Xử lý nợ xấu đang quay về với câu chuyện “tiền thật”?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất: “Dùng một phần ngân sách để xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước”.
Xung quanh đề xuất “dùng ngân sách xử lý nợ xấu doanh nghiệp nhà nước”, ông Nguyễn Phước Thanh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói: “Ngân hàng Nhà nước rất muốn thế nhưng chúng tôi chưa hề đề xuất như vậy”. Có phải loanh quanh chán chê, xử lý nợ xấu đang quay về với câu chuyện: tiền thật?
Ngày 29/9, tại phiên chất vấn về nợ xấu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “Không dùng ngân sách xử lý nợ xấu” nhưng trong báo cáo số 350/BC-CP phục vụ phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ 22/9 - 2/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay mặt Chính phủ lại đề xuất: “Dùng một phần ngân sách để xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước”.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong 3 năm qua, nếu xét về con số tuyệt đối thì hệ thống ngân hàng đã xử lý được 249 nghìn tỷ đồng nợ xấu; trong đó, xử lý qua bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) 86 nghìn tỷ đồng và phần còn lại từ nguồn trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng.
Từ đầu năm 2014 đến hết tháng 7/2014, các tổ chức tín dụng đã trích lập được thêm 78 nghìn tỷ đồng và nguồn này sẽ được sử dụng để tiếp tục xử lý nợ xấu vào cuối năm.
“Vì lúc đó, họ hạch toán và biết được lỗ lãi cũng như phần trích lập dự phòng là bao nhiêu. Vì thế, nợ xấu thường giảm mạnh vào ngày 31/12 hàng năm”, Thống đốc nói.
Ông Bình cũng cho biết thêm, mặc dù đến tháng 7/2014, VAMC mới mua được 14 nghìn tỷ đồng nhưng đến 24/9/2014, đơn vị này đã mua được 47 nghìn tỷ đồng và có thể cán đích mục tiêu 70 nghìn tỷ đồng trong năm nay. Cộng con số 70 nghìn tỷ đồng nói trên với nguồn trích lập 78 nghìn tỷ đồng, dự kiến cả năm 2014, hệ thống sẽ xử lý được 148 nghìn tỷ đồng.
Một câu hỏi đặt ra, cứ cho rằng năm nay, toàn hệ thống xử lý được 148 nghìn tỷ đồng nợ xấu nhưng con số này so với tổng mức nợ xấu toàn hệ thống là 4,11% tính đến 7/2014 (theo báo cáo của các tổ chức tín dụng) hoặc 8% (theo giám sát của Ngân hàng Nhà nước) thì có ý nghĩa như thế nào?
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tổng dư nợ toàn bộ nền kinh tế hiện xấp xỉ 3 triệu tỷ đồng, nếu tỷ lệ nợ xấu là 4,11% (tổ chức tín dụng tự báo cáo) thì số nợ xấu tương ứng với 123,3 nghìn tỷ đồng; còn nếu tỷ lệ nợ xấu là 8% (theo giám sát của Ngân hàng Nhà nước), con số trên là 240 nghìn tỷ đồng.
Sở dĩ có sự khác biệt con số nợ xấu nói trên là do các tổ chức tín dụng không tính 300 nghìn tỷ đồng nằm trong số nợ cơ cấu lại mà trong đó, có tới 157 nghìn tỷ đồng tiềm năng nợ xấu vẫn được hệ thống thanh tra, giám sát vẫn theo dõi.
Như vậy, xét đơn thuần về mặt số học, giả định rằng, số nợ xấu nằm im ở con số 123,3 nghìn tỷ đồng hoặc 240 nghìn tỷ đồng và so với khả năng xử lý của hệ thống được khoảng 148 nghìn tỷ đồng thì việc xử lý không phải bất khả thi.
Với thông điệp “Không dùng ngân sách xử lý nợ xấu” thì hiện Ngân hàng Nhà nước trông mong vào hai cách: một là, VAMC mua lại rồi chờ đợi thị trường tài sản phục hồi. Hai là, sử dụng chính nguồn trích lập dự phòng của các tổ chức tín dụng để xử lý như từng diễn ra trong 3 năm nay.
Ông Nguyễn Phước Thanh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói: “Dù Ngân hàng Nhà nước rất muốn Chính phủ dùng ngân sách để xử lý nợ xấu doanh nghiệp nhà nước bởi nợ xấu doanh nghiệp nhà nước hiện khá lớn, làm như thế thì ngành ngân hàng khỏe re!”.
Nhưng theo ông, Ngân hàng Nhà nước chưa hề có đề xuất chính thống như vậy và đó chỉ là góp ý, kiến nghị của bộ này, ngành kia thôi. Và, với số nợ xấu toàn hệ thống hiện tại như vậy, nếu để ngành ngân hàng tự xử lý thì phải có thời gian.
TS.Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) phân tích: Quá trình xử lý nợ xấu ngân hàng tại Việt Nam chỉ sử dụng trích lập dự phòng và “câu giờ”, chờ thị trường tài sản phục hồi để thanh lý tài sản qua VAMC đã bộc lộ không ít nhược điểm. Đó là, muốn có trích lập dự phòng đủ lớn để xử lý thì lợi nhuận ngân hàng phải cao trong khi, giai đoạn này lại đang rất khó khăn, cầu tín dụng thấp, rủi ro kinh doanh cao và ngân hàng không thể tạo ra mức lợi nhuận đủ lớn để thoát khỏi tình trạng này.
Còn việc trông chờ xử lý qua VAMC thì cũng đang trong tình trạng mua xong rồi “tấp hàng đống” để đó vì vướng cơ chế xử lý tài sản bảo đảm; điều mà các ngân hàng đã vướng hàng chục năm nay không xử lý được.
Nói cách khác, nếu như VAMC bán được những tài sản thanh lý này thì các ngân hàng cũng xử lý được, vấn đề là môi trường pháp lý cho hoạt động thanh lý tài sản bảo đảm như thế nào.
>> “Không thể đổ hết lỗi cho nợ xấu”
Theo Nguyễn Hoài