Tại sao nông dân Nhật có quyền lực chi phối cả chính trường?

01/02/2016 09:30 AM |

Ngày một nhiều người lo ngại về khả năng những hiệp định thương mại như TPP sẽ tác động tiêu cực, thậm chí tiêu diệt ngành trồng lúa của Nhật.

Đã nhiều thế kỷ nay, nhắc đến Nhật là người ta nhắc đến nghề trồng lúa gạo hoặc ngược lại, nhắc đến lúa gạo là phải nói đến những sản phẩm gạo ngon nhất của Nhật.

Thế nhưng ngày một nhiều người lo ngại về khả năng những hiệp định thương mại như TPP sẽ tác động tiêu cực, thậm chí tiêu diệt ngành trồng lúa nói riêng cũng như tất cả các ngành nông nghiệp nói chung.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã nhiều năm liên tiếp tuyên bố sẽ bảo vệ ngành nông nghiệp Nhật dù nước này có gia nhập các khối thương mại tự do. Khi đàm phán TPP, ông đã chấp nhận giảm thuế nhập khẩu gạo có lộ trình để cho nông dân Nhật có thời gian thích nghi. Việc bảo vệ quyền lợi cho khoảng 3,3 triệu nông dân Nhật, tức khoảng 2,5% dân số từng được coi như trở ngại lớn nhất trong các vòng đám phán TPP.

Dù số lượng nông dân không nhiều và nguồn thu từ nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1% tổng GDP nhưng ở Nhật các nhóm vận động hành lang bảo vệ nông dân có quyền lực rất lớn. Tại sao lại có điều này? Nó là kết quả của nhiều yếu tố lịch sử, văn hóa.

Là một quốc đảo nghèo tài nguyên thiên nhiên, suốt chiều dài lịch sử của mình, người Nhật luôn căng thẳng với việc tự cung nguồn thực phẩm. Gạo không chỉ là lương thực chính của người Nhật mà nó còn là biểu tượng của niềm tự hào dân tộc của người Nhật.

Bao nhiêu thế kỷ qua, từ khi con còn rất nhỏ, người Nhật đã dậy con rằng hạt gạo ngắn giàu chất dinh dưỡng của Nhật là điều mà thế giới phải ghen tỵ. Và ngay từ trong tiếng Nhật từ dùng để nói đến gạo cũng là bữa ăn.

Những thập kỷ gần đây, gạo luôn nằm ở tâm điểm các cuộc tranh luận và chính sách trên chính trường Nhật. Đại diện cho các nhóm nông nghiệp luôn giữ số đông trong Đảng Dân chủ Tự do của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Sau suốt nhiều thập kỷ xây dựng và củng cố vị thế, lá phiếu của một vài nông dân Nhật ở đảo cực Bắc Hokkaido hay Kyushu hiện còn có nhiều quyền lực hơn hàng ngàn lá phiếu của người thủ đô nhà giàu ở Tokyo hay Osaka.

Không có gì ngạc nhiên cả, những người nông dân Nhật đã sử dụng quyền năng mà họ được hưởng qua nhiều thế kỷ để chiến thắng sức ảnh hưởng của các ngành khác cũng như nhiều đối thủ nước ngoài.

Dù không khó để hiểu tại sao chính đảng của Thủ tướng Nhật Abe lại ngần ngại trong việc giảm bớt các chính sách hỗ trợ đối với ngành lúa gạo bởi tính nhạy cảm của nó. Trên thực tế, từ khi lên nắm quyền, ông Abe đã có một số biện pháp để giảm bớt sự quyền lực của nông dân Nhật, thế nhưng cho đến nay nó chưa phát huy nhiều hiệu quả.

Đảng cầm quyền LDP đã điều chỉnh lại các quy định điều tiết những hợp tác xã nông nghiệp ở Nhật. Tại Nhật, các hợp tác xã nông nghiệp được thành lập thập niên 1940 để giảm nạn đói, sau đó nhiều hợp tác xã phát triển thành các tập đoàn nông nghiệp lớn có quyền năng chi phối cung cầu trên thị trường, thống trị tín dụng nông thôn.

Chính phủ của Thủ tướng Abe muốn mở cửa các tập đoàn này hơn nữa để cho hoạt động của họ được hiệu quả hơn và hiện thực hóa mục tiêu tăng gấp đôi xuất khẩu nông sản, đặc biệt là thịt bò vào năm 2020.

Ông Abe đã tại vị khá lâu và dù thị trường chứng khoán Nhật đã tăng điểm rất ấn tượng trong nhiệm kỳ của ông thì ông cũng thực sự phải tiến hành nhiều biện pháp cải cách nếu muốn đà tăng trưởng của nền kinh tế và thị trường chứng khoán được duy trì.

Cho đến nay, dường như chính phủ của Thủ tướng Abe chưa đưa ra biện pháp nào đủ mạnh để hứa hẹn ngưng được chính sách thuế siêu cao lên đến 778% đối với sản phẩm gạo nhập khẩu. Đối với mặt hàng đường, thuế nhập khẩu lên đến 328%. Khi gia nhập TPP, Nhật buộc phải giảm các dòng thuế này theo lộ trình, ít nhất nó cần phải xuống dưới mức 100%.

Khi giảm thuế, ông Abe cần phải hiểu rằng ông sẽ đối diện với nông dân trong một chiến dai dẳng từ năm này qua năm khác. Suốt nhiều thập kỷ qua, nông dân Nhật vốn đã phản ứng rất gay gắt với toàn cầu hóa, người dân Nhật cũng phải quá cởi mở. Chính vì vậy chắc chắn ông Abe hay bất kỳ Thủ tướng nào kế nhiệm sẽ gặp khó nếu muốn mở cửa lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm.

Kết quả một cuộc khảo sát mới đây của một công ty truyền thông nước ngoài tại Nhật cho thấy phần đông người Nhật khẳng định họ sẽ không bao giờ thèm mua gạo Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam, Pakistan hay Mỹ dù nó có rẻ đến đâu đi nữa, Trung Quốc với tai tiếng khủng khiếp về các vụ bê bối thực phẩm chắc chắn không bao giờ có “cửa” vào Nhật.

Ông Abe cũng sẽ phải đối diện với nhiều sức ép ngay từ trong chính trường Nhật bởi có rất nhiều chính trị gia là đại diện của nông dân hiện đang giữ chức. Theo giáo sư về khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ông Sevanile Cooray thuộc đại học Nagoya, ông Abe cần học theo Tổng thống Mỹ Obama.

Ông hãy thuyết phục chính trường Nhật rằng việc nhượng bộ cho gạo nước ngoài vào thị trường Nhật mang ý nghĩa quan trọng về mặt địa chính trị. Bối cảnh khu vực Đông Á nói riêng và châu Á nói chung giờ đã khác rất nhiều so với cách đây chỉ vài năm. Trung Quốc đã lập ra Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) để tranh giành sức ảnh hưởng với Nhật.

Khi Nhật tham gia sâu rộng vào TPP, Nhật sẽ có thể giúp củng cố cho mối quan hệ đồng minh với Mỹ cũng như làm mạnh hơn mối quan hệ giữa Nhật với nhiều nước khu vực Đông Nam Á ở thời điểm Trung Quốc đang ngày một bành trướng.

TPP cũng có thể được coi như yếu tố giúp đẩy mạnh việc tái cơ cấu và mở cửa các ngành kinh tế khác của Nhật. Khi gia nhập TPP, Nhật đã cam kết sẽ mở cửa nền kinh tế, những ngành hoạt động yếu kém không còn cách nào khác ngoài việc phải thay đổi. Các nông trại Nhật cũng sẽ phải như vậy, ông Abe sẽ có thêm nhiều tiếng nói ủng hộ trong nỗ lực cải tổ nền kinh tế.

Ngọc Thúy

Cùng chuyên mục
XEM