'Siêu cổ phiếu' SHN và toan tính của tỷ phú Vũ Văn Tiền

16/06/2015 15:04 PM |

Từ một cổ phiếu được ví như "xác chết" vật vờ chờ ngày hủy niêm yết, Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (mã chứng khoán SHN) bỗng dưng hồi sinh trở thành một cổ phiếu "nóng" hơn bao giờ hết.

Tính đến thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu SHN đã gấp 7 lần mức giá tại ngày 15/4/2015 (2.900 đồng/CP).

Tính tới ngày hôm nay, cổ phiếu SHN đang giao dịch ở mức giá 29.300 đồng/cổ phiếu

Ngày 16/06, SHN đang giao dịch ở mức giá 20.300 đồng/cổ phiếu

Nhìn lại kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (HANIC - mã chứng khoán SHN) trong những năm vừa qua, không có điểm nào đáng chú ý ngoài thua lỗ.

Theo đó, HANIC đã ghi nhận mức lỗ 78,95 tỷ đồng trong năm 2014. Khoản lỗ lũy kế tính đến hết năm 2014 của HANIC đã lên tới gần 327 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ của công ty (324,5 tỷ đồng). Với việc lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ, theo quy định cổ phiếu SHN sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Báo cáo tài chính của HANIC cũng cho thấy công ty hiện có khoản nợ phải trả gần 225 tỷ đồng, gấp 11,17 lần vốn chủ sở hữu (20,1 tỷ đồng).

Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội - HANIC được thành lập năm 2004, hoạt động kinh doanh về xe máy, thép, xuất khẩu lao động,… Trong giai đoạn thị trường BĐS sôi động 2007-2011, HANIC bắt đầu tham gia đầu tư thứ cấp và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Sau nhiều lần tăng vốn, đến 2010 vốn điều lệ của SHN đã lên tới trên 324 tỷ đồng.

Kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán, SHN liên tục tạo nên những con sóng lên xuống làm nức lòng giới đầu tư cổ phiếu. Biết bao người đã kiếm bộn tiền khi "đặt cược" vào cổ phiếu này, nhưng cũng không ít nhà đầu tư lâm vào cảnh "tán gia bại sản" khi cổ phiếu này lao dốc.

Lên xuống không theo thị trường, bất tuân quy luật như vậy nên SHN được giới đầu tư mệnh danh là cổ phiếu "Siêu đầu cơ". Tuy nhiên, đến khi BĐS suy thoái SHN cũng lâm vào nguy cơ phá sản khi đối diện với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vụ việc hợp tác với Công ty CP Beta-BQP.

Cổ phiếu SHN cũng trở nên "vật vờ" từ đó, chỉ loanh quanh ở mức giá 2.000 - 3.000 đồng/cp, có thời điểm SHN còn rớt thê thảm xuống tới mức giá "không đủ để uống trà đá" ~ 600 đồng/cp.

Một lượng lớn nhà đầu tư trót đặt cược vào cổ phiếu "siêu đầu cơ" này đã phải chịu cảnh "kẹp" hàng, miễn cưỡng trở thành nhà đầu tư "dài hạn" bất đắc dĩ.

"Đại gia" lên tàu

Giữa lúc không biết sẽ đi đâu về đâu, nhà đầu tư SHN như những kẻ "chết đuối vớ được cọc", cổ phiếu SHN bỗng dưng phi mã một mạch trong khoảng thời gian chưa đầy 2 tháng từ mức giá 2.900 đồng lên tới 17.300 đồng/cp vào ngày 8/6/2015.

Trong lúc thị trường chưa kịp hiểu điều gì đang diễn ra, thì xuất hiện thông tin Tập đoàn Geleximco cùng với CTCP Tập đoàn Đầu tư Tài chính An Bình (ABFG) chính thức công bố quyết định đầu tư và giúp đỡ tái cấu trúc toàn diện SHN.

Theo đó, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Geleximco, ông Vũ Văn Tiền sẽ mua 10,9 triệu cổ phiếu. Các cá nhân liên quan đến công ty bao gồm ông Vũ Văn Hậu – em trai ông Tiền, mua 10,3 triệu cổ phiếu và ông Đào Mạnh Kháng – em rể ông Tiền, mua gần 5,5 triệu đơn vị.

Tổng khối lượng mà các nhà đầu tư này dự kiến mua là 46,5 triệu cổ phiếu tương đương 465 tỷ đồng.

Geleximco được biết đến là một tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng. Được thành lập năm từ năm 1993, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển đến nay tập đoàn này có số vốn điều lệ lên tới 6.000 tỷ đồng, doanh thu hàng năm hàng nghìn tỷ đồng và tăng trưởng đạt hơn 10%/năm.

Bên cạnh đó, qua những khoản đầu tư của Geleximco, vị Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc có biệt danh "Tiền Còi" hiện đang giữ nhiều vị trí chủ chốt ở các tổ chức lớn khác như Chủ tịch Ngân hàng An Bình, Chứng khoán An Bình và Phó chủ tịch CMC Group,…

"Siêu cổ phiếu" trở lại

Vì sao Geleximco và ABFG lại đổ công sức vào SHN như vậy?

Nhìn vào SHN đến nay không thấy có điểm nổi trội nào về dự án BĐS để các đại gia quan tâm, bởi công ty này chỉ còn lại một số khoản đầu tư tài chính đáng chú ý như 237,7 tỷ ở Beta –BQP, hay một số khoản phải thu khác như chuyển nhượng quyền theo đuổi dự án Tây Mỗ cho Dubai Capital trị giá 53,8 tỷ và khoản 22 tỷ ở một số tổ chức, cá nhân khác. Nhưng với hàng loạt quyền tham gia dự án bất động sản lớn, tương lai HANIC có thể sẽ khác nếu có một đại gia vào cuộc.

Trong giai đoạn chuẩn bị dự án, dù trên giấy tờ sổ sách không là gì cả, nhưng lại chiếm tỷ lệ chi phí không hề nhỏ. Do đó những tài sản tưởng chừng bỏ đi ấy của HANIC, khi có “bàn tay” của Geleximco, được kỳ vọng sẽ tạo ra tiền.

Trả lời bên lề buổi lễ ký kết, ông Đinh Hồng Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SHN đã tự tin tuyên bố rằng, lợi nhuận 2015 của HANIC sẽ không dưới 70 tỷ đồng.

Lý giải về quyết định đầu tư vào SHN, Chủ tịch Vũ Văn Tiền cũng giải thích rằng: "SHN có những lợi thế lớn của một doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán – một lĩnh vực mà Geleximco đang quan tâm".

Phải chăng còn một nguyên nhân sâu xa khác, với "con bài" SHN ban lãnh đạo Geleximco đang muốn rút ngắn thời gian thâm nhập vào thị trường chứng khoán bằng cách "đi đường vòng"?

Như cách mà nhiều doanh nghiệp khác đã từng làm, đơn giản là chọn một doanh nghiệp “ốm yếu” nhưng đã niêm yết trên sàn, mua cổ phần chi phối, thay đổi bộ máy lãnh đạo và đăng ký thay đổi ngành nghề kinh doanh, đổi tên doanh nghiệp. Vậy là doanh nghiệp đã thoát xác.

Cho dù là nguyên nhân nào đi chăng nữa, những người trong cuộc mới có thể nắm rõ. Chỉ biết rằng đối với riêng SHN, tương lai của cổ phiếu này đã trở nên sáng hơn bao giờ hết.

Mức giá cao nhất mà SHN từng đạt được trong quá khứ là 40.000 đồng/cp vào ngày 26/7/2010. Hiện tại cổ phiếu này đang có dư mua trần tại mức giá 20.300 đồng/cp.

Và, ký ức về một cổ phiếu "Siêu đầu cơ" đang dần quay trở lại.

Thái Nam

Cùng chuyên mục
XEM