Xem cách người dân chi tiêu, đoán 'tính cách' của mỗi quốc gia

04/01/2016 20:30 PM |

Có vẻ chi tiêu của người dân ở một nước phản ánh đặc trưng của nước đó.

Có vẻ chi tiêu của người dân ở một nước phản ánh đặc trưng của nước đó. Đây là kết luận rút ra được từ số liệu về chi phí ở các hộ gia đình do Eurostat tổng hợp: Người Nga bỏ ra 8% mức chi tiêu của mình cho rượu và thuốc lá – một tỉ lệ lớn hơn nhiều so với các nước giàu. Trong khi đó những người Australia dành 10% chi tiêu cho giải trí, hẳn họ phải là những người ham vui và thích tiệc tùng.

Những người ham học nhất hóa ra lại là người Hàn Quốc, điều này có thể một phần là do lượng du học sinh từ Hàn Quốc sang Mỹ du học là khá nhiều.

Sự khác biệt một phần được cho là nằm ở nguyên nhân kinh tế. Những nước giàu như Mỹ, Canada và Australia, nơi có mức chi tiêu hộ gia đình khoảng 30.000 USD một người, tiêu ít tiền hơn cho thực phẩm so với những nước như Mexico, Ấn Độ và Nga.

Trong đó Nga chiếm vị trí quán quân với 30,7% tức gần 1/3 tổng chi tiêu. Con số này ở Mỹ chỉ là 6,8% liệu đây có phải là một nghịch lý khi biết rằng Mỹ là nước có số người béo phì nhiều nhất thế giới với 78 triệu người thừa cân (2014).

Như vậy trung bình mỗi người Mỹ chi khoảng 2.000 USD cho việc ăn uống, đây là mức chi tương đương với các nước như Mexico và Nga, nơi tổng chi tiêu trung bình chỉ khoảng 6.000 USD/người.

Thể chế chính trị cũng đóng góp một vai trò quan trọng làm nên sự khác biệt trong bảng thống kê. Ở Mỹ, nơi các dịch vụ y tế tư nhân phát triển, mỗi gia đình phải dành ra khoảng 1/5 tổng chi tiêu cho việc chăm sóc sức khỏe. Trái lại ở các nước châu Âu, nơi y tế công phổ biến hơn, thì mức chi tiêu chỉ là 4%. Sự khác biệt về thế chế chính trị cũng khiến chi tiêu dành cho nhà ở và nhiên liệu ở Nga rất thấp vì được chính phủ trợ cấp. Trong khi đó, mức chi tiêu này ở Nhật Bản, nơi mức sống cao và đời sống đắt đỏ, là rất cao với 1/4 tổng mức chi tiêu của mỗi người.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM