Hội nhập TPP: Nông dân Việt Nam làm việc bằng 1/20 nông dân Mỹ

16/10/2015 16:27 PM |

Một trang trại lợn sinh sản quy mô 1.000 nái ở Mỹ chỉ có 1 lao động, còn ở Việt Nam là 15 - 20 người...

“Thách thức số 1 của ngành chăn nuôi là năng suất vật nuôi thấp, năng suất lao động thấp, giá thành cao. So với một số nước TPP, giá thành một số sản phẩm của Việt Nam cao hơn tới 50%”, TS. Đoàn Xuân Trúc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam – chia sẻ tại hội thảo “Tác động của TPP và hội nhập kinh tế tới ngành chăn nuôi Việt Nam” sáng 16/10.

Về năng suất sinh sản, theo công bố trên Tạp chí Pig International số 11 và 12 năm 2014: Trong các năm 2011, 2012, 2013, Việt Nam đều đứng ở Top 3 (sau Trung Quốc và Mỹ) trong top 20 nước nuôi nhiều lợn nái nhất thế giới.

Nhưng sản lượng thịt lợn sản xuất năm 2011 đứng ở vị trí thứ 8, 2012 và 2013 đứng ở vị trí thứ 7 (sau Trung Quốc, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Brasil, và Nga). Năng suất sinh sản của đàn lợn nái của Việt Nam đứng ở vị trí cuối cùng trong Top 20. Trong khi nhều nước Âu, Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc, chỉ tiêu số lợn cai sữa/nái/năm đạt 24-26 con, riêng Đan Mạch 31-33 con, còn Việt Nam chỉ ở mức 17-20 con.

Về năng suất lao động, chăn nuôi Việt Nam đang có năng suất lao động quá thấp.

Một trang trại lợn sinh sản quy mô 1.000 nái ở Mỹ chỉ có 1 lao động, còn ở Việt Nam là 15 - 20 người. Một nhân công nuôi gà công nghiệp ở Thái Lan có thể quản lý chuồng gà công nghiệp với quy mô 20.000 con, trong khi công nhân việt nam chỉ nuôi bình quân 5.000 con.

Trong khối TPP, Việt Nam có GDP thấp gần nhất và giá thịt bò, gà cao nhất

Ông Trúc cho biết, theo điều tra của Hội Chăn nuôi Việt Nam, giá thành sản xuất lợn thịt ở Mỹ thấp hơn 25 – 30% so với ở Việt Nam, giá thành 1kg thịt (carcass) bò Úc (nhập bò sống về Việt Nam để giết mổ) sau khi đã trừ các chi phí vận chuyển, thuế, phí kiểm dịch, nuôi tân đáo, phí giết mổ, lãi vay ngân hàng... là khoảng 170.000 – 180.000 đồng/kg.

Trong khi đó, bò thịt nuôi tại Việt Nam giá không thấp hơn 200.000 đồng/kg, nhưng chất lượng thịt lại không bằng thịt bò Úc.

Theo tính toán của Viện Chăn nuôi, giá thành sản xuất 1kg thịt lợn trong nước là 2,08 USD; còn ở Mỹ là 1,41 USD; giá thành sản xuất thịt bò trong nước là 2,53 USD/kg, còn ở Úc là 1,77 USD/kg.

Bên cạnh chi phí sản xuất cao, các khâu trung gian trong phân phối, các thương lái cũng đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Trung bình mỗi khâu đẩy giá thành sản phẩm lên 6 – 12%.

Theo Hội Chăn nuôi, khâu trung gian trong phân phối con giống làm tăng 6-8% giá bán.

Hệ thống đại lý các cấp trong phân phối thức ăn chăn nuôi đang làm người chăn nuôi phải mua thức ăn đắt thêm 9 – 11%.

Các thương lái trung gian về giết mổ góp phần làm tăng giá 8 – 12%.

Thật trớ trêu khi người nuôi gà thịt phải cần 42 – 70 ngày để nuôi, nhưng đến khi xuất chuồng chỉ thu được bình quân 2 – 3.000 đồng/con gà, thì người bán lẻ thịt gia cầm chỉ trong 6 – 10 tiếng đồng hồ có thể thu lãi 8 – 14.000 đồng/con”, ông Trúc than thở.

Thua cả về giá lẫn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, ngành chăn nuôi Việt phải cạnh tranh thế nào khi gia nhập TPP?

Có nhiều nhận định cho rằng: Với TPP, ngành chăn nuôi sẽ “tối như đêm 30”. Còn ông Nguyễn Thanh Sơn – Viện trưởng Viện Chăn nuôi thì cho rằng: Nói “tối như đêm 30” hay sáng như trăng rằm” cũng không hẳn. Ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ có những mảng tối – trắng đan xen, và kỳ vọng rằng mảng “trắng” sẽ ngày càng chiếm ưu thế.

“Cơ hội vàng” của ngành chăn nuôi chỉ còn 10 năm nữa cho đến khi TPP có tác động thực sự lên ngành này (các sản phẩm chăn nuôi sẽ được cắt giảm thuế quan về 0% sau 10 năm kể từ khi TPP có hiệu lực).

Còn việc Việt Nam có tận dụng được cơ hội vàng này hay không, thì chỉ có thể hy vọng.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM