Thị trường chăn - ga - gối: Cạnh tranh khốc liệt
Cùng với việc mở cửa thị trường, ngành chăn - ga - gối (CGG) Việt Nam đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt với các nhãn hiệu đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan...
Theo số liệu của Everon dẫn phân tích của Công ty Chứng khoán Mê Kông, mảng CGG được chia thành ba phân khúc: hàng cao cấp chiếm khoảng 5%, hàng trung cấp 60%, hàng cấp thấp khoảng 35%.
Theo đánh giá chung, mức tăng trưởng của ngành này từ năm 2010 - 2015 luôn đạt ngưỡng bình quân xấp xỉ 20%/năm (tăng từ 40 triệu USD năm 2006 lên 60 triệu USD trong năm 2009).
Tỷ lệ tăng trưởng này tuy chưa được xếp vào hạng "nóng" nhưng cũng cho thấy sự phát triển mạnh của ngành và được minh chứng qua việc nhiều doanh nghiệp (DN) CGG trong nước, lẫn DN FDI liên tục mở rộng thị trường, đầu tư sản xuất.
Chẳng hạn, Công ty CP TM Hoàng Hải, đang sở hữu hai thương hiệu Forever và nệm Enternity, sau gần 20 năm hoạt động, cuối năm 2015, đã "Nam tiến" khi cùng lúc khai trương 3 cửa hàng trưng bày tại các trung tâm thương mại lớn gồm: Vincom Việt Trì (Phú Thọ), Vincom Mega Mall Thảo Điển (TP.HCM) và Vincom Long Xuyên (An Giang).
Quyết định này góp phần nâng tổng số cửa hàng trưng bày của Hoàng Hải lên 50 cửa hàng trên toàn quốc với hơn 500 mặt hàng "made in Vietnam".
Theo bà Nguyễn Minh Hà - Phó tổng giám đốc Công ty CP TM Hoàng Hải, từ năm 2014 - 2015 mới được xem là đỉnh cao phát triển khi công ty bắt đầu mạnh dạn bước vào thị trường miền Nam và Tây Nguyên và đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm ra thị trường cả nước.
Ngoài ra, các DN trong lĩnh vực nệm - mouse cũng bắt đầu phát triển mặt hàng CGG như KYMDAN, Nệm Mousse Liên Á, Smartbedding (Thái Lan), Everon (Hàn Quốc)... Bên cạnh đó, những tên tuổi có thâm niên trong ngành như Thắng Lợi, Việt Thắng, Vạn Thiên Sa... cũng đang tích cực tham gia thị trường này.
Khi các hiệp định thương mại kinh tế đa phương và song phương bắt đầu được thực thi, thị trường CGG Việt Nam cũng xuất hiện ngày càng nhiều thương hiệu ngoại.
Tuy nhiên, ở góc độ đầu tư, các DN cho rằng, để thị trường phát triển tốt hơn cần một "Luật chơi đẹp". Theo bà Đoàn Thị Hữu Nghị - Tổng giám đốc Tập đoàn Hiệp Hưng, đơn vị đang sở hữu thương hiệu Bellizeno, với kim ngạch xuất khẩu hàng chục triệu USD/năm, việc mở cửa thị trường là xu hướng rất tốt, nhưng đồng thời cũng tạo ra những khó khăn không tự kiểm soát được cho DN trong nước.
"Khó khăn lớn nhất là vấn đề nhãn hiệu. Bởi vì, các thương hiệu CGG ngoại vào Việt Nam không bị kiểm soát chất lượng chặt chẽ. Qua khảo sát một số cửa hàng tại Vincom Mega Mall Times City (Hà Nội), một số nhãn hiệu đến từ Đài Loan, Thái Lan ghi 100% cotton, nhưng tôi khẳng định không đúng sự thật", bà Hữu Nghị nói.
Theo đó, bà Hữu Nghị đặt vấn đề: "Tại sao các cơ quan quản lý kiểm soát rất chặt chẽ nhãn mác, chất liệu, nguyên liệu... của DN trong nước, trong khi sản phẩm ngoại nhập chưa đạt đúng chuẩn chất lượng ghi trên nhãn mác vẫn được bán ra thị trường?".
Ở một góc nhìn khác, theo ông Ngô Đức Hòa - Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Quốc tế Thắng Lợi, sự phát triển mạnh của hàng ngoại là điều đáng lo ngại nhưng không đồng nghĩa với việc thị trường CGG đã hết cơ hội. Vì vậy, các DN nên định vị rõ từng phân khúc khách hàng.
Bởi thực tế thị trường tiềm năng vẫn còn rất lớn ở phân khúc tầm trung lẫn tầm cao cấp. Do đó, chỉ cần có sự cạnh tranh công bằng, thông qua sự kiểm soát chất lượng chặt chẽ thì các thương hiệu làm ăn chân chính trong ngành CGG Việt Nam hoàn toàn yên tâm để phát triển.