"Trận chiến" mới trên "mặt trận" TPP

06/10/2015 08:28 AM |

Đây vẫn chưa phải là cuộc chiến cuối cùng mà Obama phải đối mặt để có thể biến TPP thành hiện thực. Gần nhất sẽ là cuộc đấu tranh chính trị đầy cam go sẽ diễn ra vào năm 2016 để nhận được cái gật đầu từ Quốc hội Mỹ.

Khi tin tức được phát đi cho thấy các bộ trưởng của 12 nước tham gia đàm phán đã đi đến nhất trí về mọi điều khoản của Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau 5 năm đàm phán, Tổng thống Mỹ Barack Obama biết ông đã giành được chiến thắng lớn lao đối với yếu tố then chốt trong chính sách kinh tế mà ông đã theo đuổi suốt từ khi trở thành Tổng thống..

Đại diện thương mại Mỹ Mike Froman gọi đây là một “cột mốc lớn”. Còn Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari cho rằng TPP sẽ đem đến những lợi ích khổng lồ về mặt kinh tế và chiến lược cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ông còn nhận định khu vực này sẽ lớn mạnh để trở thành một cộng đồng thương mại.

TPP sẽ là tiêu chuẩn toàn cầu cho thế kỷ 21. Sẽ có nhiều nước tham gia TPP hơn nữa trong thời gian tới”, ông nói.

Ông Obama đã rất nỗ lực để đưa TPP về đích. Dẫu vậy, đây vẫn chưa phải là cuộc chiến cuối cùng mà ông phải đối mặt để có thể biến hiệp định này thành hiện thực. Gần nhất sẽ là cuộc đấu tranh chính trị đầy cam go sẽ diễn ra vào năm 2016 để nhận được cái gật đầu từ Quốc hội Mỹ. Hồi tháng 7, ông đã dựa vào một số lá phiếu ủng hộ từ đảng Cộng hòa để giành quyền đàm phán nhanh. Giờ đây chính những đồng minh này lại đang cảm thấy không hài lòng vì những nhượng bộ mà Mỹ đã đưa ra để có thể đạt được thỏa thuận.

Ông Obama còn vấp phải các chiến dịch chạy đua vào ghế Tổng thống Mỹ. Ứng cử viên tiềm năng nhất của đảng Cộng hòa là Donald Trump luôn khẳng định “TPP là một thỏa thuận tồi tệ, là một đòn tấn công vào các doanh nghiệp Mỹ”.

Quốc hội Mỹ sẽ dành ra 90 ngày để quyết định có thông qua TPP hay không, có nghĩa là ông Obama không thể ký vào Hiệp định này trước tháng 1 hoặc thậm chí là lâu hơn nữa. Cùng với các thủ tục khác, có thể đến giữa năm 2016 TPP mới được chính thức thông qua ở Quốc hội Mỹ.

Không chỉ riêng nước Mỹ bước vào kỳ bầu cử. Ngày 19/10, Thủ tướng Canada Stephen Harper đối mặt với cuộc bầu cử mà ở đó phe đối lập sẵn sàng bác bỏ bất cứ điều gì mà ông đã đàm phán. Ở Nhật Bản, mức tín nhiệm của Thủ tướng Shinzo Abe cũng đang sụt giảm.

Đồng thời, sau khi đại diện các nước đàm phán đã đặt bắt ký, văn kiện thỏa thuận chắc chắn sẽ vấp phải những tiếng nói phản đối chỉ trích từ các nhóm bảo vệ người tiêu dùng, các tổ chức công đoàn, nhóm hoạt động vì môi trường …do lo ngại về những ảnh hưởng của TPP.

Theo Thanh Thanh

Cùng chuyên mục
XEM