Thực phẩm chức năng: Muôn hình vạn trạng
Việt Nam đang có khoảng 10.000 sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) đang lưu thông và hàng ngàn doanh nghiệp (DN) tham gia sản xuất, kinh doanh
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, năm 2012 Việt Nam chỉ có 30 loại sản phẩm TPCN nhập khẩu, thì đến nay đã tăng lên 10.000 sản phẩm, chiếm 40% thị phần. Việc phát triển quá nóng của ngành này đã dẫn đến tình trạng thị trường này bị loạn về giá cả và chất lượng.
Một số DN kinh doanh sản xuất những sản phẩm có chất lượng, song cũng có không ít sản phẩm đánh vào tâm lý người bệnh để quảng cáo không đúng thực tế, bán hàng với giá cao gây thiệt hại về kinh tế và sức khỏe người tiêu dùng.
Mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 100 thùng TPCN nhãn ghi xuất xứ từ Mỹ nhưng lại sản xuất ở Hải Dương, hoặc trên 3.780 lọ TPCN dạng viên nang xuất xứ Trung Quốc nhưng khi nhập về Việt Nam lại dán nhãn sản xuất từ Mỹ.
Không chỉ được bán tự do tại nhà thuốc, thông qua các công ty bán hàng đa cấp, các sản phẩm TPCN còn được rao bán trên mạng. Ngay trong nước, các công ty dược, DN sản xuất cũng rất nhanh nhạy, chỉ cần một loại TPCN bán chạy là ngay sau đó, các DN đua nhau nhập khẩu, sản xuất để tung ra hàng loạt sản phẩm na ná nhau.
Sau thành công của Alipas, Angela, hàng loạt sản phẩm như Rocket 1h, Genshu, M-Phé, Thiên mã nhục thung dung, Khang Hy dược, sâm nhung bổ thận, Happy Women, Hoa Thiên đồng, Tố nữ Nhất nhất... cũng ào ào tung ra thị trường. Điều đáng nói là các quảng cáo TPCN đang gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, thậm chí quảng cáo như thần dược. Điều đáng nói là giá các TPCN hiện nay đang quá cao so với giá trị của sản phẩm.
Giải thích về mức giá quá đắt này, PGS - TS. Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN, cho biết: "Nguyên nhân do công nghệ sản xuất với nhiều trang thiết bị hiện đại, thêm vào đó, việc phải chịu mức thuế cao từ 25 - 30% (chiếm tới 1/3 giá trị sản phẩm) và cũng do lợi nhuận của nhà bán hàng quá cao. Chẳng hạn, một loại TPCN bán tại Budapest (Hungary) có giá trị tương đương 300.000 đồng, song khi về Việt Nam, qua các khâu thuế và nhà phân phối đã đội giá lên 2 triệu đồng".
Theo Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, một trong những khó khăn trong việc quản lý là tình trạng quảng cáo TPCN đang bùng nổ, khó kiểm soát qua nhiều phương thức: trên mạng, website, tờ rơi, Facebook...
Bên cạnh đó, tình trạng quảng cáo thổi phồng tác dụng của TPCN, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng trên các phương tiện truyền thông đại chúng gây hiểu lầm, nhầm lẫn cho người tiêu dùng còn phổ biến, trong khi đó, việc phối hợp giữa cơ quan quản lý và cơ quan đơn vị truyền thông chưa chặt chẽ, chưa có cơ quan thẩm quyền xét duyệt nội dung và cấp đăng ký quảng cáo.
Một khó khăn khác là không quản lý nổi các hoạt động quảng cáo thông qua hình thức hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn nội bộ, thông tin chia sẻ khách hàng...
Tại TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng đã kiểm tra 42/177 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng trên địa bàn. Trong đó có 18 cơ sở vi phạm bị xử phạt với số tiền gần 140 triệu đồng, buộc đình chỉ 3 cơ sở và 3 cơ sở bị đình chỉ lưu thông sản phẩm.
PGS - TS. Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết: "Hiện, Việt Nam đang cấm bác sĩ kê đơn TPCN cho bệnh nhân. Vì vậy, TPCN lâu nay được sử dụng hầu hết qua kênh truyền miệng, quảng cáo, thậm chí cả kênh tư vấn của những người không có chuyên môn trong y tế. Vậy, để bảo vệ người tiêu dùng có nên cho phép bác sĩ kê đơn TPCN không?".
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trước mắt, Bộ sẽ ban hành Thông tư về TPCN, nêu rõ quy định có nên kê TPCN trong đơn thuốc hay không; quảng cáo như thế nào; quy trình hướng dẫn sử dụng TPCN...
Bộ cũng sẽ có quy định cởi mở hơn về việc bác sỹ được hướng dẫn sử dụng TPCN. Về lâu dài, Bộ sẽ ban hành quy định về thực phẩm chức năng dựa trên Nghị định của ASEAN trong vấn đề này.