Thế giới cần thỏa ước Plaza?
Một loạt hành động của các NHTW trên toàn thế giới khiến thị trường tiền tệ quốc tế đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Môi trường vốn đã nhiều biến động xuất hiện thêm nhiều đợt sóng.
Nội dung nổi bật:
- Thỏa ước Plaza được ký kết năm 1985 nhằm mục đích làm đồng USD suy yếu, đẩy tăng giá trị của đồng yên và hướng đến mục tiêu cuối cùng là giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và giúp kinh tế Mỹ vực dậy sau khủng hoảng.
- Đã đến lúc các NHTW trên toàn thế giới có một thỏa thuận chung về chính sách tiền tệ nhằm chống lại giảm phát và tăng trưởng ì ạch
Tháng 9 năm nay, thế giới sẽ kỷ niệm 30 ngày hiệp ước Plaza được ký kết. Năm 1985, thỏa ước này được ký kết tại khách sạn Plaza (New York) nhằm mục đích làm đồng USD suy yếu, đẩy tăng giá trị của đồng yên và hướng đến mục tiêu cuối cùng là giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và giúp kinh tế Mỹ vực dậy sau khủng hoảng. Thỏa ước này đã có nhiều tác động tới kinh tế Mỹ và kinh tế Nhật, nhưng nó thể hiện sự hợp tác kinh tế giữa hai nước. Có lẽ đây là điều mà thế giới đang thiếu hụt trong thời kỳ hiện nay – thời kỳ của giảm phát.
Tuần vừa qua, NHTW Singapore đã có động thái bất ngờ nới lỏng tiền tệ và trở thành NHTW thứ 9 trên thế giới thực hiện chính sách này chỉ trong tháng 1/2015. Đã đến lúc thế giới cần sắp xếp một cuộc đàm phán về chính sách tiền tệ. 13 ngày sau khi NHTW Thụy Sĩ cho phép đồng franc tăng giá, cơ quan tiền tệ của Singapore bất ngờ nới lỏng chính sách và cho phép đồng đôla Singapore (SGD) yếu đi. Một loạt hành động của các NHTW trên toàn thế giới khiến thị trường tiền tệ quốc tế đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Môi trường vốn đã nhiều biến động xuất hiện thêm nhiều đợt sóng.
Mặc dù nhìn bề ngoài động thái của Singapore và Thụy Sĩ có thể khác nhau, chúng được tung ra để giải quyết cùng 1 vấn đề: những tác dụng không mong muốn của việc thanh khoản quá dồi dào trên toàn cầu.
Từ trước tới nay, những tranh cãi xoay quanh chương trình nới lỏng định lượng đều tập trung vào những rủi ro với các nền kinh tế lớn là Mỹ, Nhật Bản và eurozone. Tuy nhiên, hành động của NHTW các nước phát triển khiến dòng vốn cũng như biến động tiền tệ dâng cao trên thị trường tài chính quốc tế. Các thị trường mới nổi và những nền kinh tế nhỏ với cán cân vốn mở (như Singapore và Thụy Sĩ) chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Chỉ trong năm 2014, khoảng 14 tỷ USD “tiền nóng” đã được rót vào các thị trường chứng khoán Indonesia, Philippines và Thái Loan. Chứng khoán Đài Loan cũng chứng kiến khối ngoại mua ròng 5 tỷ USD. Các dòng chảy này có thể ngay lập tức đảo chiều khi Cục dự trữ liên bang Mỹ bắt đầu nâng lãi suất hay những vấn đề của Hy Lạp kéo eurozone trở lại với khủng hoảng.
Điều này càng khiến các quốc gia nhỏ hơn khó có thể kiểm soát rủi ro đối với nền kinh tế và hành động trước các đối thủ cạnh tranh. Việc đất nước Singapore vốn được coi là bảo thủ gây sốc cho thị trường là dấu hiệu cho thấy các lãnh đạo của đảo quốc này lo lắng đến mức nào.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ các quốc gia càng hạ lãi suất để giữ lợi thế cạnh tranh của mô hình kinh tế tập trung vào xuất khẩu, lợi ích mà họ thu được càng biến mất. Thêm vào đó, các quốc gia cố gắng áp dụng mô hình của nước khác. Các chương trình nới lỏng định lượng đã tạo ra những tác dụng phụ trên thị trường tài chính như tăng mức độ biến động hoặc tạo ra bong bóng.
Các nền kinh tế lớn cũng phải lo lắng. Karl Otto Poehl là Thống đốc NHTW Đức năm 1985 và là một trong những người phác thảo ra thỏa ước Plaza. Ông đã so sánh tình thế lúc đó với rượu nho. Những vườn nho thường được bao quanh bởi những bụi hoa hồng đóng vai trò như một hệ thống cảnh báo sớm. Vì hoa hồng rất dễ bị dịch bệnh tấn công, các chủ vườn nho sẽ sớm biết nho gặp vấn đề. Những nền kinh tế nhỏ và mở như Singapore và Thụy Sĩ đóng vai trò tương tự đối với kinh tế thế giới.
Yêu cầu các quốc gia phối hợp với nhau để chống đỡ một cuộc chiến tranh tiền tệ tiềm tàng sẽ là một nhiệm vụ không đơn giản. Tăng cường phối hợp là điều cần thiết. Các NHTW có thể giảm mức độ biến động bằng cách giải quyết các “vết nứt” về tỷ giá, thâm hụt ngân sách và thâm hụt cán cân vãng lai…
Các tín hiệu hợp tác sẽ có tác động tích cực đến thị trường. Có thể các nhà hoạch định chính sách sẽ đưa ra một vài ý tưởng như neo đồng yên vào USD để chống lại giảm phát hay thành lập một hệ thống hối đoái ở Đông Nam Á.
“Sự hợp tác trên toàn thế giới sẽ được ưa chuộng trong bối cảnh các nước đua nhau phá giá tiền tệ như hiện nay”, Russell Green, giáo sư ĐH Rice trực thuộc viện Baker nhận định (viện này lấy tên theo James Baker – người giữ chức Bộ trưởng Tài chính Mỹ khi thỏa ước Plaza được ký kết).
Green cũng cho rằng đặc biệt IMF cần phải hành động mạnh mẽ hơn và tạo cơ sở cho sự hợp tác nói trên. Điều hành tỷ giá là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của IMF.
Tất nhiên, các thống đốc NHTW cũng nên hối thúc các chính phủ sửa chữa nền kinh tế ngay lập tức. “Vấn đề vẫn là các NHTW phải làm những công việc nặng nhọc nhất như thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát giá cả, trong khi chính sách tiền tệ của một nước có tác dụng lan tỏa sang cả các quốc gia khác”.
“Tôi hi vọng rằng các nền kinh tế lớn sẽ có chính sách đúng đắn, phù hợp hơn và giảm bớt sự phụ thuộc vào chính sách tiền tệ. Đã đến lúc đặt phòng tại khách sạn Plaza”, Green nói.
>> Adam Smith sẽ nói gì về khủng hoảng kinh tế?
Thu Hương