Việt Nam học giỏi hơn các nước giàu nhưng làm việc kém hơn các nước nghèo

10/12/2015 16:24 PM |

Về giáo dục, Việt Nam được nhận định có thành tích cao hơn nhiều nước phát triển. Nhưng về năng suất lao động, Việt Nam thuộc hàng cực thấp, tăng trưởng thấp, và có xu hướng ngày càng giảm. Vì sao vậy?

Tại Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam tổ chức cuối tuần trước, một lần nữa kết quả kiểm tra PISA (Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) lại được đưa ra làm minh chứng cho kết quả giáo dục của Việt Nam, khi thành tích của Việt Nam cao hơn nhiều so với mức dự đoán.

Thậm chí, thành tích này còn cao hơn nhiều nước OECD – những nước có nền kinh tế phát triển và hầu hết là các quốc gia có thu nhập cao.

PISA là chương trình đánh giá năng lực Toán, Khoa học và đọc hiểu của học sinh 15 tuổi (cuối lớp 9, đầu lớp 10), diễn ra ba năm một lần; đợt 2012 có 34 quốc gia thành viên OECD và 31 quốc gia hay vùng kinh tế đối tác của PISA tham gia.

Kết quả: Thành tích của Việt Nam tuy chưa thể so với Singapore, nhưng cao vượt trội so với các nước có thu nhập cao hơn như Thái Lan, Indonesia, thậm chí vượt xa cả Malaysia – nước có chỉ số GDP/người/năm cao gấp 6 lần Việt Nam vào thời điểm đó.

Học giỏi, nhưng làm đến đâu?

Một báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố năm ngoái khiến nhiều người giật mình vì năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở châu Á-Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần.

So với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan.

Bà Victoria Kwakwa – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (World Bank) ở Việt Nam cho rằng: Việt Nam đang gặp thách thức rất lớn về năng suất lao động. Mấy năm gần đây Việt Nam đã phục hồi tăng trưởng khá tốt sau giai đoạn suy thoái toàn cầu. Nhưng xu thế mức tăng năng suất lao động giảm dần là vấn đề đáng quan ngại.

Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đến 4% và đang có xu thế giảm, trong khi mức tăng năng suất lao động tại Trung Quốc là trên 7%, tại Hàn Quốc là trên 5% vào thời điểm các nước đó ở cùng trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay”, bà Victoria nói.

“Tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay sẽ không đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững đủ mức để từ đó Việt Nam có thể đi theo quĩ đạo như các nước Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc)”.

Vì sao Việt Nam học giỏi làm kém?

Kết nối giữa kỳ thi PISA với sự thiếu hụt các kỹ năng lao động ở Việt Nam, ông Christian Bodewig – Trưởng Chương trình Tăng trưởng toàn diện ở khu vực Trung Âu và các nước Baltic – cho rằng: Kết quả tốt của Việt Nam trong kỳ thi PISA chỉ đánh giá các em học sinh 15 tuổi đang đi học, và bỏ qua các em bỏ học – chiếm tỷ lệ khá lớn ở nhóm dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, người sử dụng lao động nói rằng sinh viên Việt Nam tốt nghiệp ra trường thường bị thiếu các kỹ năng như tư duy phê phán, làm việc nhóm và giao tiếp.

Điều này có nguyên nhân từ việc dạy và học trên lớp ngày nay thường chỉ tập trung vào học thuộc lòng và ghi nhớ. Cách dạy và học này có thể tạo ra những học sinh biết đọc lưu loát, nhưng lại không quan tâm đầy đủ đến các kỹ năng quan trọng khác.

Theo báo cáo của World Bank, Việt Nam đã thành công với việc đào tạo kỹ năng cơ bản nhưng công tác chuẩn bị cho sinh viên và học sinh sẵn sàng đảm đương được công việc được trả lương cao hơn, với năng suất lao động cao hơn vẫn chưa đạt yêu đầu.

Tình trạng này là kết quả của 6 cái “không khớp” sau:

- Các cấp giáo dục không khớp với nhau. Giáo dục trung học phổ thông là khâu yếu nhất trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Hiện tỷ lệ chuyển cấp từ trung học cơ sở lên trung học phổ thông đã giảm mạnh từ 80% xuống còn 60% có lẽ vì lý do chi phí cơ hội (học phí, không bắt buộc, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có thể kiếm được việc làm).

- Ngành đào tạo không khớp với nhu cầu thị trường lao động. Hiện nay, các cơ sở dạy cho học viên những nghề không còn tồn tại hoặc không có tương lai.

- Phương pháp sư phạm không khớp với thực tế làm việc. Các khóa học chú trọng quá nhiều vào lý thuyết, ít chú ý tới thực hành.

- Cơ sở giáo dục và đào tạo không khớp với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ít khi tham gia tích cực vào việc thiết kế các chương trình đào tạo hay công tác giảng dạy. Giữa sinh viên, nhà trường, doanh nghiệp có ít trao đổi, giao lưu. Điều này làm hạn chế khả năng phát hiện tài năng, định hướng chương trình và khuyến khích sáng tạo.

- Hệ thống thông tin thị trường lao động không khớp với nhu cầu của doanh nghiệp, sinh viên và cơ sở đào tạo.

- Công tác nghiên cứu của các trường đại học và viện nghiên cứu không khớp với đòi hỏi của nền kinh tế. Các trường đại học hiếm khi tham gia vào tiếp nhận công nghệ hay nâng cấp. Chương trình nghiên cứu của họ cũng không quan tâm đến các vấn đề ưu tiên tại địa phương.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM