Nhân lực ngành game Trung Quốc đổi đời nhờ đại dịch

11/02/2023 09:58 AM | Xã hội

Trong đợt Valentine 14-2 này, có lẽ các bạn trẻ nên tìm kiếm những trò chơi điện tử thích hợp cho mình để tìm kiếm nửa còn lại.

Nhân lực ngành game Trung Quốc đổi đời nhờ đại dịch - Ảnh 1.

Ảnh chỉ mang tính minh họa

Theo tờ SixthTone, câu chuyện tán gái bình thường trong cuộc sống đã trở nên lỗi thời tại Trung Quốc khi tình hình đại dịch phức tạp khiến nhiều bạn trẻ buộc phải cách ly ở nhà. Thế là giờ đây, xu thế tán gái qua game ngày càng trở nên phổ biến và trở thành một trào lưu mới kể cả khi các lệnh giãn cách được nới lỏng.

Khác với nhiều cặp đôi khác, anh Gao Yuchen và chị Li Zhaoxuan quen nhau trong một trận đánh game khốc liệt. Cả 2 thừa nhận khả năng chơi game đỉnh cao của nhau cũng như việc ngang sức ngang tài trong các trận đấu đã khiến họ bị thu hút bởi đối phương.

Sau vài trận đấu, anh Gao bắt đầu xin thông tin của Li: “Tôi cố tỏ ra bình tĩnh, đợi vài ngày rồi xin được kết bạn trên mạng với cô ấy”.

Chỉ 4 tháng sau, 2 game thủ này gặp nhau ngoài đời và đến lần hẹn thứ 2 thì Gao chính thức tỏ tình với Li.

Nhân lực ngành game Trung Quốc đổi đời nhờ đại dịch - Ảnh 2.

Bộ phim "Em là niềm kiêu hãnh của anh" nói về tình yêu thông qua game

Theo SixthTone, với sự bùng nổ của ngành game, câu chuyện tán tỉnh qua các trận đấu đã dần trở thành một xu thế mới trong giới trẻ Trung Quốc ngày nay. Ví dụ như cặp Gao-Li nói ở trên, dù 2 người cách xa nhau đến 400km nhưng vẫn thường xuyên giữ liên lạc thông qua các trận đấu game.

Anh Gao cho biết việc cùng hợp tác giải quyết những thách thức, khó khăn qua từng trận đấu khiến họ hiểu nhau hơn, thắt chặt thêm chuyện tình cảm. Thậm chí khi đã có đủ tài chính, anh Gao còn tính đến chuyện kết hôn và sinh con.

Thời tới không cản nổi

Tại Trung Quốc, những người mê game thường được đánh giá là các mọt sách, có lối sống nội tâm hoặc ưa thích ở một mình.

Thế nhưng những khảo sát chính thức gần đây lại cho thấy một sự thật hoàn toàn khác. Số liệu cho thấy giới trẻ Trung Quốc nhìn chung không muốn kết hôn những năm gần đây với tỷ lệ lập gia đình giảm hơn 6% trong năm 2021.

Tuy nhiên, các game thủ lại cho thấy xu thế ngược lại. Nghiên cứu năm 2022 của trường đại học Renmin University cho thấy những người hâm mộ thể thao điện tử có nhiều hơn 7,8% cơ hội lấy vợ hơn so với các sinh viên cùng tuổi khác.

Hiện thể thao điện tử, chơi game đã trở nên ngày càng phổ biến trong giới trẻ sinh viên Trung Quốc. Thị trường này ước tính có tổng giá trị 167 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 24 tỷ USD trong năm 2021, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.

Thậm chí những trận thắng của đội tuyển game thủ Trung Quốc còn tạo nên cơn sốt ăn mừng tại nhiều nơi cũng như cộng đồng thể thao điện tử.

Đồng quan điểm, chuyên gia tâm lý học Liao Lanfang tại Thượng Hải cho biết chơi game cùng nhau khiến các người chơi trẻ tại Trung Quốc có ham muốn kết hôn nhiều hơn. Việc hợp tác và các vai trò giả lập trong game sẽ kích thích bản năng muốn kết hôn, khiến các cặp đôi hiểu nhau hơn, siết chặt mối quan hệ giữa 2 người.

Nhân lực ngành game Trung Quốc đổi đời nhờ đại dịch - Ảnh 3.

“Mọi người sẽ tương tác trên game và khi gặp đúng đối tượng cùng sở thích, họ sẽ được cùng nhau giải quyết các thách thức trong trò chơi, hiểu nhau hơn và xây dựng được mối quan hệ bền chặt. Do đó, trò chơi điện tử sẽ gia tăng tình cảm yêu đương, sự tôn trọng lẫn nhau, khả năng giao tiếp trong thế giới ảo, qua đó ảnh hưởng đến các hành vi ngoài đời”, chuyên gia Liao thừa nhận.

Hoàn thành nhiệm vụ

Theo cựu game thủ chuyên nghiệp Liao Feiyu, những người tham gia bộ môn này thường thích lập gia đình sớm. Bản thân anh Liao đã lấy vợ năm 27 tuổi và có con 9 tháng tuổi.

Anh Liao cho biết mọi thứ đến quá nhanh. Bản thân anh chơi trò “Honor of Kings” nổi tiếng tại Trung Quốc trên điện thoại từ thời niên thiếu, sau đó trở thành tuyển thủ chuyên nghiệp khi bước qua tuổi 20.

Năm 23 tuổi, anh Liao bắt đầu thấy áp lực bởi việc luyện tập chơi game từ 1h chiều đến 11h đêm hàng ngày khiến anh bị căng thẳng lẫn ảnh hưởng sức khỏe. Thế là Liao từ bỏ con đường tuyển thủ để chuyển qua làm huấn luyện viên game.

Trùng hợp thay, bố mẹ của Wang Pan, vợ sau này của Liao cũng làm việc tại căn tin nơi anh làm huấn luyện viên. Bị ấn tượng bởi chàng trai lễ phép này, cha mẹ của Wang đã liên tục gửi hình để mai mối cho cặp đôi. Đầu năm 2021, họ chính thức gặp nhau.

Thế rồi cả 2 nhanh chóng chia sẻ liên lạc qua mạng, trong vòng chưa đến 1 năm, đám cưới được tổ chức.

Hiện cặp đôi này đang sống ở Chongqing và thường xuyên chia sẻ lên mạng cho người hâm mộ về cuộc sống thường ngày của gia đình.

Đối với Liao, thể thao điện tử là một môn dễ kết hôn hơn cho giới trẻ khi các tuyển thủ bắt đầu sự nghiệp từ rất sớm. Bởi vậy, những người chơi game có được thu nhập khi còn trẻ và có được khả năng chu cấp tài chính cho hôn nhân.

Trong khi giới trẻ Trung Quốc thường bị áp lực gia đình và định kiến xã hội để tiến tới hôn nhân thì những game thủ thường lập gia đình do chính quyết định của mình.

Nhân lực ngành game Trung Quốc đổi đời nhờ đại dịch - Ảnh 4.

Chuyên gia tâm lý Liao Lanfang nhận định mức lương khá cao của nghề thể thao điện tử khiến việc kết hôn trở nên dễ dàng hơn với các game thủ trẻ. Các nghiên cứu đều cho thấy cản trở lớn nhất hiện nay với giới trẻ Trung Quốc khi lập gia đình là không đủ tiền trang trải chi phí sinh hoạt, nuôi con cái hay thậm chí làm đám cưới.

“Những game thủ thường có ít áp lực tài chính hơn do kiếm tiền từ sớm. Họ có nhiều kinh nghiệm và thu nhập cũng tốt hơn so với mặt bằng giới trẻ chung. Bởi vậy khi đã vượt qua được áp lực tài chính thì điều đương nhiên là mọi người sẽ nghĩ đến kết hôn, sinh con”, chuyên gia Liao Lanfang nhận định.

Gương vỡ lại lành

Chị Hu Ying và anh Naqing là một cặp đôi quen nhau thông qua mạng xã hội Douban tại Trung Quốc. Cả 2 đều mắc căn bệnh rối loạn lưỡng cực và khi tham gia cùng một nhóm tư vấn điều trị, cặp đôi này nhận ra họ là giành cho nhau.

Dẫu vậy đã có thời gian cả 2 phải tạm chia tay khi anh Naqing vật lộn với chứng trầm cảm còn cô Hu thì bị tâm lý thất thường. May mắn thay, chính trò chơi điện tử là công cụ kết nối cặp đôi trở lại bằng niềm đam mê chung.

Cả 2 đều chơi game “It Takes Two”, một trò chơi giả lập về tình yêu, hôn nhân ra mắt năm 2021 tại Trung Quốc.

“Khi tôi gặp khó khăn qua các màn chơi và trở nên lo lắng, anh ấy lại giúp đỡ tôi”, chị Hu nhớ lại.

Giờ đây dù vẫn còn trẻ nhưng cả 2 đã tính đến chuyện hôn nhân trong tương lai.

“Chẳng có gì phải lo lắng cả, chúng tôi sẽ luôn gặp nhau mỗi ngày trên game”, chị Hu cười nói.

*Nguồn: SixthTone 

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM