Việt Nam sắp trở thành trung tâm sản xuất thực phẩm và đồ uống của khu vực

04/01/2016 14:03 PM |

Cả các thương hiệu sản xuất thực phẩm và đồ uống trong nước và nước ngoài đều đã hoặc đang chuẩn bị ra mắt các nhà máy mới tại Việt Nam thông qua đầu tư trực tiếp hoặc liên doanh.

Các công ty thực phẩm và đồ uống đang tăng cường sản xuất tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh tại quốc gia này. Cả các thương hiệu trong nước và nước ngoài đều đã hoặc đang chuẩn bị ra mắt các nhà máy sản xuất mới tại Việt Nam thông qua đầu tư trực tiếp hoặc liên doanh.

Đầu tiên phải kể đến Masan Consumer. Công ty này chính thức mở cửa nhà máy sản xuất nước mắm và mì ăn liền tại Nghệ An vào tháng 11/2015. Nhà máy mới được xây dựng với tổng chi phí 56,4 triệu USD và là nhà máy đầu tiên được đặt tại miền trung của họ.

Với lợi thế này, Masan sẽ có thể cắt giảm được chi phí vận chuyển lên tới 18 triệu USD trong vòng 10 năm tới.

Một nhà sản xuất thực phẩm hàng đầu của Đài Loan là Ve Wong và Kinh Đô cũng đã ký thoả thuận hợp tác vào tháng 5 và chuẩn bị mở 4 nhà máy tại Việt Nam. Kế hoạch hợp tác ban đầu sẽ là dành 30 triệu USD cho một nhà máy mới để sản xuất mỳ ăn liền và gia vị trong năm tới được đặt tại tỉnh Bắc Ninh. 3 nhà máy khác sẽ được đặt ở các tỉnh phía Nam.

Hãng bia lớn nhất thế giới của Bỉ là Anheuser-Busch InBev cũng đã mở nhà máy đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 5 năm ngoái. Budweiser - một trong những thương hiệu bia của hãng này đang trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam.

Công ty hy vọng có thể mở rộng thị phần của thương hiệu xa hơn nữa bằng việc sản xuất ngay tại địa phương. Nhà máy mới sẽ được đặt tại Bình Dương với công suất 100 triệu lít bia mỗi năm.

Một công ty trong nước khác là Sabeco cũng đã dành 27,5 triệu USD để xây dựng nhà máy bia mới được đặt tại tỉnh Khánh Hoà. Được biết nhà máy này sẽ hoàn thành vào mùa xuân năm 2017 với công suất 50 triệu lít mỗi năm.

Những nhà máy sản xuất thực phẩm và đồ uống mới tại Việt Nam

Việt Nam có dân số 93 triệu người với độ tuổi trung bình là 28. Trong khi chi phí lao động đang được đẩy tăng cao hơn, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam ở quanh mức 1% hoặc thấp hơn trong năm vừa qua. Hiện tại, mức giá cả ổn định đang thúc đẩy tiêu dùng, chủ yếu từ tầng lớp trung lưu.

“Trong thời gian tới, thị trường thực phẩm và đồ uống trong nước sẽ chứng kiến tốc độ phát triển ổn định ở mức 7 - 8%”, theo ông Nguyễn Văn Việt - chủ tịch Hiệp hội bia, rượu và nước giải khát Việt Nam.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cũng đã ra mắt Cộng đồng kinh tế Asean vào ngày 31/12/2015 với cam kết phá bỏ tất cả những rào cản về thuế quan cho đến cuối năm 2017.

Cuối cùng, Việt Nam hiện được xem là quốc gia có thị trường hàng tiêu dùng hứa hẹn đối với doanh nghiệp ở các quốc gia phương Tây, Nhật Bản, Thái Lan...

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM