Thực phẩm chức năng cần được quản lý chặt chẽ

28/10/2012 17:43 PM | Kinh doanh

Thực phẩm chức năng là giao thoa giữa thực phẩm và thuốc, giống thực phẩm về bản chất nhưng khác về hình thức, giống thuốc về hình thức nhưng khác về bản chất.

Thực phẩm chức năng xuất hiện ở Việt Nam trong khoảng 10 năm nay và phát triển rất nhanh từ 5- 6 năm gần đây. Hiện nay, Việt Nam đã có tới 10.000 sản phẩm chức năng các loại và hiện có gần 1.800 doanh nghiệp kinh doanh loại sản phẩm này.

Sự phát triển nhanh chóng đó đã trở thành những nguyên nhân chính gây nên nhiều bất cập mà theo thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long là “một giai đoạn mà quản lý, nhận thức của cộng đồng, của đội ngũ y tế vẫn chưa theo kịp”. Và cũng theo ông Long: “đây là vấn đề bất cập cần giải quyết để thực phẩm chức năng, với vai trò là không thể phủ nhân đối với sức khỏe được phát triển theo đúng quỹ đạo”.

Vấn đề quản lý còn nhiều bất cập

Theo ý kiến của các chuyên gia, thực phẩm chức năng là loại sản phẩm hữu ích, sử dụng đúng cách sẽ có tác dụng phòng và giảm nguy cơ mắc một số bệnh nhất là các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tiểu đường... Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia tại Hội thảo vừa được tổ chức hôm 27/10 về vai trò của thực phẩm chức năng, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề này đang nổi lên nhiều bất cập.

Bên cạnh vấn đề giá cả bị đẩy lên quá cao khi tới tay người tiêu dùng, tình trạng người dân không được cung cấp đầy đủ thông tin về TPCN hay tình trạng một số doanh nghiệp quảng cáo quá mức về thực phẩm chức năng cũng làm cho việc sử dụng TPCN không đạt được hiệu quả tối ưu. Trong nhiều trường hợp còn gây thiệt hại cho người tiêu dùng, lãng phí tiền của.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và BVNTDVN cho rằng, thị trường thực phẩm chức năng đang trở nên phức tạp bởi hàng giả, không nhãn mác hoặc thông tin không đầy đủ chính xác. Bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn chính đáng, cung cấp sản phẩm tốt, đã xuất hiện những tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh sản phẩm không đảm bảo chất lượng, lợi dụng người tiêu dùng cả tin, hiếu hiểu biết về thực phẩm chức năng, đặc biệt là cả người bệnh để thu lợi.

Cũng theo ông Hùng, theo quy định của Luật thực phẩm, việc ghi nhãn đối với thực phẩm chức năng không được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào về tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng thực phẩm chức năng được quảng cáo như thần dược.

Nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo chữa được hàng chục bệnh, khi bị cơ quan chức năng phát hiện, đơn vị kinh doanh đã chuyển địa điểm đi thành phố khác và mang tên pháp nhân khác, nhưng chỉ là “bình mới, rượu cũ”.

Thừa nhận những tồn tại bất cập này, Thứ trưởng Bộ Y tế, TS. Nguyễn Thanh Long nói, đúng là chưa bao giờ nhãn mác của TPCN lại đa dạng như hiện nay. Ngoài ra thì vấn đề quảng cáo quá mức, quảng cáo quá công dụng cũng là vấn đề đang nổi lên. Ông Long cho biết, trong số các vụ xử lý vi phạm có đến 53% là vi phạm trong quảng cáo.

TS. Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATVSTP cho biết, về quảng cáo đối với sản phẩm nhập khẩu nói chung trong đó thực phẩm chức năng thì nội dung do cục ATVSTP duyệt . Trên cơ sở nội dung đó, các doanh nghiệp sẽ tiến hành quảng cáo ở các phương tiện thông tin đại chúng như báo đài, tạp chí ...cả tờ rơi. Tuy nhiên, vẫn còn có những nội dung quảng cáo về TPCN không đúng với bản chất sản phẩm. Riêng đối với vấn đề tình trạng giá thực phẩm chức năng quá cao như hiện nay, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, thực phẩm chức năng không được gọi là thuốc nên việc này cũng nằm ngoài thẩm quyền xử lý của Bộ.

Thực phẩm chức năng sẽ phải ghi nhãn

Về giải quyết những bất cập để quản lý thực phẩm chức năng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói, quan điểm của Bộ Y tế là giữ ổn định và đồng thời phát triển thực phẩm chức năng nhưng thực phẩm chức năng phải phát triển trong quỹ đạo của mình.

Luật ATVSTP có hiệu lực từ năm 2010, cùng với Nghị định 38/2012/NĐ – CP ra đời quy định chi tiết Luật An toàn thực phẩm mới ban hành, hiện còn rất nhiều Nghị định tiếp theo và nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong đó có việc quản lý như thế nào với TPCN.

Theo ông Long, Bộ Y tế hiện nay đang đôn đốc việc ban hành Thông tư về ghi nhãn đối với thực phẩm chức năng. Thông tư này sẽ tác động tới toàn bộ doanh nghiệp nhưng công tác quản lý cũng phải tiệm cận tới các nước ASEAN, các nước phát triển để nó đảm bảo quản lý hài hòa và sẽ chặt chẽ hơn.

Về việc công bố về công dụng của các loại thực phẩm chức năng, Bộ Y tế cũng sẽ nghiên cứu bàn thảo rất kỹ về việc phải tiến hành thử nghiệm lâm sàng và cơ quan nào là người công bố công dụng của các sản phẩm. Bộ Y tế cũng sẽ quan tâm tới vấn đề về hậu kiểm đối với các công bố và xử lý nghiêm các sai phạm.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, đây là những vấn đề mà bộ Y tế  đang đặt ra và sẽ cùng bàn thảo với các cơ quan quản lý, các Hiệp hội và các nhà khoa học để khi ban hành Thông tư hướng dẫn sẽ có sự quản lý đúng đối với TPCN. Đồng thời, theo ông Long, các nhà sản xuất, các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng cũng phải nhìn nhận trách nhiệm của mình, đối với cộng đồng, đối với việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Còn với người dân khi sử dụng sản phẩm này, các chuyên gia và nhà quản lý khuyến cáo “đừng tin một cách mù quáng, nhưng cũng đừng quay lưng lại với thực phẩm chức năng”.

Theo Việt Hà
Chinhphu.vn

duchai

Cùng chuyên mục
XEM