Hai hãng bay 'tranh nhau' nhà ga: Cần đấu giá công khai

05/03/2015 10:11 AM |

Việc bán cảng hàng không để lấy tiền tái đầu tư các cơ sở hạ tầng mới là chủ trương hợp lý nhưng cần được tổ chức đấu giá công khai, minh bạch.

Đó là khẳng định của bà Nguyễn Minh Thảo, phó Ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương. Bà Thảo nói:

Việc đấu thầu quyền khai thác, cung ứng dịch vụ hạ tầng vừa giúp Nhà nước thu hồi được vốn nhanh nhất để có vốn đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội khác, vừa giúp các doanh nghiệp có điều kiện vận hành, kinh doanh đem lại hiệu quả cao nhất các công trình hạ tầng.

Người dân cũng có cơ hội được phục vụ tốt hơn khi các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng dịch vụ để cạnh tranh, thu hút thêm nhiều khách khai thác để tăng doanh thu...

Bà Nguyễn Minh Thảo - Ảnh: Nguyễn Khánh

Bà Nguyễn Minh Thảo - Ảnh: Nguyễn Khánh

Bà nhận định như thế nào về chuyện một số hãng hàng không “tranh nhau” nhà ga T1 Nội Bài?

Việc nhiều doanh nghiệp quan tâm đến sở hữu nhà ga T1 Nội Bài là điều dễ hiểu, bởi đây là nhà ga quốc nội duy nhất ở Hà Nội. Mọi hãng hàng không muốn khai thác đường bay quốc nội ở VN đến hay đi từ Hà Nội đều phải sử dụng nhà ga này.

Do đó nếu được sở hữu nhà ga này, hãng hàng không sẽ có nhiều thuận lợi hơn đối thủ cạnh tranh, chẳng hạn như việc bố trí quầy làm thủ tục, thời gian, không gian được khai thác hay các yếu tố liên quan đến kỹ thuật khác...

Do đó nếu quyết định bán nhà ga hay chuyển nhượng quyền khai thác, Nhà nước cần đề ra các quy trình, quy định hết sức cụ thể và minh bạch về việc vận hành nhà ga, đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong điều kiện khai thác, đặc biệt là các tiêu chuẩn về chất lượng... để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tiến tới nâng cao chất lượng dịch vụ, cảnh quan nhà ga T1.

Theo bà, việc bán hay nhượng quyền khai thác nhà ga T1 Nội Bài có nên tổ chức đấu thầu công khai nhằm tránh chuyện “đi đêm” để được mua với giá rẻ?

Một khi đã tính đến việc bán, cho nhượng quyền thương mại một cơ sở hạ tầng quan trọng và có giá trị lớn như nhà ga sân bay, tôi nghĩ điều cần thiết không chỉ là phải qua một quy trình định giá minh bạch mà cần áp dụng biện pháp thị trường rất quan trọng là đấu giá công khai.

Nhà nước áp dụng biện pháp này không chỉ thu lại được số tiền lớn nhất, mà còn chọn được nhà quản lý sân bay đủ năng lực tài chính và tránh những khả năng như giao dịch ngầm, bán dưới giá trị...

Nếu chọn được doanh nghiệp ngoài các hãng bay mua hoặc nhận nhượng quyền khai thác, bà có tin rằng nhà ga T1 sẽ tốt hơn?

Có lo ngại khi các hãng bay như Vietnam Airlines đang được khai thác đường bay quốc nội, giờ lại sở hữu luôn nhà ga chuyên phục vụ quốc nội sẽ tạo ra thế lực mới kiểu như độc quyền.

Vì vậy, theo tôi, nên cân nhắc kỹ khả năng bán mà nên tính đến nhiều hơn việc nhượng quyền thương mại với các điều kiện rõ ràng về chất lượng dịch vụ cũng như đảm bảo công bằng cho các bên khai thác, nếu không đảm bảo sẽ có thể chấm dứt việc nhượng quyền.

Như vậy sẽ tránh được khả năng một doanh nghiệp sở hữu hoàn toàn và khi đã sở hữu sẽ khó có thể tước quyền nếu doanh nghiệp lấy các lý do thiếu vốn, khó khăn... để nhà ga xuống cấp, hay làm ảnh hưởng đến chất lượng ngành hàng không và hình ảnh VN.

Ngoài ra, để tăng khả năng bán được giá cao cho Nhà nước, tránh khả năng một hãng hàng không có vị thế vượt trội khi sở hữu nhà ga, cũng nên tính đến việc cho các doanh nghiệp nước ngoài được liên doanh tham gia mua quyền khai thác hoặc được nhượng quyền khai thác. Liên doanh này có thể gồm nhiều bên tham gia.

Tôi nghĩ phương án một doanh nghiệp ngoài các hãng bay sở hữu, khai thác nhà ga T1 sẽ tối ưu hơn cho các bên. Tất nhiên với lĩnh vực “nhạy cảm” như cảng hàng không, có thể quy định một tỉ lệ tham gia nào đó với nhà đầu tư nước ngoài nhằm đảm bảo quyền sở hữu của phía VN.

Nếu chủ trương bán hạ tầng để lấy vốn tái đầu tư là đúng, ngoài việc chuyển nhượng nhà ga sân bay, theo bà, có nên mở rộng sang các ngành đang thiếu vốn, nhất là điện?

Đúng vậy, chúng ta hoan nghênh chủ trương đổi mới và khi đã thấy chủ trương đúng thì cần nhân rộng. Ngành điện liên tục kêu thiếu vốn, phải tăng giá điện, trong khi Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đầu tư và đang sở hữu rất nhiều nhà máy điện với mỗi nhà máy có vốn đầu tư hàng tỉ USD. Nếu bán thì EVN chắc chắn sẽ có thêm một nguồn vốn lớn để đầu tư tiếp các nhà máy điện, tránh thiếu điện.

EVN có năng lực và kinh nghiệm đầu tư nhà máy điện, trong khi nếu họ bán các nhà máy điện đi, trước mắt là các nhà máy nhiệt điện, sau đó là một số thủy điện... thay vì chỉ cổ phần hóa một tỉ lệ nhất định sẽ có nhiều cái lợi.

Thứ nhất EVN có vốn nhanh. Thứ hai là để các doanh nghiệp ở thành phần khác vận hành nhà máy, họ sẽ phải nỗ lực cơ cấu lại bộ máy, giảm chi phí, vận hành hiệu quả hơn, từ đó giảm giá thành điện, giảm áp lực tăng giá điện...

>> Thứ trưởng Bộ GTVT: Sẽ đấu thầu nhà ga T1 sân bay Nội Bài

Theo CẦM VĂN KÌNH

Cùng chuyên mục
XEM