Việt Nam: Công xưởng mới của thế giới
Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh nổi trội trong khu vực ASEAN và có vị trí chiến lược gần chuỗi cung ứng toàn cầu
Tại hội nghị đầu tư Invest ASEAN 2015 với chủ đề “Việt Nam - Công xưởng mới của thế giới” do Tập đoàn Maybank Kim Eng tổ chức ở TP HCM ngày 25-5, các chuyên gia cho rằng việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đánh dấu sự trưởng thành của khu vực. Trong đó, Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế cạnh tranh và thu hút vốn ngoại.
Hấp dẫn không chỉ phí nhân công rẻ
Theo ông John Chong, Giám đốc điều hành Tập đoàn Maybank Kim Eng, các nền kinh tế trong ASEAN đã tăng trưởng bình quân hằng năm trên 6% suốt 5 năm qua và sẽ tiếp tục tăng trưởng trên 5%/năm trong khoảng 3 năm tới. Đây là kỳ tích không nhỏ của khu vực mà hợp lại sẽ là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới với tổng GDP hơn 2.400 tỉ USD, dân số đông thứ 4 thế giới với 625 triệu người.
Trong đó, Việt Nam được xem là “công xưởng mới của thế giới” với những lợi thế trong ASEAN như vị trí chiến lược gần chuỗi cung ứng toàn cầu, lực lượng lao động chi phí thấp, trẻ và có trình độ. Chi phí lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/2 so với Trung Quốc, Thái Lan và Philippines. “Ngay đầu thập niên 1990, các nhà sản xuất công nghiệp chế tạo nước ngoài đã dựa vào Việt Nam như một cấu phần quan trọng trong chiến lược Trung Quốc 1 khi lập nhà máy ở Việt Nam để phòng rủi ro cho các khoản đầu tư tại Trung Quốc, như Samsung, Toyota hay Ford” - ông John Chong nhận xét.
Trong giai đoạn từ 2005-2014, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng bình quân 19,6% và vượt xa các cỗ máy kinh tế khác trong khu vực. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã tinh tế hơn, có giá trị gia tăng cao hơn như máy móc, vận tải, hóa chất và điện tử… Các chuyên gia kinh tế của Maybank Kim Eng cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục có lợi từ thặng dư thương mại. Xuất khẩu các sản phẩm điện tử, máy tính, điện thoại đã giúp thay đổi cán cân thương mại qua xuất siêu, vượt qua ngành dệt may trở thành ngành xuất khẩu lớn nhất.
Ông Huỳnh Quang Hải, Giám đốc điều hành KCN Việt Nam - Singapore (VSIP), cho biết rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam làm điểm dừng chân không hẳn vì chi phí nhân công rẻ mà còn do nhân công trẻ, siêng năng, ham học hỏi và tiếp thu tốt, nhất là cấp quản lý.
Vốn chờ ngoài cửa
Nhiều chuyên gia cho rằng khi một số hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, các rào cản được hạ thấp, nhà đầu tư (NĐT) dễ dàng đến Việt Nam và khi đó, thị trường vốn cũng sẽ có ảnh hưởng tích cực.
Vậy làm sao đón đầu dòng vốn của NĐT nước ngoài? Nhiều NĐT đang chờ Việt Nam thực hiện các cam kết và họ đã “để sẵn tiền ngoài cửa”, chỉ chờ các chính sách của Việt Nam mở ra. Theo ông John Chong, Việt Nam đã có vị thế rất tốt nhưng cần phải đầu tư vào lĩnh vực trọng yếu như phát triển hạ tầng, công nghệ, con người. Đặc biệt là phải đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Chẳng hạn, cần nới room cho NĐT nước ngoài và sớm ban hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) để NĐT nước ngoài có thể tham gia mua hơn 49% cổ phần vào các tập đoàn, tổng công ty lớn đang niêm yết nhưng đã hết room. “Đây là cơ chế khả thi đối với Việt Nam vì hiện nó đã là công cụ tài chính khá thành công tại Thái Lan” - ông John Chong nói.
Ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, cho rằng sau khi kết nối với các nước ASEAN, đã có nhiều yếu tố thúc đẩy các công ty niêm yết hàng đầu đến Việt Nam. Ngoài ra, hiện Chính phủ, cơ quan quản lý cũng rất quan tâm, tạo điều kiện để các NĐT đến với thị trường chứng khoán. Đi cùng với đó là quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải nhanh chóng đưa cổ phiếu lên sàn sau khi cổ phần hóa chứ không được “kiếm cớ” để thoái thác nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.