Vụ tăng cước 3G: Bộ Công thương còn điều tra, Bộ Thông tin truyền thông đã bật đèn xanh?

05/11/2013 14:29 PM |

"Đây là vụ việc phức tạp không thể giải quyết trong một sớm một chiều ...", đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cho biết

Trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công thương ngày 4/11, trả lời việc 3 DN lớn: Viettel – Mobifone – Vinaphone đồng loạt tăng giá cước 3G, với lý do điều chỉnh theo đặc tính, kỹ thuật, giá cước, dịch vụ, đại diện Cục quản lý thị trường, Bộ công thương cho biết, hiện Bộ đang tiến hành điều tra 3 vấn đề lớn, đang gây bức xúc cho dư luận xã hội.

Thứ nhất, việc 3 doanh nghiệp lớn đồng loạt tăng cước 3G như vậy có vi phạm luật cạnh tranh, bắt tay nhau độc quyền hay không.

Thứ hai, việc nhóm 3 DN thống lĩnh trên thị trường (đang chiếm 97% thị phần) tăng giá mạnh như vậy, cá biệt có gói cước tăng 40%. Có phải hành vi xâm hại quyền lợi khách hàng không.

Thứ ba, việc Viettel, Mobifone, Vinaphone đều giải trình cùng 1 lý do là tăng giá cước để tiếp cận với giá thành dịch vụ có vi phạm khoản 1, điều 13 về luật cạnh tranh, đó là bán dưới giá thành nhằm loại bỏ đối tượng cạnh tranh không?

"Cục Quản lý cạnh tranh [Bộ Công thương] hiện đang liên kết chặt chẽ với Cục Viễn thông [Bộ Thông tin - Truyền thông] để điều tra xử lý vấn đề này. Đây là vụ việc phức tạp không thể giải quyết trong một sớm một chiều, nhưng tôi hy vọng sẽ sớm công bố thông tin chính xác và minh bạch nhất tới công chúng", đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cho biết.

Tuy nhiên, tại cuộc họp diễn ra cùng ngày tại Bộ Thông tin truyền thông, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông lại cho biết, Bộ TT&TT đã căn cứ trên các sở cứ pháp lý để chấp thuận cho các doanh nghiệp là Viettel, MobiFone, VinaPhone điều chỉnh cước 3G. 

Đây cũng lần đầu tiên, mức giá cước 3G được công bố. Cụ thể, giá thành dịch vụ truy cập dữ liệu Internet di động là 167 đồng/MB, nhưng giá đang cung cấp cho khách hàng trung bình khoảng 100 đồng/MB (thấp hơn giá thành là 67 đồng/MB). 

Theo ông Hải, khi doanh nghiệp mới thiết lập mạng 3G, do số lượng người dùng chưa nhiều thì doanh nghiệp sẵn sàng bán dưới giá thành để kích cầu, nhưng năng lực mạng lưới so với nhu cầu thị trường đã hình thành thị trường nên phải quản lý theo cơ chế thị trường.

"Doanh nghiệp thống lĩnh thị trường không được bán dưới giá thành, doanh nghiệp không thống lĩnh thị trường sẽ được bán dưới giá thành nhưng không được bán thấp hơn 1 mức nhất định", ông Hải cho biết.
Hoàng Vân

dungtq

Cùng chuyên mục
XEM