VEPR: Nguy cơ bùng nổ lạm phát và bong bóng tài sản

24/11/2015 10:30 AM |

Nền kinh tế thực đang có dấu hiệu hồi phục tích cực, đặc biệt việc tham gia TPP và các FTA khác sẽ tạo những cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro tiềm ẩn trong khu vực tài chính và các thị trường tài sản.

Báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý III/2015 mới được công bố bởi Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, nền kinh tế thực đang có dấu hiệu phục hồi tích cực ở các chỉ số liên quan đến tăng trưởng kinh tế, lạm phát, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản...

Tuy nhiên, cũng theo VEPR, vẫn có những rủi ro tiềm ẩn trong khu vực tài chính và các thị trường tài sản.

Cụ thể, tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu nóng, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa có thể dẫn tới nguy cơ bùng nổ lạm phát và bong bóng tài sản trong giai đoạn sau.

Do đó, VEPR đề xuất, chính sách tiền tệ cần thận trọng hơn, kiểm soát chặt chẽ cung tiền phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa.

Thứ hai, cơ chế tỷ giá thiếu linh hoạt mới mục tiêu cứng về mức điều chỉnh tỷ giá hàng năm không thành công trong việc dẫn dắt kỳ vọng thị trường, ngược lại làm suy giảm niềm tin của thị trường vào uy tín của nhà điều hành và tạo ra rủi ro chính sách lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

"Cơ chế tỷ giá hiện không phù hợp với hoàn cảnh mới của kinh tế trong nước cũng như thế giới. Cơ chế tỷ giá điều chỉnh thiếu linh hoạt không có khả năng bảo vệ ổn định vĩ mô nội tại và khu vực sản xuất trong nước, đặc biệt trong trường hợp dòng vốn nóng chảy vào Việt Nam sau hiệp định TPP như trường hợp gia nhập WTO năm 2007", báo cáo của VEPR nêu.

Thứ ba, theo VEPR, cần thận trọng với sự tăng trưởng của thị trường bất động sản và ngăn ngừa sự hình thành bong bóng bất động sản có tính chu kỳ.

"Tín dụng cho bất động sản đang có xu hướng tăng cao, các giao dịch đang tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và mặt bằng giá có xu hướng tăng gây lo ngại về sự phát triển bền vững của thị trường. Khi thị trường đã phục hồi, cần điều chỉnh lại chủ trương khuyến khích cho vay bất động sản", VEPR cho hay.

Thứ tư, VEPR cho rằng thị trường tài chính đã ổn định cần để lãi suất xác định theo tương quan thị trường. Việc duy trì trần lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng (5,5%/năm) dẫn đến khó khăn trong việc thu hút tiền gửi của các ngân hàng thương mại, đồng thời làm gia tăng tiêu dùng và đẩy dòng vốn tiết kiệm vào các thị trường tài sản có mức sinh lời kỳ vọng cao hơn. Điều này có thể là nguyên nhân gây mất cân bằng trên thị trường vốn.

Thứ năm, các quy định về kỳ hạn không thấp hơn 5 năm và đưa mức trần lãi suất phát hành của thị trường chứng khoán không phù hợp, đang gây méo mó thị trường, cản trở việc hình thành thị trường vốn nội địa.

"Việc trái phiếu kho bạc được phát hành thay cho trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài là một bước lùi trong việc việc phát triển thị trường vốn, đồng thời làm suy yếu khả năng kiểm soát cung tiền và lãi suất của ngân hàng Nhà nước", VEPR nhận xét.

Theo đó, việc phát triển thị trường vốn và hình thành đường cong lãi suất cần được ưu tiên cao để phát triển thị trường tài chính.

Đây là cơ sở tiên quyết để giảm chi phí vốn, thúc đẩy đầu tư tài sản cố định của khu vực tư nhân, tạo nền tảng cho tăng năng suất trong dài hạn.

Bên cạnh đó, VEPR cho biết để đạt được cân bằng cán cân ngân sách trung và dài hạn, cần tiết chế chi tiêu chính phủ khi nguồn thu ngân sách ít có khả năng được cải thiện.

Theo Tâm An

Cùng chuyên mục
XEM