Bạn biết gì về thực phẩm chức năng?

17/11/2012 11:03 AM | Sống

Khái niệm thực phẩm chức năng (Functional foods) chỉ những thực phẩm chế biến có chứa những thành phần tuy không có giá trị dinh dưỡng nhưng giúp nâng cao sức khoẻ cho người sử dụng.

Khái niệm

Theo Viện Khoa học và Đời sống Quốc tế (International Life Science Institute - ILSI) thì "Thực phẩm chức năng (TPCN) là thực phẩm có lợi cho một hay nhiều hoạt động của cơ thể, như cải thiện tình trạng sức khỏe và làm giảm nguy cơ mắc bệnh hơn là giá trị dinh dưỡng mà nó mang lại".

TPCN có thể là sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên hoặc là thực phẩm trong quá trình chế biến được bổ sung thêm các chất "chức năng".
TPCN nằm ở nơi giao thoa giữa thực phẩm và thuốc, nên người ta gọi TPCN là thực phẩm - thuốc.

Tuỳ theo công thức, hàm lượng vi chất, TPCN còn có các tên gọi là thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, sản phẩm dinh dưỡng y học.

Ở mỗi nước, TPCN được gọi bằng những thuật ngữ khác nhau: Các nước Tây Âu gọi là "thực phẩm - thuốc" (Alicaments), hoặc dược phẩm dinh dưỡng (Nutraceutics), thực phẩm bổ sung dinh dưỡng (food suplement); Trung Quốc gọi là "thực phẩm bổ dưỡng bảo vệ sức khỏe"; Việt Nam gọi là "thực phẩm đặc biệt".

Theo qui định của Bộ Y tế Việt Nam, TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh nhưng không thay thế được thuốc chữa bệnh.

Hiện nay các nước phát triển có xu hướng ưa chuộng dùng các TPCN hơn dùng thuốc. Chính vì vậy, nhiều tập đoàn sản xuất thuốc chuyển sang sản xuất TPCN vì được tiêu thụ nhiều hơn. Theo dự báo của nhiều chuyên gia thì "thức ăn của con người trong thế kỷ XXI là TPCN".

Thức ăn không chỉ đảm bảo đủ calo, ngon, sạch, mà còn phải được bổ sung các hoạt chất sinh học nguồn gốc tự nhiên cần cho sức khỏe và sắc đẹp, không chỉ có tác dụng phòng một số bệnh, mà còn tạo ra cho con người khả năng miễn dịch, chống sự già hóa và điều khiển được chức năng của từng hệ cơ quan trong cơ thể.

Phân biệt
 
Thực phẩm chức năng (Functional Food) khác thực phẩm (Food)

TPCN được sản xuất, chế biến theo công thức bổ sung một số thành phần có lợi hoặc loại bớt một số thành phần bất lợi (để kiêng). Việc này phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

TPCN có tác dụng với sức khỏe (một số chức năng sinh lý của cơ thể) nhiều hơn là các chất dinh dưỡng thông thường.

TPCN có liều sử dụng thường nhỏ, thậm chí tính bằng miligram, gram như là thuốc.

Thực phẩm chức năng (Functional Food) khác thuốc (Drug)

TPCN có thể sử dụng thường xuyên, lâu dài nhằm nuôi dưỡng, bổ dưỡng hoặc phòng ngừa các nguy cơ gây bệnh mà vẫn an toàn, không có độc hại, không có phản ứng phụ; người tiêu dùng có thể tự sử dụng theo "hướng dẫn cách sử dụng" của nhà sản xuất mà không cần khám bệnh, hoặc thầy thuốc phải kê đơn...

Trong khi thuốc có tác dụng chữa bệnh, phòng bệnh với công dụng, chỉ định, liều dùng, chống chỉ định.

Các loại thực phẩm chức năng

Thực phẩm thiên nhiên chưa qua chế biến

• Đậu nành

• Cà chua

• Tỏi

• Bông cải và các loại rau họ cải

• Cam, quýt, chanh, bưởi

• Trà

• Rau lá xanh giàu Lutein

• Cá

• Sữa.

Thực phẩm chế  biến

• Nhóm bổ sung vitamin và khoáng chất

• Nhóm bổ sung chất xơ

• Thực phẩm giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường tiêu hóa

• Bổ sung các chất dinh dưỡng đặc biệt khác

• Thực phẩm loại bỏ bớt một số thành phần

• Các thực phẩm cho nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt.

Lưu ý khi sử dụng thực phẩm chức năng

Đối với những thực phẩm ở dạng tự nhiên, cần lưu ý chọn những sản phẩm tươi, mới và đảm bảo vệ sinh an toàn. Để đạt được những lợi ích về sức khỏe, cần sử dụng thường xuyên với số lượng khuyến nghị.

Những sản phẩm đã qua chế biến, đòi hỏi người tiêu dùng phải có kỹ năng đọc nhãn bao bì. TPCN thường được đóng gói giống như thực phẩm thông thường.

Thực phẩm chức năng cũng có thể gây dị ứng

TPCN là những chế phẩm bắt nguồn từ thực phẩm đã được thay đổi thành phần qua chế biến, nhằm đưa đến tác dụng sinh lý nào đó có lợi cho sức khoẻ, ngoài cung cấp chất dinh dưỡng cơ bản. 
Tuỳ vào mục đích đăng ký sản phẩm là thuốc hay TPCN mà các chế phẩm bào chế từ cùng một loại dược liệu sẽ được gọi với tên tương ứng. Trong nhiều trường hợp TPCN là trung gian giữa thực phẩm và thuốc.
Bản thân các dược thảo, chế phẩm bắt nguồn từ thực phẩm hiện diện trong TPCN không gây dị ứng, nhưng các tá dược hay chất bảo quản thì đều có nguy cơ đó, thậm chí gây dị ứng rất nặng (bất cứ TPCN nào cũng đều chứa tá dược và chất bảo quản). Do đó, giống như thuốc, TPCN cũng gây dị ứng và trong trường hợp này có thể gọi là "dị ứng thuốc".
Ngoài các thông tin của một thực phẩm thông thường, TPCN bắt buộc phải ghi rõ tên nhóm sản phẩm như thực phẩm bổ sung vi chất hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm ăn kiêng...

Trên bao bì thường có hai loại thông tin: Xác nhận có lợi cho sức khỏe (health claim). Ví dụ như sản phẩm dành cho người bị tiểu đường hoặc sản phẩm dùng để nuôi qua ống thông dạ dày. Xác nhận về cấu trúc chức năng (structure/function claims).

Những thực phẩm này dùng để chuyển tải những lợi ích tiềm tàng (chứ chưa chắc chắn) đối với sức khỏe con người.

Ví dụ thực phẩm bổ sung Oligofructose có tác dụng hỗ trợ đường tiêu hóa, sản phẩm có chứa Chondroitin, Glucosamin, Canxi gluconate có tác dụng tăng dịch khớp, phòng ngừa, hỗ trợ điều trị các nguy cơ thoái hóa hệ thống xương khớp, loãng xương.

Hoặc các sản phẩm có chứa nhiều loại acid amin và các nguyên tố vi lượng: kẽm, iode, sắt... được gọi là nguyên sinh chất men bia tươi giúp trẻ tăng chiều cao.

Để chọn đúng những thực phẩm cần thiết, người tiêu dùng nên đọc kỹ cả phần sử dụng, liều dùng, công dụng, các lưu ý đặc biệt xem có phù hợp với mục đích sử dụng. Đừng quên xem tên, địa chỉ của nhà sản xuất để tránh hàng giả, hàng nhái.


Theo BS. Bạch Long
DNSG

duchai

Cùng chuyên mục
XEM