Thị trường bán lẻ sôi động trở lại

21/07/2015 19:07 PM |

Theo CBRE, sau thời gian dài yên ắng, thị trường bán lẻ tại Hà Nội và TP HCM đã có sự phục hồi rõ nét hơn với nhiều sự kiện sôi động trong Quý 2/2015.

Tại Hà Nội, với việc khai trương Đại siêu thị Big C, trung tâm thương mại Hồ Gươm Plaza tại Hà Đông khiến tổng nguồn cung tăng 23,800 m2. Ngoài Big C, diện tích của dự án này cho các khách thuê chủ chốt lớn thuê như điện tử Trần Anh, rạp chiếu phim CGV và tiNiWorld.

Thị trường gần đây đón nhận những tín hiệu tốt về công suất cho thuê. Tỷ lệ trống của toàn thị trường giảm 1,5 điểm % so với quý trước, đạt 17,1%. Tuy nhiên, giá thuê lại giảm 6,9% so với quý trước và giảm 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lý do chủ yếu là bởi dự án mới mở có giá thuê thấp do nằm tại vị trí xa trung tâm và khách thuê của dự án chủ yếu thuê với diện tích lớn với giá ưu đãi. Giá thuê trung bình của khu vực trung tâm khá ổn định trong khi giá thuê của khu vực ngoài trung tâm giảm 8,6% so với quý trước.

Vingroup gần đây tuyên bố việc thành lập cửa hàng tổng hợp gồm 4 thương hiệu: Beauty Zone kinh doanh các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và mỹ phẩm, ShoeCenter, Sportworld và Fashion Megastore.

Trong khi đó, nhà bán lẻ Thái Lan, Central Group, sau khi mở hai trung tâm thương mại tổng hợp Robins trong năm 2014, cũng đang mở rộng kinh doanh trong ngành siêu thị điện tử với việc mua 49% cổ phần siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Tập đoàn này cũng đang đàm phán để mua cổ phần của một siêu thị điện máy lớn khác tại Việt Nam.

Trong nửa cuối năm 2015, Hà Nội sẽ đón nhận một số dự án trung tâm thương mại quy mô lớn. Trong số đó, nổi bật nhất là trung tâm thương mại AEON có chủ đầu tư là nhà phát triển lớn Nhật Bản, quy mô rộng 108.000 m2 tổng diện tích sàn.

Hai dự án lớn khác được Vingroup đầu tư phát triển, một dự án tại quận Đống Đa và một dự án tại quận Bắc Từ Liêm.

Tại TP HCM, sau ba năm yên ắng, thị trường bán lẻ đã có sự phục hồi rõ nét hơn với nhiều sự kiện sôi động trong Quý 2/2015.

SC VivoCity, TTTM đầu tiên của Công ty TNHH Đầu tư Mapletree từ Singapore, hợp tác với Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM, Saigon Co.op, đã khai trương vào Tháng 5/2015 với 72.000 m2 diện tích sàn.

Tọa lạc tại con đường mua sắm đắc địa Nguyễn Huệ, khối đế thương mại Times Square cũng đã mở cửa trong Tháng 6. Với 4.000 m2 diện tích sàn, khối đế thương mại này cung cấp các thương hiệu nội thất hạng sang như Cassina, Giorgetti, B&B Italia được phân phối bởi Eurasia.

Hơn nữa, với niềm tin quay trở lại, ngày càng nhiều nhà bán lẻ nước ngoài có kế hoạch gia nhập thị trường TP.HCM, đa dạng ở nhiều phân khúc, như: Carolina Herrera, Stuart Weitzman, Dorothy Perkins, MaxMara, LOST, Hamleys and Paul.

Tập đoàn Vingroup tiếp tục mở rộng mảng bán lẻ của mình với chuỗi cửa hàng chuyên biệt được đầu tư và vận hành bởi công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinDS, mang tên Beautyzone, Sportsworld, Shoecenter và Fashion Megastore.

Để đón đầu sự hồi phục của thị trường, các chủ đầu tư bán lẻ đã tăng tốc tốc độ xây dựng dự án của mình, ví dụ như The One và Saigon Centre giai đoạn 2. Saigon Centre dự định sẽ đóng cửa vào cuối tháng 6 để thực hiện kết nối với giai đoạn 2. Toàn bộ quá trình nâng cấp này sẽ mất khoảng một năm. Theo sau Saigon Centre, Union Square cũng sẽ đóng cửa vào Tháng 10 năm này để thiết kế lại mặt bằng và chọn lọc thương hiệu.

Dự án Saigon Centre

Dự án Saigon Centre

 

Với sự hình thành của tuyến Metro đầu tiên, thị trường bán lẻ, đặc biệt dọc trục đường Nguyễn Huệ, kỳ vọng sẽ thay đổi đáng kể trong những năm tới. Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP.HCM đã trình đề cương xây dựng khu thương mại ngầm 6.300 tỷ đồng dưới nhà ga trung tâm Bến Thành, nối liền với phố đi bộ Nguyễn Huệ, lên Ủy Ban Nhân Dân chờ phê duyệt.

Với 45.000 m2 diện tích sàn, nối với tuyến Metro số 1, số 2, số 3a và số 4, đây là loại hình bán lẻ mới, đột phá chưa từng có ở Việt Nam và được cả người tiêu dùng cũng như nhà bán lẻ mong đợi.

Thái Nam

Cùng chuyên mục
XEM