Viettel hứa tính lại cước 3G cho doanh nghiệp vận tải
30/10/2013 15:21 PM
|
Sáng nay 30-10, trong cuộc họp với Hiệp hội vận tải ô tô, đại diện Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) cho biết sẽ tính toán lại các mức cước và có gói cước 3G đặc biệt với doanh nghiệp vận tải.
Nội dung nổi bật:
Hiện các doanh nghiệp cung cấp thiết bị GPS đã ký hợp đồng trọn gói cung cấp thiết bị và bảo trì đến hết năm 2013, nên khi cước 3G tăng giá đã “ngậm đắng” nạp tiền thay cho doanh nghiệp vận tải. Chỉ các doanh nghiệp vận tải đang phải trực tiếp nạp tiền 3G thì mới thấy được mức độ ảnh hưởng.
Viettel chiếm khoảng 70% thị phần cung cấp sim 3G cho các doanh nghiệp vận tải, 20% thuộc về MobiFone và 10% thuộc về Vinaphone.
Đại diện Viettel cho biết Viettel sẽ xem xét lại vấn đề trên tinh thần có cơ cấu gói cước riêng cho các doanh nghiệp vận tải, trên cơ sở hỗ trợ các doanh nghiệp. Nhưng mức cước cụ thể như thế sẽ còn phải bàn bạc lại.
Sau khi Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam có văn bản cầu cứu các bộ ngành liên quan và Bộ Giao thông Vận tải có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ xung quanh việc thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) của hàng ngàn phương tiện vận tải tê liệt sau khi các hãng viễn thông tăng cước, sáng nay 30-10, các bên liên quan đã ngồi lại bàn bạc với nhau.
Theo Bộ Giao thông vận tải, từ năm 2008, luật đã quy định các loại phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách nào phải bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GPS). Đến nay, có trên 50.000 phương tiện phải gắn GPS đã lắp đặt.
Nghị định xử phạt vi phạm giao thông của Chính phủ quy định trường hợp cảnh sát giao thông kiểm tra phát hiện thiết bị GPS không hoạt động sẽ lập biên bản phạt 2,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 30 ngày. Việc giám sát hoạt động của xe thông qua thiết bị GPS thời gian qua đã cho thấy rất hiệu quả.
Ông Thân Văn Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết chi phí đầu vào của ngành vận tải ngày càng tăng. Khi cước 3G tăng giá, các doanh nghiệp vận tải chưa lên tiếng mạnh mẽ vì hiện các doanh nghiệp cung cấp thiết bị GPS đã ký hợp đồng trọn gói cung cấp thiết bị và bảo trì đến hết năm 2013 nên đã “ngậm đắng” nạp tiền thay cho doanh nghiệp vận tải. Chỉ có các doanh nghiệp vận tải đang phải trực tiếp nạp tiền 3G thì mới thấy được mức độ ảnh hưởng như thế nào.
Ông Thanh dẫn chứng 1 doanh nghiệp vận tải ở Thái Bình đã phải nạp 5.000 đồng/1 xe/ngày. Doanh nghiệp có tới 300 xe nên chi phí hàng tháng rất lớn nhưng cũng đành chịu để tránh bị xử phạt nặng. Trong khi có doanh nghiệp cung cấp dịch vụ GPS từ ngày 21-10 đến nay đã phải nạp tới 170 triệu đồng cho 10 ngày tăng cước.
Qua trao đổi với đại diện Viettel và các doanh nghiệp cung cấp thiết bị GPS, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam thống kê thấy khoảng 70% các doanh nghiệp đang sử dụng sim của Viettel cho thiết bị GPS. “Chính vì thế, nếu doanh nghiệp cung cấp GPS không còn tiềm lực tài chính đóng cước 3G cho nhà mạng thì hàng loạt xe sẽ ngừng hoạt động” - ông Thanh nói.
Ông Tạ Quang Thuận đến từ Chi hội doanh nghiệp cung cấp GPS cho rằng mỗi lần thiết bị 3G của GPS mất sóng, việc kết nối lại sẽ tự động mất 50 km, xe di chuyển càng nhiều thì lượng dùng càng nhiều và đó là lý do vì sao nhanh chóng hết tiền. Tính toán của hội này cho thấy Viettel chiếm khoảng 70% thị phần cung cấp sim 3G cho các doanh nghiệp vận tải, 20% thuộc về MobiFone và 10% thuộc về Vinaphone.
Đại diện Viettel cho biết đã cung cấp gói cước 3G chuyên biệt dành cho GPS. Viettel sẽ xem xét lại vấn đề trên tinh thần có cơ cấu gói cước riêng cho các doanh nghiệp vận tải, trên cơ sở hỗ trợ các doanh nghiệp để cùng phát triển. Tuy nhiên mức cước cụ thể như thế sẽ còn phải bàn bạc lại với bộ chủ quản.
Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Thân Văn Thanh nói Hiệp hội sẽ lập tức có văn bản gửi các nhà mạng và cơ quan quản lý nhà nước để đề nghị tính giá cước 3G một cách thỏa đáng, phù hợp nhất.
Theo Thế Kha
Theo Người lao động
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!