Thế giới hãy chuẩn bị cho bong bóng bất động sản lớn nhất từ trước đến nay

30/12/2015 21:07 PM |

Kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều bất ổn và nhà đầu tư Trung Quốc gặp rắc rối sẽ ảnh hưởng đến cả làn sóng mua bất động sản nước ngoài mà nước này tạo ra.

Năm 1989, khi Nhật Bản ở đỉnh điểm của bong bóng cổ phiếu và bất động sản, các nhà đầu tư đến từ “đất nước mặt trời mọc” đã mạnh tay chi tiền mua bất động sản trên toàn thế giới. Từ Pebble Beach (Mỹ) đến Rockefeller Center ở London đều xuất hiện các dấu ấn của người Nhật. Khi bong bóng vỡ, họ đã phải bán những tài sản này và thua lỗ nặng.

Tuy nhiên, so với Trung Quốc ngày nay, bạn sẽ thấy hóa ra trong quá khứ người Nhật vẫn rất cẩn trọng.

Các nhà đầu tư Trung Quốc đang ồ ạt mua vào các bật động sản cao cấp ở những thành phố ven biển phương Tây, như thể họ sẽ không bao giờ đi xuống và lượng mua vào không bao giờ là đủ. Sydney, Melbourne, Brisbane, Auckland, Singapore, San Francisco, L.A., Vancouver, Toronto, New York, London ... đâu đâu cũng thấy người Trung Quốc.

Những thị trường này được coi là “miễn nhiễm với bong bóng”. Tuy nhiên, đó là một sự nhầm tưởng. Trên thực tế, chúng là những bong bóng lớn nhất. Cả ở những thành phố hàng đầu của Trung Quốc như Thượng Hải, Bắc Kinh và Thâm Quyến, giá bất động sản cũng tăng hơn 700% kể từ năm 2000.

Khi nào thì bong bóng bất động sản khổng lồ do Trung Quốc tạo nên sẽ vỡ tung? Tồi tệ hơn, nhà đầu tư Trung Quốc gặp rắc rối còn ảnh hưởng đến cả làn sóng mua bất động sản nước ngoài mà nước này tạo ra.

Thị trường bất động sản Trung Quốc đã hạ nhiệt và giá liên tục giảm trong suốt hơn 1 năm trở lại đây. Đó cũng là một lý do giải thích tại sao chứng khoán Trung Quốc lại tăng trưởng 160% chỉ trong chưa đầy 1 năm. Khi các nhà đầu tư nhận ra rằng họ không thể dễ dàng kiếm tiền từ bong bóng bất động sản được nữa, họ chuyển sang TTCK. Kết cục là khi bong bóng vỡ, chỉ số Shanghai Composite đã giảm tới 42% chỉ trong 2,5 tháng.

Trước thực tế này Chính phủ Trung Quốc đã làm gì? Bỏ ra hàng trăm tỷ USD để mua cổ phiếu! Đó cũng là điều mà Chính phủ Mỹ đã làm khi TTCK sụp đổ vào cuối năm 1929:

Bong bóng chứng khoán Trung Quốc vs Sự sụp đổ của chứng khoán Mỹ năm 1929
Bong bóng chứng khoán Trung Quốc vs Sự sụp đổ của chứng khoán Mỹ năm 1929

Nếu lịch sử lặp lại, chỉ số Shanghai Composite có thể đạt đỉnh vào giai đoạn từ giữa đến cuối tháng 1/2016, chạm mốc khoảng 4.100 điểm. Tuy nhiên thị trường sẽ một lần nữa sụp đổ, có thể rơi xuống khoảng 2.000 – 2.400 điểm.

Sau cú sốc đầu tiên, nhà đầu tư Trung Quốc đã giảm bớt đầu cơ vào những thị trường như New York và London. Khi nghi ngờ về sức khỏe kinh tế trong nước, nhà đầu tư cũng sẽ cảm thấy bất ổn về việc đầu cơ ở nơi khác. Điều này càng tồi tệ hơn khi TTCK Trung Quốc lại sụp đổ một lần nữa.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn rộng hơn, hãy nhìn vào sự sụt giảm trong tốc độ tăng trưởng đầu tư vào bất động sản dân cư ở Trung Quốc kể từ năm 2010. Đây là chỉ số thể hiện rõ nét sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc. Kể từ mức 34% của năm 2010, chỉ số này đã giảm xuống mức gần 0 trong năm 2015:

Kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc. Báo cáo China Beige Book (được giới đầu tư nước ngoài cho là chính xác hơn nhiều so với các con số chính thức) mới đây đã chỉ ra rằng kinh tế Trung Quốc đang suy yếu “trên mọi mặt trận”.

Sẽ không có cú “hạ cánh mềm” nào ở Trung Quốc. Cả thế giới đang bị lôi vào bong bóng nợ và bất động sản có quy mô lớn chưa từng thấy. Và, đó chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

Nhà đầu tư nên rời khỏi những thị trường nguy hiểm như cổ phiếu và bất động sản, tới những nơi an toàn nhất như Trái phiếu kho bạc và các doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm AAA.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM