Trung Quốc giảm phát, thế giới lo ngại

15/12/2014 15:09 PM |

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2012.

Thành phố Hàng hóa Trung Quốc” có diện tích 600.000 m2 ở Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang là một trong những chợ bán sỉ lớn nhất thế giới. Các thương lái từ Trung Đông, Nga và châu Phi đều đến chợ này để xem qua hằng hà vô số các sản phẩm từ dù, nút áo cho đến nam châm tủ lạnh. Nhiều sản phẩm trong số đó được làm ra tại những xưởng sản xuất nhỏ nằm rải rác ở vùng ven thành phố Nghĩa Ô.

Nhưng khi mùa nghỉ lễ đã gần kề, China Zhongsheng Crafts Co., công ty chuyên sản xuất cây thông Noel nhựa để xuất khẩu sang Mỹ, Anh, Úc và Nhật, lại đang phải chật vật xoay xở. Đối với một số sản phẩm, Công ty thậm chí buộc phải bán với giá thấp hơn cả giá thành sản xuất. “Doanh thu bán hàng thì vẫn ổn nhưng khách hàng muốn giá phải thấp hơn nữa. Tất cả đều nói là nền kinh tế không khả quan. Một số sản phẩm của chúng tôi không còn mang lại lợi nhuận, nhưng chúng tôi vẫn phải sản xuất để giữ khách”, Guo Wei, quản lý nhà máy tại China Zhongsheng Crafts, cho biết.

Cây thông Noel rẻ hơn có vẻ như là tin tốt lành cho người tiêu dùng các nước, đặc biệt ở phương Tây. Nhưng giá cả giảm tại Trung Quốc lại là mối đe dọa lớn cho nhiều nền kinh tế khác, khi chính bản thân họ cũng đang đối phó với sức cầu yếu và lạm phát thấp ở nước mình.

Thừa cung, sức cầu yếu, tăng trưởng chậm

Sau một thập niên tăng trưởng nhanh, nhiều nhà máy của Trung Quốc lại thấy mình gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa. Nhu cầu tại thị trường nội địa và nước ngoài đang giảm mạnh, khiến nhiều ngành đối mặt với tình trạng thừa cung kinh niên, đặc biệt là loại hàng hóa cơ bản như thép, xi măng. Đối với nhiều doanh nghiệp như China Zhongsheng Crafts, giải pháp duy nhất là tiếp tục giảm giá bán.

Kết quả này được phản ánh qua con số thống kê chính thức của Trung Quốc khi chỉ số giá sản xuất đã rơi vào tình trạng giảm phát gần 3 năm qua. Đáng lo ngại hơn là việc chỉ số giá tiêu dùng đã giảm xuống mức thấp gần 5 năm qua, đứng ở mức 1,6% vào tháng 10. “Bạn nghĩ rằng khu vực đồng euro đang có vấn đề? Chưa đâu, có một vấn đề còn lớn hơn rất nhiều ở Trung Quốc”, Albert Edwards, chiến lược gia tại Société Générale, nhận xét.

Những người lạc quan cho rằng Trung Quốc sẽ không rơi vào vòng xoáy giảm phát kinh niên vốn đã làm què quặt nền kinh tế Nhật trong suốt 2 thập niên và đang là nỗi đau đầu của các nhà làm chính sách ở châu Âu. Ít nhất tăng trưởng GDP của Trung Quốc vẫn trên mức 7%/năm, tức nước này vẫn là một động cơ quan trọng thúc đẩy sức cầu thế giới.

Nhưng thái độ lạc quan này khó có thể duy trì trong bối cảnh các mối lo ngại về giảm phát đang tăng lên. Một dấu hiệu là hồi tháng 11, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2012. “Đó là một dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy áp lực giảm phát đang lớn như thế nào trong thời gian gần đây”, François Perrin, đứng đầu bộ phận cổ phiếu Trung Quốc tại BNP Paribas Investment Partners, nhận xét.

Nhiều năm qua Trung Quốc đã đóng một vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, không những là một nhà cung cấp hàng hóa lớn mà còn là một nhà nhập khẩu lớn các nguyên vật liệu của thế giới. Do đó, sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc đã là một nhân tố chính góp phần vào đà giảm giá cả hàng hóa, đặc biệt là dầu mỏ. Thứ Tư tuần qua, giá dầu Brent đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 5 năm qua, còn chỉ 63,56 USD/thùng.

Chi phí năng lượng toàn cầu giảm là nguyên nhân khiến tình trạng lạm phát yếu ở khắp nơi trên thế giới càng trở nên tồi tệ hơn. Dẫu vậy, nhiều người xem giảm phát tại Trung Quốc chỉ là một triệu chứng của các vấn đề sâu rộng hơn mà nền kinh tế này đang đối mặt: thừa cung kinh niên, sức cầu yếu và tăng trưởng chậm lại. Tất cả đều là tác dụng phụ của một hệ thống mà nơi đó, các doanh nghiệp nhà nước được cưng chiều không muốn phải cắt giảm chi tiêu và các chính quyền địa phương được bơm các khoản tín dụng dễ dãi.

Trung Quốc có một lịch sử phát triển quá mức ở nhiều lĩnh vực từ tấm pin năng lượng mặt trời, đóng tàu cho đến thép và hóa chất mà ít chú trọng đến hiệu quả sử dụng vốn. Cuối tháng 11, các nhà nghiên cứu của Chính phủ nước này đã đưa ra một con số về chi tiêu hoang phí. Theo tính toán của họ, đã có 6.800 tỉ USD bị hoang phí vào “các khoản đầu tư không hiệu quả” - như các nhà máy thép không cần thiết, các thành phố ma, các sân vận động bị bỏ hoang - kể từ khi gói kích thích kinh tế năm 2009 được tung ra để bảo vệ Trung Quốc trước cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Sự phát triển quá mức đã dẫn đến nguồn cung dư thừa và hậu quả của nó là giá cả giảm, làm xói mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Khi bị hạn chế tiếp cận vốn vay ngân hàng, doanh nghiệp ở các ngành bị thừa cung, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, đã tìm đến kênh tín dụng phi chính thức, chấp nhận trả lãi cao. Vòng xoáy giá cả giảm càng khiến cho gánh nặng nợ này lớn hơn, làm gia tăng nguy cơ vỡ nợ. Hồi tháng 3, nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời Chaori Solar đã không trả được lãi trái phiếu phát hành cho nhà đầu tư. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc xảy ra tình trạng vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp. Các nhà đầu tư lo ngại sẽ còn nhiều doanh nghiệp tuyên bố phá sản, gây sức ép lên hệ thống ngân hàng nước này.

Điều đáng nói là tình trạng thừa cung không chỉ mang đến rủi ro cho nền kinh tế trong nước mà còn gây tác động tiêu cực lên nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới và là đối tác thương mại chính của hàng chục quốc gia. Do đó, khi các nhà sản xuất tại Trung Quốc giảm giá để tăng doanh số bán, việc này đã tác động lên chi phí ở khắp nơi trên thế giới, từ các nhà máy cho đến các cửa hàng kinh doanh.

Trước khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra, thừa cung tại Trung Quốc đã giúp thúc đẩy cơn sốt tiêu dùng ở phương Tây, nhưng giờ nó đe dọa làm tồi tệ hơn tình trạng lạm phát thấp tại các nền kinh tế khác, đặc biệt là tại châu Âu và Nhật. Eswar Prasad, Giáo sư Kinh tế thuộc Đại học Cornel, nhận xét: “Giảm phát và sức cầu yếu tại Trung Quốc có thể gây hiệu ứng lan tỏa rất bất lợi cho các nước khác, vốn đang vất vả chống đỡ với các vấn đề giảm phát và sức cầu yếu còn tồi tệ hơn ở chính nước mình”.

Giờ các chuyên gia kinh tế đang dõi theo động thái của Chính phủ Trung Quốc trong việc đối phó với rủi ro giảm phát này. Nếu giá cả tiếp tục giảm, một giải pháp là dùng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, các ngân hàng Trung Quốc ở Nhật và châu Âu đã rất thấm thía rằng kích thích lạm phát bằng chính sách tiền tệ sẽ không có tác dụng gì khi nền kinh tế đã trải qua nhiều năm trời tăng trưởng tín dụng quá nhanh. Nhiều chuyên gia tin rằng Trung Quốc sẽ cắt giảm thêm lãi suất và áp dụng biện pháp nới lỏng chỉ cho một số ngành, lĩnh vực. Điều này có thể kích sức mua tiêu dùng và làm giảm gánh nặng nợ cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một số chuyên gia đang đặt dấu hỏi về tác động của việc cắt giảm lãi suất lên nền kinh tế. Lãi suất đi vay rẻ hơn sẽ chủ yếu làm lợi cho các doanh nghiệp được sự hậu thuẫn của nhà nước, giúp các doanh nghiệp vẫn tồn tại dù hoạt động kém hiệu quả. Cắt giảm lãi suất cũng có thể phát đi một tín hiệu cho các thị trường rằng “chính phủ mới một lần nữa sử dụng nới lỏng tín dụng để kích thích tăng trưởng”, Lu Ting, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Bank of America Merrill Lynch, nhận xét.

Theo các nguồn tin thân cận dẫn từ Wall Street Journal, PBOC đang bơm gần 65 tỉ USD vào hệ thống ngân hàng nhằm tăng năng lực cho vay của các ngân hàng nước này, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. PBOC bơm qua một ngân hàng chính sách lớn là China Development Bank để ngân hàng này cho các ngân hàng khác vay dưới dạng các khoản vay ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng. Theo các nguồn tin này, PBOC không công khai chuyện bơm tiền, vốn đã bắt đầu vào thứ Tư tuần qua, vì lo ngại thị trường sẽ cho rằng Trung Quốc đang nới lỏng chính sách tiền tệ một cách rộng rãi.

>> Trung Quốc có thật sự là nền kinh tế số một thế giới?

Theo Đàm Hoa

Cùng chuyên mục
XEM