trụ tái sử dụng dùng công nghệ mới.

Mặt Trăng rồi đến Sao Hỏa

Những cố gắng của các nhà khoa học Trung Quốc để tái sử dụng tên lửa là một phần trong kế hoạch hướng tới Mặt Trăng vào năm 2030. Cả chuyên gia Ji và Zhou đều cho biết họ đang thực hiện các dự án chuẩn bị cho kế hoạch đổ bộ mặt trăng, đồng thời tin rằng giấc mơ vươn tới một ngôi sao của quốc gia tỷ dân sẽ nhanh chóng thành hiện thực.

Không dừng lại ở đó, Trung Quốc còn đặt kế hoạch đưa người lên Sao Hỏa với công nghệ tên lửa đẩy bằng nhiên liệu hạt nhân, qua đó rút ngắn quá trình di chuyển.

“Về mặt lý thuyết, mục tiêu này hoàn toàn khả thi nhưng thực tế thì sẽ có rất nhiều thách thức do lượng công việc cực lớn. Chúng tôi cho rằng với công nghệ hiện nay thì các nhà du hành vẫn sẽ phải mất 900 ngày (2 năm rưỡi) để đến được Sao Hỏa”, ông Zhou cho biết khi nói thêm rằng với động cơ hạt nhân, con số này có thể rút ngắn còn 500 ngày.

Hé lộ chương trình bí mật kéo dài 30 năm của Trung Quốc: Giấc mơ vươn tới một ngôi sao của quốc gia tỷ dân sắp thành công, có thể sẽ soán ngôi bá chủ của Mỹ - Ảnh 6.

Phi hành đoàn của tàu Shenzhou 15

Thời gian dài như vậy sẽ đi kèm với những thách thức như đảm bảo sức khỏe cho nhà du hành vũ trụ trong quãng đường di chuyển cùng nhiều thách thức kỹ thuật khác.

“Thám hiểm Mặt Trăng hay Sao Hỏa đều là những tiến trình rất quan trọng để phát triển văn minh nhân loại...Bởi vậy cố gắng của chúng tôi là đáng giá, đây là điều đáng để phấn đấu”, ông Zhou tổng kết.

*Nguồn: NYT

Băng Băng

Từ khóa:  trung quốc
Cùng chuyên mục
XEM