“Văn hóa” làng trên cao tốc tỷ đô

21/11/2015 19:15 PM |

Ô tô đang chạy hơn 100 km/h đột nhiên bị đá từ trên trời giáng thẳng vào kính, thùng xe kêu ràn rạt như vãi đạn; chặn xe xin đểu; vàng mã bay như bướm trên cao tốc.... Đó là những câu chuyện đang xảy ra trên những tuyến cao tốc được đầu tư cả tỷ USD của Việt Nam.

Bài 1: Tai ương “trời” giáng

Tại trạm thu phí cuối tuyến Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ở quận Dương Kinh (Hải Phòng) vào tối ngày 17/11, anh Nguyễn Văn Hùng lái xe tải 2,5 tấn từ Hà Nội về Hải Phòng bàng hoàng kể: “Đang đi, thành xe kêu như bị bắn súng liên thanh. Lúc đó, xe vừa qua cầu vượt, chắc có kẻ ném đá từ trên cao”. Thùng xe của anh Hùng còn nguyên hàng chục viên đá xanh cỡ bằng đầu ngón tay.

Cùng lúc, nhân viên đội bảo trì tuyến đường (đóng giả đôi trai gái tâm sự trên cầu vượt cách đó 16 km) báo về: Phát hiện hai đối tượng vừa ném đá xuống đường. Từng đưa tin về những vụ máy bay bị móp, thủng chỉ vì va phải chim, chúng tôi mường tượng phần nào sự nguy hiểm của những hòn đá dội vào ô tô đang “mướt” trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (được chạy tối đa 120 km/h), nên lập tức lên đường gặp “hung thủ”.

Tại trụ sở công an xã Hữu Bằng (Kiến Thụy- Hải Phòng), hơn chục người ngao ngán quan sát hai đối tượng ném đá: Một 12 tuổi, một 8 tuổi, là anh em ruột, mặc quần đùi, áo phông ngồi lọt thỏm trên ghế. Các cháu khai: Cháu gom đá trên cầu, khi thấy xe qua thì vươn người ra thành cầu thả xuống “chơi”; trong tối “chơi” tổng cộng 8 lần. Bà Vũ Thị Thiệp, mẹ đẻ hai cháu nói: “Bình thường hai cháu rất ngoan, một cháu là học sinh tiên tiến… ai dè hôm nay lại thế”.

Đây chỉ là một trong hàng chục trường hợp xảy ra trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ khi tuyến đường này đi vào khai thác tạm đến nay. Nhiều trường hợp bị ném vỡ, thủng kính xe phía trước. “Một hòn đá nhỏ cũng làm nứt, vỡ kính. Rất may chưa xảy ra mất lái nhưng đa phần lái xe khó chạy tiếp vì kính nứt, loang ra, không nhìn thấy đường.

Mỗi trường hợp mất ít nhất vài triệu đến hàng chục triệu để thay kính” - anh Trịnh Quang Mộng, cán bộ phụ trách khai thác tuyến của Vidifi (Tổng Cty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính - Chủ đầu tư Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng trị giá hơn 2 tỷ USD) nói. Cao tốc Nội Bài - Lào Cai cũng là điểm nóng của nạn ném đá. Từ đầu năm đến nay, ít nhất có 4 trường hợp xảy ra trên tuyến qua Vĩnh Phúc. Có trường hợp hòn đá to bằng bắp chân, xuyên kính, chui thẳng vào xe.

Hai trẻ nhỏ (ở giữa) ném đá bị bắt quả tang đêm 17/11 tại Kiến Thụy, Hải Phòng.
Hai trẻ nhỏ (ở giữa) ném đá bị bắt quả tang đêm 17/11 tại Kiến Thụy, Hải Phòng.

Chặn xe xin đểu, trộm ốc vít và... rải vàng mã

Sau khi dư luận phản ánh, vào tháng 7 vừa qua, lực lượng công an đã bắt được nhóm 6 đối tượng vứt thùng nước ngọt ra đường để chặn xe xin tiền trên cao tốc TP HCM - Trung Lương qua địa phận Châu Thành - Tiền Giang. Nhóm đối tượng từ 15 đến 22 tuổi này khai nhiều lần thực hiện hành vi này; nếu lái xe không chịu chi, chúng dùng đá ném vỡ kính xe.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc (Tổng cục Đường bộ, đơn vị trực tiếp quản lý tuyến) cho hay: “Tình trạng chặn xe xin tiền phổ biến trên các tuyến đường hơn chục năm trước. Nhưng trước đây, xe chạy không nhanh nên không nguy hiểm bằng đường cao tốc. Ngoài ra, do hai bên đường cao tốc không có dân cư, cơ quan chức năng khó bao quát nên lái xe buộc phải chi tiền”.

Trộm cắp các thiết bị trên tuyến cao tốc cũng là nguy cơ tai nạn lơ lửng trên cao tốc. Ngoài nạn mất cắp đinh ốc để gắn tôn lượn sóng trên Cao tốc Nội Bài - Lào Cai được phản ánh vừa qua, Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng đang gánh chịu những kiểu hành xử lạ lùng này, đặc biệt đoạn qua huyện Kiến Thụy và An Lão (Hải Phòng).

Không chỉ tháo dỡ lấy cột trụ đỡ tôn lượn sóng dải phân cách (những thứ có thể bán lấy tiền), các đạo chích ở đây còn trộm cả những thứ nhỏ nhặt nhưng lại ảnh hưởng lớn đến an toàn giao thông như tấm bịt cột trụ. Có trường hợp còn “thuổng” cả những tấm phản quang nhỏ bằng bàn tay, báo hiệu làn đường cho xe về đêm.

Một ứng xử kỳ quặc khác đối với cao tốc này là hiện tượng rải vàng mã. Vào cuối tuyến tại Hải Phòng, người đi đường thường thấy những lá vàng mã bay là là trên đường, gió thổi ập thẳng vào kính xe. Do điểm này gần đài hóa thân, số lượng vàng mã nhiều, đơn vị quản lý phải dựng thêm một tấm biển báo chưa từng xuất hiện trong quy chuẩn biển báo giao thông thế giới: “Không rải vàng mã trên đường cao tốc”.

Được biết, để phát hiện các “cao thủ” ném đá, lực lượng của công an, chủ đầu tư liên tục tiến hành mật phục nhưng khi bắt được quả tang, chủ yếu chỉ nhắc nhở, không thể xử phạt. Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Phạm Văn Phất cho hay, pháp luật đã quy định cụ thể để xử lý trường hợp ném đá này; nhưng với trẻ dưới 12 tuổi không áp dụng được. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, khi xảy ra hậu quả, bố mẹ, người giám hộ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Theo báo cáo của Cục Quản lý đường bộ cao tốc (đơn vị khởi thảo đề án), toàn quốc có 10 tuyến cao tốc đã được phê duyệt với chiều dài 604 km, trong đó 7 tuyến đang triển khai. Tình hình tai nạn giao thông trên cao tốc có dấu hiệu gia tăng, diễn biến phức tạp. Thống kê cho thấy, trong năm 2014 xảy ra 0,17 vụ/km, 0,08 người chết và bị thương/km.

Ước tính, vào năm 2020, hệ thống cao tốc sẽ xảy ra 340 vụ tai nạn, làm chết 160 người và bị thương 160 người. Các nguyên nhân dẫn đến tai nạn được cơ quan này đưa ra gồm: Lái xe ngủ gật, mất lái, vượt sai, chở quá tải, không giữ khoảng cách an toàn, không làm chủ tốc độ, chất lượng phương tiện không đảm bảo.

Theo Sỹ Lực

Cùng chuyên mục
XEM