Sau nhà ga T1, VietJet xin đầu tư nhà ga hàng hóa sân bay Cát Bi
VietJet có văn bản đề nghị giao khu đất có quy mô khoảng 6 ha tại sân bay Cát Bi để đầu tư xây dựng nhà ga hàng hóa, kho hàng hóa và cơ sở đảm bảo kỹ thuật tàu bay.
Sáng 15/6, tại trụ sở Bộ Giao thông Vận tải, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu chủ trì cuộc họp Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hàng hóa cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Cát Bi.
Theo đó, ngày 7/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1232/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể CHKQT Cát Bi, thành phố Hải Phòng giai đoạn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025.
Khu vực Dự án gồm Nhà ga Hàng hóa (Khu số 15) và khu vực sân đỗ ô tô trước nhà ga hàng hóa (Khu số 16). Ngày 3/11/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1944/QĐ-TTG phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch tổng thể CHKQT Cát Bi.
Hiện Dự án có 02 Nhà đầu tư đăng ký.
Cụ thể, ngày 26/3, CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (Hợp Thành) có văn bản đề nghị cho phép là nhà đầu tư chính cùng Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) đầu tư xây dựng, quản lý khai thác hạng mục Nhà ga hàng hóa tại CHKQT Cát Bi. Trên cơ sở đề xuất của Hợp Thành, Bộ GTVT đã có Văn bản số 4067/BGTVT-ĐTCT ngày 4/2/2015 gửi ACV và Cục Hàng không VN, hai cơ quan đều thống nhất chủ trương sử dụng nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư.
Đến ngày 12/5/2015, CTCP Hàng không VietJet có văn bản đề nghị giao khu đất có quy mô khoảng 6 ha để đầu tư xây dựng nhà ga hàng hóa, kho hàng hóa và cơ sở đảm bảo kỹ thuật tàu bay.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các cơ quan đơn vị liên quan đều ủng hộ chủ trương sử dụng nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư Dự án. Tuy nhiên, việc đầu tư phải theo đúng quy hoạch Dự án.
Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cho rằng, việc xem xét đầu tư Dự án cần căn cứ trên cơ sở quy hoạch; khai thác hiệu quả hạ tầng cơ sở đang có và đang đầu tư .
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đề nghị Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với ACV và Ban PPP phải đưa ra được đề xuất hình thức Dự án, từ đó để xem xét tiến hành các bước tiếp theo.
Trước đó, VietJet và Vietnam Airlines cùng ganh đua mua Nhà ga hành khách T1 của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Yêu cầu của VietJet đã được Bộ Giao thông Vận tải đáp ứng một phần khi đồng ý nhượng sảnh E của nhà ga này.
Tuy nhiên, VietJet lại tiếp tục có công văn tái đề xuất được mua lại toàn bộ nhà ga nói trên.
Sau 3 năm khai thác thị trường vận chuyển hành khách, cuối năm ngoái, VietJet đã lấn sân sang thị trường vận chuyển hàng hóa – thị trường trước giờ Vietnam Airlines vẫn chiếm thị phần tuyệt đối, với mức thị phần trung bình trong giai đoạn 5 năm đạt xấp xỉ 90%.
Cuối tuần trước, VietJet mới đón tàu bay A320, nâng đội bay của hãng lên 25 chiếc, tăng thêm 10 chiếc so với cùng kỳ năm ngoái.