Thành viên HĐQT ABBank “mở mắt” với kế hoạch cuộc đời
12/02/2013 18:20 PM
|
Đất nước, ở tầm vĩ mô, đều có những kế hoạch nhìn về phía trước. Còn những con người cũng cần phác thảo những dự định tương lai trong ngắn hạn hay dài hạn.
“Một năm bắt đầu từ mùa xuân, một đời bắt đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Sinh thời, khi nói về thế hệ trẻ", Hồ Chủ tịch đã có những so sánh như thế. Thành công luôn thuộc về ai biết lập kế hoạch cho cuộc đời mình.
Tâm đắc với kế hoạch cuộc đời, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, thành viên HĐQT Ngân hàng An Bình cho rằng, mỗi người đều có những kế hoạch cho cuộc đời mình, dù dài hay ngắn. Cafebiz xin chia sẻ câu chuyện mang ý nghĩa sâu sắc về bản kế hoạch cuộc đời, thứ “đã làm cho ông “mở mắt” đến thế hệ trẻ tại một hội thảo cuối năm do Câu lạc bộ Millionaire House tổ chức.
Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có những kế hoạch cho cuộc đời, hoặc là ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn. Tôi xin chia sẻ câu chuyện của chính tôi. Một câu chuyện làm cho tôi “mở mắt”.
Năm 29 tuổi, khi sắp hoàn tất luận án, giáo sư đỡ đầu gọi tôi vào, bảo: “Anh Hiếu ơi, anh sắp xong luận án rồi, anh muốn làm cái gì trong cuộc đời? Tôi nói: “Thưa thầy, tôi cũng như các bạn khác, muốn học xong trở thành chỗ dựa cho gia đình và có một công việc cho thu nhập tốt để đến khi về hưu sống an toàn, thoải mái”.
Vị giáo sư nói rằng: “Tôi muốn hỏi anh một điều anh muốn sống được bao lâu trong cuộc đời của anh?” Tôi mới nói: “Thưa thầy, làm sao tôi biết được chuyện sống chết. Ngày mai ra đường tôi có thể bị xe cán chết. Tôi không thể nghĩ được tôi muốn sống bao nhiêu năm cả”. Ông ấy bảo: “Anh không hiểu ý của tôi”. Cái tôi hỏi anh không phải là anh sẽ sống được bao lâu, mà anh muốn sống được bao lâu”.
Tôi bảo giáo sư cho tôi một tuần để trả lời. Một tuần sau, gặp ông ấy, tôi nói: “Nếu Chúa thương cho tôi sức khỏe và mọi chuyện bình an, tôi muốn sống 100 tuổ”i. Ông bảo: “Tuyệt vời! Anh muốn sống 100 tuổi. Vậy anh về chia giùm tôi cuộc sống của anh 10 năm một cho đến 100 tuổi. Cứ một giai đoạn, anh viết vào cuối kỳ của 10 năm đó anh muốn có bao nhiêu tài sản, anh muốn ở vị trí nào và anh đang ở trong tình trạng nào về sức khỏe, cũng như gia đình như thế nào. Ba tháng sau cho tôi biết”.
Lần đầu tiên trong đời, ông giáo sư đã “mở mắt” cho tôi thấy thế nào là kế hoạch cuộc đời. Tất cả chúng ta, các bạn trai muốn có vợ hiền, con ngoan, gia đình đầm ấm. Bạn gái muốn một gia đình đầy đủ con cái, những mong cầu tốt đẹp cho bản thân và gia đình. Nhưng từ ngày về Việt Nam tôi chưa thấy ai cho tôi biết họ viết ra kế hoạch cho mấy chục năm về sau. Hãy dành thì giờ ngồi xuống viết cho mình kế hoạch trong những năm tới mình sẽ ở đâu, làm gì và từ những con số về tài sản và những mong muốn trong cuộc sống.
Quay lại câu chuyện của tôi, sau khi trở lại cho ông giáo sư biết bản kế hoạch của mình, ông ấy bảo: “Tôi báo động cho anh một điều: Anh không bao giờ đạt được mục tiêu trong cuộc đời anh đâu. Anh đang ở đây, kế hoạch của anh đang ở phía tay trái. Anh chỉ có hai cách: làm sao thay đổi cuộc đời của anh, chuyển hướng cuộc đời theo đúng hướng mà anh muốn đi trong mấy chục năm tới. Cách thứ hai là nếu anh ở đây và kế hoạch của anh ở bên tay trá,i anh làm ơn di chuyển cho tôi kế hoạch vào trong hướng anh đang đi để cuối cùng đạt được mục tiêu chung trong cuộc sống của anh”.
Từ đó, cứ mỗi năm, mỗi dịp Tết, tôi ngồi lại viết ra 30-40 trang giấy tất cả những gì tôi đã làm và theo kế hoạch mà tôi đã nói chuyện với giáo sư. Và tôi nhìn thấy một điều đúng như giáo sư nói: Cuộc đời của tôi không bao giờ đi đúng kế hoạch ấy, nhưng nó là cơ hội để tôi kiểm tra lại kế hoạch hoặc đặt lại cuộc đời cho đúng kế hoạch.
Tân Hoa (ghi)