Khó quản lý giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền

07/05/2015 10:21 AM | Kinh doanh

Việc Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) tiến hành xây dựng Đề án quản lý đơn giá dịch vụ truyền hình trả tiền xuất phát từ kiến nghị của hai thành viên hiệp hội là VTC và VASC (nhà cung cấp dịch vụ truyền hình MyTV) đưa ra hồi đầu năm 2014.

Vào thời điểm đó, Bộ TT&TT vừa mới cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp trên toàn quốc cho Viettel và FPT. Thị trường truyền hình đang có sự cạnh tranh giảm giá, rất mạnh do doanh nghiệp có thị phần lớn nhất là SCTV đầu tư mở rộng dịch vụ trên toàn quốc. Cộng với lo ngại tập đoàn viễn thông hùng mạnh Viettel sẽ dùng chiến lược phát triển truyền hình tương tự như cách mà Viettel chiếm lĩnh thị trường di động cách đây hơn 10 năm, chính là lý do khiến một số nhà đài kiến nghị Bộ TT&TT sớm ban hành quy định về quản lý giá sàn.

Từ các kiến nghị trên, Bộ TT&TT đã yêu cầu VNPayTV nghiên cứu để đưa ra các mức giá sàn đối với từng loại dịch vụ truyền hình trả tiền. VNPayTV đã thành lập tổ nghiên cứu để xây dựng đề án này.

Theo VNPayTV, giá sàn được xây dựng dựa trên giá thành sản phẩm, mức giá sàn là để các doanh nghiệp đảm bảo không bán dịch vụ dưới giá thành, chống việc bán phá giá chấp nhận lỗ để cạnh tranh. Việc áp dụng mức giá sàn nhằm ổn định thị trường truyền hình trả tiền ở nước ta trong giai đoạn thị trường này đang phát triển nhanh cả về nội dung chương trình và công nghệ truyền dẫn. Nếu không xây dựng được giá sàn đối với truyền hình trả tiền sẽ dễ nảy sinh những rối loạn về cạnh tranh giá cung cấp và các chuẩn mực, tiêu chí về kĩ thuật công nghệ, nội dung, chương trình.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn ICTnews mới đây, một lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cho biết, dịch vụ truyền hình không nằm trong danh mục các dịch vụ thiết yếu cần phải bình ổn giá và định giá theo quy định của Pháp lệnh về giá nên nhiều khả năng đề án này sẽ khó được thông qua.

Tại cuộc họp lần 2 của Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình hồi cuối năm 2014, nhiều ý kiến tại cuộc họp này cũng cho rằng, khác với dịch vụ viễn thông, dịch vụ truyền hình trả tiền không thuộc phạm vi danh mục các dịch vụ thiết yếu, cần phải được định giá và bình ổn giá. Do đó, dự thảo Nghị định muốn đưa ra điều khoản quản lý giá sàn, giá trần nhưng nếu vận dụng cách quản lý giá dịch vụ theo mô hình của thị trường viễn thông sẽ vướng về mặt pháp lý. Khi đó, Bộ TT&TT phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thì mới có thể ban hành được nội dung về quản lý giá cước dịch vụ truyền hình trả tiền.

Trên báo Tuổi trẻ mới đây cũng đăng ý kiến của ông Ngô Trí Long, nguyên Viện phó trưởng Viện nghiên cứu Thị trường Giá cả phân tích về vấn đề này. Theo ông Long, chỉ áp giá sàn tại một thị trường không có cạnh tranh, để bảo vệ lợi ích người dân, xã hội. Tại thị trường truyền hình trả tiền hiện nay, nếu chỉ có một người mua, nguy cơ khiến người mua đó đưa giá mức quá thấp, làm hại đến lợi ích số đông thì mới có thể áp giá sàn.

Nếu áp giá sàn khi đang có cạnh tranh sẽ góp phần hạn chế doanh nghiệp mới tham gia thị trường, các doanh nghiệp đang có thị phần lớn sẽ cùng nhau thụ hưởng mức giá họ mong đợi trong khi có doanh nghiệp sẵn sàng giảm giá để tăng doanh thu thì lại không được. Nhà nước cần khuyến khích cạnh tranh để các doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí, giảm giá cho người dùng. Nếu áp giá sàn lúc này là sai nguyên lý thị trường, không thúc đẩy cạnh tranh.

Nhưng ông Long cũng nói: "Tôi hiểu có lo ngại thị trường truyền hình trả tiền đang bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt, một số doanh nghiệp mới rất mạnh sẽ tham gia thị trường. Doanh nghiệp mới này đang lãi lớn ở lĩnh vực khác nên họ sẵn sàng chịu lỗ giai đoạn đầu, bán giá cực thấp để loại bỏ các đối thủ hiện tại. Sau khi loại hết đối thủ, họ sẽ tăng giá".

Cũng theo ông Long, việc này cần được xử lý bằng quy định chống bán phá giá, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, chứ không phải áp giá sàn để doanh nghiệp không thể bán giá thấp hơn, người dân thì phải chịu giá cao hơn.

>> Truyền hình trả tiền: Trả tiền để xem thêm quảng cáo

Theo M.Q

Cùng chuyên mục
XEM