Nhật Bản và giá dầu "tặng quà" cho chứng khoán
Hòa cùng đà tăng điểm của chứng khoán toàn cầu, chứng khoán Mỹ cũng có một phiên tăng điểm mạnh nhất trong nhiều tháng.
Động thái bất ngờ của NHTW Nhật Bản (BOJ) làm gia tăng mạnh mẽ niềm tin rằng các NHTW trên toàn thế giới vẫn đang rất cẩn trọng với đà tăng trưởng chậm chạp của nền kinh tế.
Kết thúc phiên hôm qua (29/1), chỉ số S&P 500 tăng 2,5%, thu hẹp mức giảm của tháng 1 xuống còn 5,1%. Chỉ số Dow Jones cũng tăng gần 400 điểm nhờ lực đẩy từ cổ phiếu Microsoft. Cả 2 chỉ số này đều có tuần tăng điểm tốt nhất kể từ đầu năm đến nay, trong đố S&P 500 tăng mạnh nhất kể từ ngày 8/9.
Chỉ số MSCI All-Country World Index tăng 2%, Stoxx Europe 600 Index tăng 2,2% trong khi chỉ số Topix của TTCK Nhật Bản đóng cửa tăng 2,9%.
Thị trường mới nổi cũng có một tuần thăng hoa với chỉ số MSCI Emerging Markets Index tăng 2,8% trong phiên hôm qua và tăng tổng cộng 4,5% trong tuần (mạnh nhất kể từ tháng 10 năm ngoái).
Tháng 1 tồi tệ nhất kể từ 2009 đã khiến 7.800 tỷ USD vốn hóa bốc hơi khỏi TTCK toàn cầu. Theo số liệu của Bloomberg, khoảng 2.700 tỷ USD vốn hóa bị xóa khỏi TTCK của các nước đang phát triển trong tháng 1, trong đó Trung Quốc chiếm tới 75%.
Diễn biến tồi tệ này đã buộc Fed phải tuyên bố sẽ theo dõi chặt chẽ môi trường kinh tế toàn cầu, trong khi NHTW châu Âu phát tín hiệu có thể bổ sung biện pháp kích thích vào tháng 3 tới.
Sau tuyên bố đầy bất ngờ của BoJ về mức lãi suất -0,1% sẽ được áp dụng kể từ giữa tháng 2 tới, đồng yên Nhật sẽ giảm 1,8% so với đồng USD – mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2014.
Trong mấy phiên gần đây cuộc thảo luận giữa các nước sản xuất dầu nhằm hướng tới giải pháp cắt giảm nguồn cung giúp giá dầu thu hẹp đà giảm sau khi chạm đáy thấp nhất 2 năm.
Giá dầu WTI giao tháng 3 tăng 40 cent, lên mức 33,62 USD/thùng trên sàn NYMEX. Giá dầu thô biển Bắc giao tháng 3 cũng tăng lên mức 34,74 USD/thùng ở London.