WB: Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dưới mức tiềm năng
Đại diện của World Bank nhìn nhận mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dưới mức tiềm năng.
Đó là đánh giá của Chuyên gia Kinh tế trưởng của World Bank tại Việt Nam, ông Sandeep Mahajan, khi trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ.
Theo ông Sandeep Mahajan, hoạt động kinh tế tại Việt Nam vẫn diễn ra vững chắc. Lạm phát đã ổn định ở mức thấp khi chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,04% trong 4 tháng đầu năm.
Những tín hiệu tích cực khác của nền kinh tế có thể kể đến như xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, kiều hối ổn định, góp phần giúp Việt Nam tăng cường cán cân thanh toán và dự trữ ngoại tệ.
Sản xuất công nghiệp tăng 9,4% trong quí I/2015 so với 5% cùng kỳ năm 2014; xuất khẩu của khu vực FDI duy trì ở mức cao; khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng ổn định từ 6-7% kể từ năm 2010; lĩnh vực nông nghiệp trong những năm gần đây cũng là một nhân tố góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank cho rằng các chỉ số kinh tế vĩ mô, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo và xuất khẩu của lĩnh vực này cũng như những cải cách quan trọng trong môi trường đầu tư nằm trong số những động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua.
Bên cạnh đó, ông Sandeep cũng cho rằng mặc dù mức độ rủi ro về nợ thấp nhưng nợ công đang trở thành mối quan tâm. Nợ công của Việt Nam ước tính gần 61% vào cuối năm 2014 có nguyên nhân từ thâm hụt ngân sách vì đầu tư chủ yếu từ nguồn ngân sách nội địa.
Đại diện của World Bank nhìn nhận mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dưới mức tiềm năng.
Ông Sandeep cho rằng cần có kế hoạch tài khóa trung hạn để khắc phục khuynh hướng suy giảm thu ngân sách, ổn định chi tiêu định kỳ ở mức hợp lý, đồng thời nâng cao hiệu quả chi tiêu.
Đánh giá về nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, ông Sandeep nhận định năm 2014 Chính phủ đã đưa ra những giải pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là việc dự báo những cơ hội to lớn từ hội nhập toàn cầu cũng như thách thức từ cạnh tranh gia tăng.
Đáng chú ý, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19, trong đó ưu tiên rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính, giảm chi phí hành chính, tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản, và Luật Đầu tư nhằm xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi hơn trong những năm tới.
Để cải cách mang lại hiệu quả cao, theo ông Sandeep, Việt Nam cần có những biện pháp thực thi quyết liệt bởi Việt Nam vẫn chưa có một khu vực tư nhân năng động, có sức cạnh tranh để làm nền tảng cho các nỗ lực hiện đại hóa đất nước.
Nhìn về tương lai, Chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank cho rằng triển vọng trung hạn của nền kinh tế là tích cực. World Bank hy vọng sẽ chứng kiến GDP tiếp tục tăng trưởng, kinh tế vĩ mô ổn định.
Kinh tế Việt Nam sau 40 năm tái thiết dưới góc nhìn quốc tế