Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: Sẽ có cách quản xe Uber
“Bộ GTVT đang làm việc với Uber để đảm bảo loại hình này hoạt động phù hợp với pháp luật Việt Nam” - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định.
Vậy Bộ GTVT sẽ bổ sung loại hình kinh doanh vận tải hành khách (bên cạnh năm loại kinh doanh xe buýt, xe đò, taxi, xe lữ hành và xe hợp đồng) cho phù hợp với xe Uber?
Thứ trưởng Bộ GTVT
Nguyễn Hồng Trường.
Việc kết nối hành khách-tài xế thông qua ứng dụng Uber là một hình thức gọi xe mới nhưng bản chất xe Uber không phải là một loại hình kinh doanh vận tải mới. Đó chỉ là sự chuyển đổi về phương thức thông tin (từ điện thoại thường-tổng đài chuyển qua điện thoại thông minh) chứ cách thức hoạt động, chở khách vẫn tương tự taxi. Bộ GTVT đang tính toán, định hướng loại hình xe Uber cho phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Nhưng Uber tự nhận là kinh doanh vận tải theo hợp đồng và quy định hiện hành đang bỏ lọt nhóm xe dưới 10 chỗ, trong khi xe Uber chủ yếu là loại xe này, thưa ông?
Hiện Bộ GTVT chưa có kết luận gì về xe Uber vì đây là loại hình mới, cần tìm hiểu đầy đủ. Nhưng một khi các doanh nghiệp (liên kết với Uber) đã điều xe chở khách thì phải đăng ký và phải tuân thủ các quy định về hoạt động vận tải ở Việt Nam.
Xe Uber đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, có nước cấm song cũng có nước cho hoạt động. Yêu cầu đặt ra ở đây là cần tổ chức quản lý như thế nào cho phù hợp. Tôi tin chắc rằng trong thời gian tới sẽ có cách quản lý Uber tốt, kể cả về mô hình, quản lý đầu vào, đầu ra và thu thuế. Bộ GTVT đang yêu cầu các doanh nghiệp có xe Uber khai báo, đăng ký nhằm tạo thuận lợi cho hành khách, đảm bảo họ được đi lại an toàn cũng như đóng thuế đầy đủ.
Vậy đề nghị của Hiệp hội Taxi TP.HCM (cần cân nhắc thời điểm cho xe Uber hoạt động - PV) sẽ được Bộ GTVT giải quyết sao?
Bộ GTVT đang nghiên cứu đề xuất của Hiệp hội Taxi TP.HCM để có hướng giải quyết thích hợp. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng Nhà nước luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động hợp pháp, mang lại tiện ích cho người dân.
Còn yêu cầu đảm bảo an toàn cho hành khách, cho người đi đường từ hoạt động xe Uber được đặt ra như thế nào, thưa ông?
Tất cả tài xế xe taxi đều phải được tập huấn, cấp chứng chỉ. Các xe taxi phải có phù hiệu, biển hiệu, phải công khai số điện thoại tổng đài, màu sơn… để có vấn đề gì thì người dân dễ dàng tiếp cận, phản ánh. Do xe Uber hiện chưa có những yêu cầu này nên Bộ GTVT sẽ nghiên cứu đưa ra những yêu cầu phù hợp.
Xin cám ơn ông.
Xe Uber hợp đồng phải có phù hiệu
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ phó Vụ Vận tải (Bộ GTVT), Bộ GTVT vừa bổ sung nhiều quy định theo hướng siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải hành khách. Riêng với ô tô kinh doanh vận tải theo hợp đồng (Uber tự nhận đang kinh doanh theo loại hình này - NV), từ 1-7-2015 các ô tô 10 chỗ trở lên trước khi thực hiện hợp đồng phải thông báo tới Sở GTVT (nơi cấp phép kinh doanh) về hành trình, thời gian thực hiện hợp đồng, số khách bằng văn bản hoặc email.
Riêng với các xe Uber (đa phần là xe dưới chín chỗ), bà Hiền cho biết nếu kinh doanh theo hợp đồng thì phải đăng ký danh sách với Sở GTVT để được cấp phù hiệu. Ngoài ra, khi chở khách phải có hợp đồng vận chuyển được ký giữa doanh nghiệp vận tải với hành khách và mỗi chuyến xe chỉ được ký một hợp đồng.
>> Taxi 'hỗn chiến': Uber vs GrabTaxi vs Vinasun vs Mai Linh vs EasyTaxi (P1)
Theo Minh Phong