Đàm phán về TPP tại Mỹ: Hai “nút thắt” vẫn chưa được gỡ

04/10/2015 20:47 PM |

Do còn nút thắt chưa được gỡ, Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia Hiệp định TPP sẽ kéo dài thêm 1 ngày, đến ngày 4/10 theo giờ Mỹ, tức ngày 5/10 theo giờ Việt Nam.

Đây được coi là một nỗ lực của 12 nước, thể hiện quyết tâm hoàn tất tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới trong năm nay sau nhiều lần lỡ hẹn.

Theo thông báo mới nhất của Ban Tổ chức, sau khi vượt qua những khác biệt trong vấn đề linh kiện ô tô, các đoàn vẫn bế tắc xoay quanh hai nút thắt là vấn đề sản phẩm bơ sữa và đặc biệt là vấn đề thời gian bảo hộ độc quyền các mặt hàng sinh dược.

Đến 21h ngày 3/10 (theo giờ Mỹ), vấn đề thời gian bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm sinh dược đang trở thành điểm khó vượt qua nhất, ngăn cản các nước tiến tới thỏa thuận cuối cùng.

Các nguồn tin tại chỗ cho biết đàm phán hiện vẫn đang bế tắc và có chiều hướng xấu đi. Phái đoàn Nhật Bản đã ấn định trưa 4/10 là thời hạn chót, dù đạt được hay không thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương thì đoàn Nhật Bản cũng rời Atlanta. Trong khi đó, Mỹ vẫn cương quyết không nhượng bộ trong vấn đề sinh dược.

Dự kiến, trưa 4/10, các đoàn sẽ tổ chức họp báo chung. Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Akira Amari cho hay phái đoàn nước này đã đồng ý với đề nghị của phái đoàn Mỹ tiếp tục đàm phán thêm 24 giờ nữa. Tuy nhiên, ông Amari cũng nhấn mạnh phía Mỹ phải nỗ lực tháo gỡ bất đồng cho vấn đề về thời gian bảo hộ sản phẩm sinh dược.

Ông Amari nói: “Tôi đã trao đổi với đại diện thương mại Mỹ Michael Froman rằng có 2 điều kiện cần phải hoàn tất. Thứ nhất để kết thúc đàm phán, phía Mỹ phải giải quyết vấn đề thời gian bảo hộ sản phẩm sinh dược và việc tiếp cận thị trường. Thứ hai, chúng tôi không thể tiếp tục kéo dài thời gian đàm phán vì lịch trình chính trị”.

Theo các chuyên gia quan sát, thời gian bảo hộ các sản phẩm sinh dược quá dài đã khiến các nước tham gia đàm phán Đối tác xuyên Thái Bình Dương khó có thể tìm được tiếng nói chung. Một số nước đưa ra thời hạn bảo hộ là 5 năm, trong khi đề xuất của Mỹ là 12 năm.

Quy định này vấp phải bất đồng từ một số nước tham gia hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương vì cho rằng thời gian bảo hộ mà Mỹ đưa ra sẽ chỉ giúp các hãng dược phẩm Mỹ tiếp tục độc quyền các sản phẩm sinh dược đắt tiền, cản trở các quốc gia khác có thể sản xuất ra những sản phẩm tương tự nhưng có giá thành thấp hơn.

Phía Mỹ cũng đã để ngỏ thiện chí giảm thời gian bảo hộ xuống ít nhất còn 8 năm, song nhiều nước như New Zealand, Chile và Peru không chấp thuận.

Theo Hồng Nhung

Cùng chuyên mục
XEM