Sản xuất chương trình truyền hình: Cuộc đua kỳ thú
Áp lực cạnh tranh mà các doanh nghiệp (DN) sản xuất chương trình truyền hình đối diện được xem là "khủng khiếp" nhưng mức tăng trưởng và lợi nhuận của thị trường này lại đủ lớn để hấp dẫn nhiều DN khác đổ xô tới. Nổi bật trên thị trường này là các thương hiệu BHD, Cát Tiên Sa, Điền Quân, Sóng Vàng, Jet Studio, Đông Tây Promotion, May Q... với hàng loạt chương trình truyền hình và gameshow đang ăn khách, có format trong và ngoài nước.
Nội dung nổi bật:
- Chính sách xã hội hóa truyền hình, cho phép tư nhân tham gia vào lĩnh vực sản xuất chương trình truyền hình đã làm tăng chất lượng các chương trình truyền hình cũng như mở ra cơ hội để khán giả có nhiều lựa chọn hơn.
- Lợi thế đi sau, thị trường thế giới đã có hàng chục ngàn format nổi tiếng nhưng điều này cũng là một áp lực đối với nhà sản xuất trong nước. Bởi, tìm ra một chương trình phù hợp với khán giả cũng khó như việc đem về, sản xuất và thu hút được khán giả.
- Đầu tư xây dựng những chương trình thuần Việt đang trở thành chìa khóa để các đơn vị sản xuất chương trình truyền hình mở những cánh cửa mới để đến với khán giả.
Để cung cấp nội dung cho hơn 100 kênh truyền hình, ngoài nguồn lực của chính nhà đài, là hàng trăm đơn vị tư nhân, mở ra cơ hội để khán giả có nhiều lựa chọn hơn. Nhưng chỉ có những tên tuổi có tiềm lực trụ lại được ở thị trường đầu tư tốn kém này.
Thử thách cùng bước nhảy
Theo Kantar Media, tổng chi phí quảng cáo trên truyền hình Việt Nam năm 2012 có trị giá gần 900 triệu USD, với mức tăng trưởng 30% so với 2011. Số liệu quảng cáo mà đơn vị này ghi nhận được trên 82 kênh truyền hình, 34 đầu tạp chí, 27 đầu báo in và 1 kênh radio cho tới hết quý III/2014 đã cho thấy, quảng cáo trên truyền hình và radio tăng hơn 40% và 75% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng chi phí quảng cáo ở thị trường Việt Nam năm 2014 vẫn tiếp tục tăng trưởng ở mức 2 con số, ít nhất là trên 25%. Tuy mức độ đầu tư vào quảng cáo từ quý II/2014 có dấu hiệu cắt giảm, thấp hơn so với những năm trước nhưng quảng cáo truyền hình vẫn tiếp tục duy trì vị trí hàng đầu với thị phần quảng cáo ít nhất là trên 70% tổng chi phí quảng cáo tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Hải Triều, CEO Younet Media, cho biết, tuy xu hướng marketing trên internet đang tăng nhưng truyền hình vẫn được đánh giá là công cụ quảng bá cao cấp, khẳng định uy tính của thương hiệu nên DN, nhất là khối hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) vẫn ưu tiên đổ tiền vào quảng cáo. Chính nền tảng này đã tạo môi trường để thị trường đầu tư sản xuất chương trình truyền hình ngày một phát triển.
Số liệu mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, hiện cả nước có 180 kênh phát thanh, truyền hình quảng bá, tăng 2 kênh so với năm 2013, trong đó có 105 kênh truyền hình quảng bá và 75 kênh phát thanh quảng bá. Tổng số kênh truyền hình nước ngoài được cấp phép là 40 kênh, tăng gần gấp đôi so với năm 2013.
Để cung cấp nội dung cho hơn 100 kênh truyền hình như thế, ngoài nguồn lực của chính nhà đài, là hàng trăm đơn vị tư nhân. Ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Jet Studio, cho biết, chính sách xã hội hóa truyền hình, cho phép tư nhân tham gia vào lĩnh vực sản xuất chương trình truyền hình đã làm tăng chất lượng các chương trình truyền hình cũng như mở ra cơ hội để khán giả có nhiều lựa chọn hơn.
Cùng với tốc độ tăng trưởng của quảng cáo truyền hình, tăng trưởng của các DN tham gia sản xuất chương trình truyền hình cũng đang duy trì ở mức cao. Tuy phát triển diện rộng nhưng số DN khẳng định thương hiệu trên thị trường hiện chỉ đếm được trên đầu ngón tay, có thể kể đến là BHD, Cát Tiên Sa, Điền Quân, Sóng Vàng, Jet Studio, Đông Tây Promotion, May Q...
Bình quân, trong cùng một thời điểm, các đơn vị sản xuất tầm 5 đến 6 chương trình nên lượng chương trình phát sóng không chỉ cung cấp cho các đài lớn như HTV và VTV mà còn phục vụ cho các đài tỉnh, điển hình là Đài Truyền hình Vĩnh Long.
Ra đời từ năm 1996, BHD là một trong những công ty tư nhân đầu tiên tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, phân phối, hợp tác sản xuất các chương trình truyền hình và điện ảnh. Khởi đầu chỉ với 10 nhân viên tại văn phòng ở Hà Nội, tới nay, BHD đã có khoảng 200 nhân viên.
Tiềm lực của BHD còn mạnh hơn khi Công ty đã xây dựng được thêm nhiều trụ sở, nhiều trang thiết bị và studio phục vụ các gameshow, chương trình truyền hình thực tế, sản xuất phim...
Sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, BHD đã trở thành cái tên quen thuộc trong giới truyền thông, giải trí và nghệ thuật. Những gameshow và chương trình truyền hình nổi tiếng mà đơn vị này đã hợp tác sản xuất với các đài truyền hình như: Tìm kiếm tài năng Việt, Vua đầu bếp, Vietnam Idol, Amazing Race...
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó tổng giám đốc Công ty BHD, chia sẻ, tuy BHD hoạt động đa ngành, có tham gia sản xuất phim, kinh doanh rạp chiếu... nhưng truyền hình vẫn luôn là mũi nhọn trong chiến lược phát triển. Đó chính là lý do đơn vị này đầu tư khá lớn trong việc tạo dựng các mối quan hệ với các đơn vị sở hữu bản quyền các chương trình nổi tiếng thế giới, điển hình như Fremantle Media.
Một clip quảng cáo có thời lượng 10 - 30 giây lên sóng các chương trình gameshow hiện nay, nhãn hàng phải bỏ ra số tiền khoảng 50 - 100 triệu đồng, thậm chí là 150 triệu đồng. Tính ra, sau hơn hai giờ phát sóng, chương trình đã có thể thu về khoảng 10 tỷ đồng (chưa trừ các phí). Trước lợi nhuận khổng lồ như trên, việc nhiều DN đầu tư vào chương trình gameshow là điều dễ hiểu.
Format: Đố ai dám hát?
"Trong bối cảnh rất cạnh tranh của truyền hình hiện nay, mua bản quyền chương trình (format) trở thành lựa chọn hàng đầu. Càng có uy tín với đơn vị sở hữu bản quyền quốc tế, càng sản xuất được nhiều chương trình tốt thì càng thuận lợi trong khâu đàm phán bản quyền", ông Đỗ Văn Bửu Điền, cố vấn chiến lược Điền Quân Media & Entertainment chia sẻ.
Lợi thế đi sau, thị trường thế giới đã có hàng chục ngàn format nổi tiếng nhưng điều này cũng là một áp lực đối với nhà sản xuất trong nước. Bởi, tìm ra một chương trình phù hợp với khán giả cũng khó như việc đem về, sản xuất và thu hút được khán giả.
Không kể các chương trình tìm kiếm tài năng đã quá nổi tiếng và phổ biến trên các đài truyền hình nước ngoài, để đảm bảo quyền lợi, thông thường, các đơn vị phân phối bản quyền truyền hình quốc tế chỉ cung cấp các thông tin cơ bản và cho phép khách hàng xem trailer cùng 1 tập hoàn chỉnh của chương trình.
Với rất ít thông tin như thế, phải có khả năng phán đoán và kinh nghiệm sản xuất dày dạn mới có thể tìm kiếm được chương trình phù hợp. "Đó là lý do nhiều nhà sản xuất nhưng ít đơn vị thành công", ông Bửu Điền nhận định.
Đơn cử trường hợp của Thách thức danh hài, phiên bản Việt hóa của Crack Them Up, đơn vị phân phối chương trình này là Somos Distribution đã mời chào vài nhà sản xuất trong nước, trong đó có Đông Tây Promotion nhưng không thành công vì cho rằng, chương trình này khó thu hút được người chơi lẫn khán giả.
Sau khi được Điền Quân Media "làm mềm" bằng ba nghệ sĩ "đinh" là Trấn Thành, Việt Hương, Đại Nghĩa thì đã thu hút được khán giả lẫn vượt trội về số lượng người chơi đăng ký tham dự. Rating khung giờ này trước đây chưa tới 4.0 nay đang tăng lên từng tuần và đã tăng lên 5.0. Lượng khán giả theo dõi chương trình trên YouTube cũng tăng lên hơn 2 triệu/tập.
Theo tiết lộ của ông Bửu Điền, giá bản quyền truyền hình một chương trình tốt hiện nay dao động ở tầm 40.000USD đến 100.000USD. Tuy nhiên, đây chỉ là con số "cứng" để được Việt hóa. Chi phí đầu tư trang thiết bị, sản xuất... và đặc biệt là chi phí chuyển giao công nghệ của các chuyên gia là những khoản chi không nhỏ.
Thông thường, chi phí cho chuyên gia của một chương trình ở tầm 20.000USD đến 40.000USD nhưng với những chương trình lớn, khoản chi phí này có thể lên đến bằng với giá trị bản quyền. Đáng lưu ý là với những đơn vị đã gây dựng được thương hiệu và mua cùng lúc nhiều chương trình thì những chi phí này lại được giảm đáng kể.
"Vấn đề đang gây khó cho những nhà sản xuất là bản quyền phát sóng ở Việt Nam vẫn bị đánh đồng với bản quyền chương trình", giám đốc một đơn vị sản xuất lớn chia sẻ. Thực tế là sau khi hoàn thành, chương trình được giao cho nhà đài thì xem như nhà sản xuất mất hẳn quyền quản lý chương trình đó.
Như vậy, sau khi phát sóng chương trình, nhà sản xuất muốn khai thác thêm, đưa vào phát sóng lại ở các đài khác cũng không thể. Điều này khiến những đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình nước ngoài khá bức xúc.
Một khó khăn khác khi tham gia thị trường là hành lang pháp lý của Việt Nam vẫn còn thiếu nên có những vấn đề bản quyền vẫn chưa thể kiểm soát được. Thêm vào đó, đơn vị tư vấn cho vấn đề sở hữu trí tuệ cũng chưa nhiều, tạo thêm khó khăn cho những đơn vị sản xuất nội dung truyền hình muốn thâm nhập vào "sân chơi" bản quyền các nước.
Tất cả đều phải dựa vào kinh nghiệm trên thương trường quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc những công ty nhỏ, mới sẽ rất khó chen chân vào thị trường này.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh đánh giá: "Tuy không có những bước tăng trưởng đột phá nhưng ngành sản xuất dịch vụ truyền hình cũng sẽ không giảm đi mà duy trì mức phát triển của hiện tại". Như vậy, nếu giữ vững "phong độ”, thị trường sản xuất chương trình truyền hình thời gian tới sẽ vẫn là những cái tên quen.
Format Việt: Bức tường bí ẩn
Không mất phí bản quyền, không phải so đo để hợp với format nước ngoài, đầu tư xây dựng những chương trình thuần Việt đang trở thành chìa khóa để các đơn vị sản xuất chương trình truyền hình mở những cánh cửa mới để đến với khán giả.
Chủ Nhật, ngày 10/5, chương trình truyền hình thực tế đầu tiên dành riêng cho nam giới Be The Man - Phái mạnh Việt lên sóng tập đầu tiên trên kênh HTV7.
Với mục tiêu đi tìm người đàn ông bản lĩnh đại diện cho phái mạnh, 10 ứng viên nổi bật nhất sẽ phải lần lượt vượt qua các thử thách cá nhân và đồng đội, đòi hỏi cả về sức mạnh, sự thông minh, khéo léo lẫn óc hài hước để tìm ra người chiến thắng chung cuộc sở hữu giải thưởng 200 triệu đồng.
Khởi động từ tháng 1/2015, trải qua các vòng tuyển chọn, 10 ứng viên nổi bật nhất được lựa chọn từ gần 1.000 ứng viên trên khắp đất nước trở thành đại diện cho nam giới tham gia sân chơi này.
Điều đáng chú ý, đây là một chương trình có format thuần Việt. Trong bối cảnh các chương trình truyền hình có format nhập khẩu đang làm chủ cuộc chơi thì cố gắng của Phái mạnh Việt là một tín hiệu đáng mừng.
"BHD đã tích lũy kinh nghiệm làm việc nhiều năm với các format nước ngoài, đã đến lúc chúng tôi thử sức với những chương trình của riêng mình", bà Ngô Thị Bích Hạnh chia sẻ. Format này được đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, Chủ tịch BHD điều hành một nhóm sáng tạo gồm 8 người thiết kế. Khác với các format nước ngoài, chương trình Thuần Việt giúp nhà sản xuất tự do hơn, không bị gò bó với các quy chuẩn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Jet Studio, cho biết, với những chương trình phục vụ một đối tượng khán giả nhất định nào đó thì format thuần Việt sẽ có lợi thế khi truyền tải được bản sắc của người bản địa.
Đơn cử như trường hợp của Sol Vàng, Tình khúc vượt thời gian hay Tiếng hát mãi xanh... tuy giới hạn trong độ tuổi khán giả trung niên nhưng vẫn được đón nhận nồng nhiệt suốt 4, 5 năm vừa qua. Rating của những chương trình này luôn ổn định ở mức cao. Không những vậy, về hiệu ứng xã hội cũng được đánh giá tốt.
Mỗi một ngày của những đợt tuyển sinh chương trình Tiếng hát mãi xanh thường thu hút hơn 1 ngàn thí sinh đăng ký. Chương trình Sol Vàng, dù được truyền hình trực tiếp trên những đài lớn như VTV9 nhưng khán giả vẫn mua vé đến tham dự. Đặc biệt, có những show Sol Vàng "cháy" vé.
Với những chương trình thuần Việt mới xuất hiện thời gian gần đây như Solo cùng Bolero, Cười xuyên Việt, Danh hài đất Việt, Diêm Vương xử án..., sự đón nhận của khán giả cũng khá ấn tượng. Lượng TVC quảng cáo trên nhưng chương trình này cũng khá cao, đảm bảo nguồn thu cho đơn vị sản xuất.
"Vì hiểu được chương trình của mình nên việc giới thiệu, chào bán quảng cáo cũng thuận lợi hơn", ông Nguyễn Thanh Phú tiết lộ. Đó chính là lý do Jet Studio vẫn sẽ trung thành với việc sản xuất những format thuần Việt. Tương tự, Đông Tây Promotion có năng lực cung cấp nội dung cho truyền hình lên đến 1.060 giờ/ năm, trong đó, tỷ lệ các chương trình thuần Việt hiện đã là 11/6 mua format nước ngoài.
Bà Bích Hạnh thừa nhận: "Cái khó của chương trình có format Việt là sự dè dặt của ban đầu nhà tài trợ. Điều này dẫn đến việc nhà sản xuất cũng khó có cam đảm đầu tư lớn".
Đáng mừng là hiện nay, khán giả vẫn khá ưu ái các format thuần Việt nên dù chật vật, những đơn vị sản xuất chương trình vẫn tìm được "bà đỡ”. Tuy khoản tài trợ thường chưa đủ để trang trải chi phí sản xuất nhưng đó được xem là động lực để đi tiếp với con đường. Tiết lộ từ BHD cho biết, trong 2015 này, BHD sẽ tiếp tục đưa ra các chương trình format Việt.
Xuất khẩu chương trình truyền hình: Đừng để tiền rơi
Cuối năm 2014, thông tin Taste of Vietnam, chương trình do chính Việt Nam sản xuất, đã được kênh AFC mua bản quyền và phát sóng khiến người làm nghề mừng thầm.
AFC (Asia Food Channel) là kênh chuyên về nội dung phong cách sống với chủ đề về nhà cửa, ẩm thực, du lịch... nổi tiếng ở các quốc gia châu Á. Việc Taste of Vietnam bán được bản quyền cho AFC chứng tỏ năng lực của nhà sản xuất trong nước với thị trường nước ngoài.
Điền Quân Media & Entertaiment, đơn vị sở hữu bản quyền chương trình này hiện đã thực hiện xong Taste of Vietnam mùa thứ hai. Chương trình truyền hình thực tế này có sự tham gia của chuyên gia ẩm thực quốc tế Robert Danhi và mùa trước đó là Martin Yan.
Trước đó, thị trường Việt Nam cũng đã có một vài chương trình được các đài truyền hình nước ngoài chú ý. Tiết lộ từ Điền Quân Media cho biết, ngay từ khi xây dựng kịch bản, chương trình đã xác định mục tiêu bán bản quyền ra nước ngoài nên trong khâu sản xuất đã có phiên bản Việt và quốc tế.
Phần kịch bản cũng có sự chấp bút của chuyên gia nước ngoài với mục đích sao cho hợp với thị hiếu khán giả một số nước. Ông Bửu Điền khẳng định: "Thái Lan đã thành công trong việc bán bản quyền truyền hình ra thế giới, tôi nghĩ, nếu đầu tư nghiêm túc, đội ngũ nhân lực tại Việt Nam đủ sức làm được điều này".
Thăm trụ sở của Điền Quân Media & Entertainment mới thấy được năng lực của công ty này. Công ty hiện có đến 300 nhân lực cơ hữu, phục vụ cho việc phủ sóng nhiều mảng nội dung từ tin tức, kinh tế - xã hội, công nghệ, văn hóa, giải trí, tài liệu, ký sự, ẩm thực cho đến phim điện ảnh và phim truyền hình...
Đặc biệt, nhóm sáng tạo của nhà sản xuất này là một đội ngũ chuyên biệt 12 thành viên, có cả thành viên người nước ngoài. Đội ngũ sáng tạo này đảm nhận nhiệm vụ thiết kế các chương trình mới.
"Chủ động về nhân lực lẫn trang thiết bị sản xuất nên Điền Quân đảm bảo kiểm soát được chất lượng của các chương trình", ông Bửu Điền tự hào. Đáng chú ý, hơn 70% nhân lực của Điền Quân thuộc thế hệ 9x và 8x. Theo ông Bửu Điền, chính sức trẻ và sự sáng tạo của đội ngũ này đã tạo nên thế mạnh cho Điền Quân Media & Entertainment.
"Sản xuất nội dung truyền hình hiện là ngành sản xuất có tăng trưởng tốt nhưng lợi nhuận đều được Điền Quân Media & Entertainment tái đầu tư vào nguồn nhân lực để phát triển những dự án dài hơi sau này, trong đó, có mục tiêu trở thành đơn vị sáng tạo, mua bán bản quyền điện ảnh, truyền hình", ông Điền xác quyết.
>>Truyền hình trả tiền: Trả thêm tiền để xem...quảng cáo!
Theo Phương Quyên - Đặng Quý Yên