Xe lu, máy xúc nhập khẩu: 4 bộ 'cãi nhau'

06/06/2015 12:00 PM |

Hàng chục doanh nghiệp (DN) cố tình đục số khung, số máy hòng “lách” nhập khẩu xe máy chuyên dùng thuộc danh mục cấm nhập khẩu.

Nhập hàng cấm

Cuối năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải cho biết chỉ trong vài tháng đầu năm 2014 đã có tới 40 doanh nghiệp (DN) nhập khẩu 49 xe máy chuyên dụng (xe nâng, máy xúc, xe lu,...) bị đục số khung, số động cơ, vi phạm Nghị định 187 (2013).

Trước vi phạm này, Bộ GTVT yêu cầu các DN phải cung cấp lại thông tin để có hướng xử lý phù hợp. Ngặt nỗi, không ít DN đã thay đổi địa chỉ, chưa rõ còn hoạt động hay không. Đơn cử, công ty TNHH TM Hiệp Thắng tại TP HCM nhập 1 xe Fiat Hitachi, công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Texhong Ngân Long (nhập 6 xe nâng Toyota), công ty TNHH Trung Viễn (nhập 2 xe máy xúc)…

Trước những vi phạm đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã rà soát, yêu cầu cả thảy 40 DN này giải trình. Tuy nhiên, chỉ có 22 DN có văn bản trả lời về tình trạng lô hàng kể trên.

Do thuộc danh mục cấm nhập khẩu, nên 6 DN đã bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt từ 30-45 triệu đồng. Thậm chí, cơ quan chức năng còn áp dụng hình thức tịch thu hàng hóa vi phạm với 4 DN (công ty TNHH Quốc tế Tân Năng, công ty TNHH TM Ánh Công, công ty CP Đầu tư và Xây dựng thương mại Nam Long, công ty TNHH KD&SX Vật tư thiết bị Trường Phát).

Một số DN không thừa nhận vi phạm, đổ cho khách quan: Số khung, số động cơ bị mài mòn tự nhiên hoặc được chính nhà sản xuất dập lại là hợp pháp và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Riêng công ty TNHH Nhật Thiên Phú đã tự ý tiêu thụ hàng hóa dù đang trong thời gian chờ ý kiến xử lý của các bộ liên quan.

Trong số DN nhập hàng cấm này, có 4 đơn vị giải thích, họ đã ký hợp đồng với đối tác trước ngày Nghị định 187 có hiệu lực (20/2/2014) với tổng cộng 9 xe. Một số DN thừa nhận vi phạm do không kịp cập nhật các quy định của pháp luật. Một số DN khác không thừa nhận vi phạm, đổ cho khách quan.

“Số khung, số động cơ bị mài mòn tự nhiên hoặc được chính nhà sản xuất dập lại là hợp pháp và phù hợp với thông lệ quốc tế”, đại diện một DN giải thích. Vì thế, các DN đề nghị nếu không cho phép nhập, thì được phép tái xuất trả hàng cho đối tác thay vì tịch thu hàng hóa.

Chờ Chính phủ…

Ngay khi biết sự việc này, Tổng cục Hải quan đã lập tức rà soát, phát hiện 49 xe máy chuyên dụng thuộc diện cấm nhập khẩu đã về đến các cảng Việt Nam nhưng chưa kịp làm thủ tục thông quan. Một lãnh đạo Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) cho biết, đơn vị này căn cứ vào Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng nhập khẩu do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp để giải quyết thủ tục thông quan.

“Đối với những trường hợp vi phạm quy định nêu trên, hải quan sẽ không thông quan và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định”, vị này cho biết.

Vấn đề tiếp theo, xử lý những lô xe này như thế nào, cho nhập xử phạt hay tạm nhập, tái xuất? Ngày 24/4/2015, Bộ Công Thương, cơ quan chủ trì xây dựng Nghị định 187 (quy định chi tiết về Luật Thương mại về mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động mua bán và gia công quá cảnh hàng hóa với nước ngoài) cho biết, giải pháp của Bộ về xử lý các lô hàng xe cấm nhập này sẽ theo 2 phương án.

Trường hợp ký hợp đồng nhập khẩu trước ngày Nghị định 187 có hiệu lực, sẽ xử lý hành chính và cho phép nhập khẩu hoặc tái xuất. Đối với DN ký hợp đồng sau thời điểm trên, sẽ xử phạt theo đúng quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hải quan. Quan điểm này được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý trong Công văn số 3586, do Văn phòng Chính phủ phát đi ngày 19/5.

Cùng lúc, Bộ GTVT đề xuất phương án giải quyết theo hướng tạo điều kiện cho DN được nhập khẩu, xử lý phạt hành chính (phạt tiền) chỉ áp dụng với DN ký hợp đồng nhập khẩu sau ngày Nghị định 187 có hiệu lực. Còn Bộ Tài chính lại đề xuất xử phạt hành chính mọi trường hợp mở tờ khai hải quan sau ngày Nghị định 187 có hiệu lực, kể cả hợp đồng nhập khẩu đã ký trước thời điểm này, việc cho phép nhập khẩu hay không sẽ do Thủ tướng quyết định.

Về phần mình, Bộ Công an khẳng định đây là hàng hóa cấm nhập khẩu nên không cho phép nhập khẩu.

Theo Tuấn Đức

Cùng chuyên mục
XEM