'Việc tiến sĩ, thạc sĩ thi trượt công chức là bình thường'
"Tôi nghĩ nếu mà trúng hết thì không cần phải thi, chỉ việc thông báo ngày này ngày kia xin mời các vị thạc sĩ, thủ khoa đến ghi tên vào làm việc thôi. Đã nói thi thì có người trúng có người trượt. Đây là chuyện bình thường"
Ngày 2/7, tại Hội nghị tổng kết chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011 - 2015”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã đề cập đến thực trạng nhiều thủ khoa, thạc sĩ, học bằng giỏi từ nước ngoài nhưng lại thi trượt công chức.
Theo Bí thư Phạm Quang Nghị, trong những năm qua thành phố Hà Nội đã có nhiều cơ chế chính sách đào tạo, thu hút, sử dụng đội ngũ trí thức, nhân lực có tay nghề cao.
Theo ông Nghị, về câu chuyện tiến sĩ, thạc sĩ trượt công chức qua xét tuyển, ở một nơi mà nguồn nhân lực sẵn sàng ứng cử vào các vị trí làm việc với mật độ đông như Hà Nội cũng là chuyện bình thường.
“Tôi nghĩ nếu mà trúng hết thì không cần phải thi, chỉ việc thông báo ngày này ngày kia xin mời các vị thạc sĩ, thủ khoa đến ghi tên vào làm việc thôi. Đã nói thi thì có người trúng có người trượt. Đây là chuyện bình thường”, ông Nghị nói.
Theo báo cáo tổng kết, hiện nay Hà Nội có tổng cộng 19.586 cán bộ, công chức; 102.992 viên chức được kết cấu trong các cơ quan, đơn vị tương đối hợp lý cả về ngạch bậc công chức, viên chức và trình độ chuyên môn. Trong khối cán bộ, công chức của Hà Nội có 54 tiến sĩ, 900 thạc sĩ , gần 12.000 cử nhân đại học; khối viên chức có 275 tiến sĩ, gần 3.200 thạc sĩ, trên 50.000 cử nhân đại học.
Đánh giá cho thấy, hầu hết số cán bộ đều được đào tạo về lý luận chính trị, nắm vững và hiểu rõ chức trách, công việc đảm nhiệm, có kiến thức chuyên môn vững vàng.
Bí thư Phạm Quang Nghị đánh giá những hiệu quả của Chương trình 04 được thực hiện trong thời gian qua đã góp phần quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Ông Nghị đề nghị trong giai đoạn tiếp theo cần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, tránh tình trạng thiết chế văn hóa được đầu tư nâng cấp nhưng hiệu quả sử dụng không cao, có nơi sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí…
Bên cạnh đó, Hà Nội cần tiếp tục đưa bộ quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư ra lấy ý kiến rộng rãi và có thời điểm hoàn thành nhiệm vụ này.
Ngoài ra, cần chủ động hơn nữa trong đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, bám sát hơn vào thực tiễn đời sống xã hội và nhiệm vụ chính trị của thành phố, đặc biệt là tuyên truyền sâu rộng hơn về lĩnh vực xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh…