Trong khi người Việt không quan tâm, người Singapore đã biết tận dụng AEC để mua nhà Việt Nam

14/12/2015 15:56 PM |

Giá nhà ở TPHCM chỉ bằng 1/7 giá nhà Singapore. Cho nên, chỉ trong vòng 4 tháng kể từ khi luật nới điều kiện mua nhà đối với người nước ngoài, đã có 200 nhà đầu tư và doanh nghiệp Singapore mua nhà ở thành phố này.

Nội dung nổi bật:

- Với AEC, Việt Nam và các nước có thể trao đổi lao động. Việc trao đổi lao động trong các nước Asean được thừa nhận thì việc tự do cư trú trong các nước Asean được thừa nhận. Do đó, việc công dân nước này có nhà ở nước ngoài là chuyện bình thường

- Tuy nhiên, xu thế bất động sản năm 2016 sẽ là làn sóng M&A, khi doanh nghiệp nước ngoài đặt tại Việt Nam thâm nhập thị trường nhằm cung cấp căn hộ cho công dân nước họ


Thông tin trên được TS. Cấn Văn Lực – Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV – chia sẻ tại hội thảo “Dự báo xu hướng thị trường bất động sản Việt Nam 2016” tổ chức cuối tuần trước.

TS. Lực cho hay: Kể từ tháng 7/2015, sau khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực, chỉ tính riêng TPHCM, đã có khoảng 200 nhà đầu tư, doanh nghiệp Singapore mua nhà ở thành phố này. Việc người Singapore đổ xô mua nhà Việt Nam, theo ông Lực, có 2 lý do:

Một là, nhà ở TPHCM rẻ hơn nhà ở Singapore tới 7 lần. Giá nhà ở Singapore ở mức 1 triệu USD/căn hộ. Còn ở Việt Nam, 1 căn hộ có giá khoảng 150.000 USD (tương đương gần 3,4 tỷ đồng).

Hai là, Luật Nhà ở 2014 đã “cởi trói” cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam. Ngay sau khi luật này có hiệu lực vào 1/7 vừa qua, rất nhiều nhà đầu tư Singapore sang Việt Nam làm việc ngay lập tức mua nhà.

“Hàng tháng, tôi phải thuyết trình cho các sinh viên Mỹ, Singapore sang Việt Nam. Họ nói Singapore bắt đầu có một chương trình hoành tráng để hội nhập. Theo đó, các trường đại học phải cử sinh viên sang các nước AEC học hỏi trong 2 tuần. Hiện tượng này sẽ giúp lan tỏa sang phân khúc khách sạn và các phân khúc liên quan khác trong bất động sản”

- TS. Cấn Văn Lực.

Liên quan đến hiện tượng nhiều nhà đầu tư nước ngoài mua nhà Việt Nam, GS. Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường – cho rằng: Việc tham gia các hiệp định thương mại đa phương như TPP, hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, cộng đồng kinh tế Asean (AEC)… là điều kiện để chính sách của chúng ta cởi mở cho nhà đầu tư nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam.

“Với AEC, Việt Nam và các nước có thể trao đổi lao động. Việc trao đổi lao động trong các nước Asean được thừa nhận thì việc tự do cư trú trong các nước Asean là được thừa nhận. Do đó, việc công dân nước này có nhà ở nước ngoài là chuyện bình thường”, ông Võ nói.

“Người làm việc ở nước ngoài tất thu nhập cao hơn, điều kiện mua nhà tốt hơn. Ở đâu cầu tăng tất cung tăng, sẽ tạo điều kiện cho thị trường bất động sản Việt Nam hoạt động tốt hơn”.

Cẩn trọng bất động sản Việt Nam bị nước ngoài thâu tóm

Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản – Bộ Xây dựng – cho rằng: Con số nhà đầu tư nước ngoài mua nhà Việt Nam, xét trước mắt, chưa có tác động mạnh đến thi trường bất động sản.

“Người nước ngoài còn cần nghiên cứu thị trường. Cho nên, tác động mạnh ngay tới thị trường bất động sản trong năm 2016 là xu hướng M&A - mua bán doanh nghiệp và chuyển nhượng các dự án, thậm chí bán toàn bộ”, ông Hà cảnh báo.

“Công dân Nhật Bản sang Việt Nam sẽ tin tưởng các doanh nghiệp Nhật Bản hơn các doanh nghiệp nước khác. Như vậy, sẽ có xu hướng các doanh nghiệp nước ngoài đặt tại Việt Nam cung cấp các dịch vụ bất động sản mà công dân nước họ có nhu cầu ở Việt Nam”.

Doanh nghiệp của các quốc gia trên sẽ tham gia và thị trường Việt Nam trong giai đoạn trước mắt. Vì vậy, theo ông Hà, xu hướng mua lại dự án và mua lại các doanh nghiệp cổ phần hóa là xu hướng của năm tới.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lũy kế 11 tháng của năm 2015, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào ngành kinh doanh bất động sản đạt 2,33 tỷ USD. Con số này gần gấp đôi số vốn FDI đổ vào bất động sản cùng kỳ năm ngoái (ở mức 1,3 tỷ USD).

Dự kiến, con số này còn tăng lên trong các năm tới.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM