Samsung giúp sản xuất công nghiệp của Thái Nguyên tăng hơn 5 lần

30/01/2015 09:13 AM |

Chỉ số sản xuất công nghiệp của Thái Nguyên tăng 523,5%, do nhà máy Samsung Electronic Thái Nguyên mở rộng quy mô sản xuất, bỏ xa các tỉnh phía sau là Quảng Nam (tăng 46,4%) và Bình Dương (tăng 19,4%).

Nội dung nổi bật:

- Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành giảm nhẹ ở mức 2,8%, trong khi chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2014 tăng 5,4% so với tháng trước.

- Thái Nguyên đứng đầu về chỉ số sản xuất công nghiệp, tăng hơn 5 lần nhờ Samsung Electronic Thái Nguyên mở rộng quy mô sản xuất. Mức tăng này gấp 11,3 lần mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh đứng sau là Quảng Nam.


Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành giảm 2,8%

Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Một ước tính giảm 2,8% so tháng trước, tăng cao ở mức 17,5% so với cùng kỳ năm trước do thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán năm 2014 tập trung vào tháng Một.

Trong các ngành công nghiệp cấp I, ngành khai khoáng tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,8 điểm phần trăm; ngành chế biến, chế tạo tăng khá cao ở mức 19,4%, đóng góp 12,3 điểm phần trăm; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 20,9%, đóng góp 1,2 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 9,5%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, ngành sản xuất xe có động cơ có chỉ số tăng mạnh nhất, 57,6%; các ngành có mức sản xuất tăng ít nhất là sản xuất thuốc lá (8,2%); sản xuất trang phục (6,6%); và sản xuất đồ uống (6,2%).

Về sản phẩm công nghiệp chủ yếu, nhiều sản phẩm có mức tăng khổng lồ như điện thoại di động (91,1%); ti vi (88,7); ô tô (69,6%). Ba mặt hàng có mức sản xuất giảm là đường kính (4,7%); khí hóa lỏng (10,9%); và sữa bột (18%).

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Một so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Thái Nguyên tăng 523,5%, do nhà máy Samsung Electronic Thái Nguyên mở rộng quy mô sản xuất, bỏ xa các tỉnh phía sau.

Trong khi đó, chỉ số sản xuất của Quảng Ngãi giảm 22,4%; Bắc Ninh giảm 29,2%.

Chỉ số tiêu thụ ngành điện tử đứng đầu, tăng 46%

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2014 tăng 5,4% so với tháng trước và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2014, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11% so với năm 2013.

Các ngành có chỉ số tiêu thụ năm 2014 tăng cao so với năm trước: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 46%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 23,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 16,2%. 

Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm như: Sản xuất thiết bị điện tăng 10,8%; sản xuất đồ uống tăng 6,4%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 5,5%; sản phẩm từ cao su và plastic tăng 5%; sản xuất thuốc lá giảm 9,6%.

Tại thời điểm 01/01/2015, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,6% so với cùng thời điểm năm 2014. Trong khi đó, tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 12 tháng năm 2014 là 73,8%, trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho bình quân cao: Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu 151,3%; sản xuất chế biến thực phẩm 93,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn 90,6%; sản xuất kim loại 86,8%.

Tăng mạnh sản xuất, sử dụng lao động của Thái Nguyên cũng tăng vọt

Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/01/2015 tăng 0,5% so với tháng trước; tăng 7% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,5%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 3,8% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 11,1%.

Tại thời điểm trên, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp khai khoáng giảm 4,8% so với cùng thời điểm năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,1%; công nghiệp sản xuất, phân phối điện tăng 0,7%; công nghiệp cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 3,6%.

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp tại thời điểm 01/01/2015 so với cùng thời điểm năm trước của các tỉnh, thành phố có quy mô công nghiệp lớn như sau: Thái Nguyên tăng 124,6%; Hải Dương tăng 15,6%; Bình Dương tăng 6,7%; Đồng Nai tăng 6,4%; Quảng Nam tăng 5,5%; Hải Phòng tăng 4,1%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 3,8%; Hà Nội tăng 3,3%; Vĩnh Phúc tăng 2,8%; Đà Nẵng tăng 1,5%; Cần Thơ tăng 0,4%; Bà Rịa Vũng Tàu giảm 1%; Quảng Ninh giảm 1,1%; Quảng Ngãi giảm 2%.

>> Apple 'trỗi dậy', Samsung mắc kẹt trong trận chiến smartphone

Bảo Bảo

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM