Sản xuất chương trình truyền hình thực tế: Dễ hay Khó?

23/05/2015 08:00 AM |

Khoảng 10 năm trở lại đây, các chương trình truyền hình thực tế bắt đầu du nhập vào Việt Nam nhờ sự mới lạ và hấp dẫn.

Đi sau rất nhiều so với các nước Âu Mỹ trong lĩnh vực này, nhưng nhờ sự nhanh nhạy của những công ty giải trí lớn mà nhiều format được cho là đình đám nhất thế giới đã được rinh về chiêu đãi khán giả Việt. Có thể kể đến: Cát Tiên Sa có The Voice, Bước Nhảy Hoàn Vũ, X-Facter, The Remix…; BHD có Vietnam Idol, Vietnam’s Got Talent, Master-Chef …(BHD), hay Multimedia có Vietnam’s Next Top Model, Project Runway…

Một trong những công ty đi tiên phong trong việc mang Truyền hình thực tế về Việt Nam là Đông Tây Promotion. Đây là đơn vị đã làm nên thương hiệu truyền hình thực tế với phiên bản Sao Mai Điểm Hẹn nức tiếng một thời. Đỉnh cao của Đông Tây là đưa được Idol – chương trình đình đám nhất thế giới lúc bấy giờ về Việt Nam.

Tuy nhiên, trong ngành Giải trí Truyền hình cạnh tranh khắc nghiệt, sự thiếu quyết liệt sẽ khó mà trụ vững. Ví dụ điển hình nhất chính là sự thất thời của đơn vị tiên phong Đông Tây khi có được trong tay Idol nhưng không làm hấp dẫn được khán giả vì mức độ quá an toàn và đã phải sang tay cho đơn vị truyền thông mới là BHD chỉ sau 2 mùa sản xuất.

Các chương trình truyền hình thực tế được cho là hay không chỉ là làm “sạch”, làm đúng, mà phải lạ, bất ngờ, kích thích sự tò mò, tác động sâu hơn đến cảm xúc của khán giả, thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm.

Sản xuất chương trình truyền hình thực tế không hề đơn giản và không phải đơn vị nào cũng đủ sức và đủ tầm để làm.

Yếu tố mở đường cho tiên quyết của một “Hot Reality Show” (chương trình thực tế hấp dẫn) chính là Kênh phát sóng.

Chương trình dù có hay, có đầu tư tiền của bao nhiêu mà chỉ phát ở kênh truyền hình địa phương với số lượng người xem hạn chế thì sao được biết đến rộng rãi, thu được tiền quảng cáo để bù đắp cho chi phí sản xuất?

Cũng vì lí do đó, VTV3 - kênh truyền hình quốc gia chuyên về lĩnh vực Giải Trí và Thông tin Kinh tế xưa nay vẫn luôn là cái tên đắt giá nhất mà bất cứ đơn vị truyền thông nào cũng muốn có được sóng, nhất là Khung giờ vàng từ 20h-22h các tối từ thứ 6 đến chủ nhật. Đây là thời điểm có lượng người xem đông đảo nhất trên khắp cả nước. Thực tế đến nay cũng cho thấy, chỉ có các đại gia Truyền thông như: Cát Tiên Sa, BHD, Multimedia mới khả năng để tham gia vào cuộc đua chiếm sóng cam go và khốc liệt này.

Song song với cuộc chiến giành sóng truyền hình là một cuộc đấu khác cũng quan trọng và khốc liệt không kém, đó chính là việc “Mua bản quyền chương trình”.

Đây là như một cuộc chiến mà các bên tham gia phải vô cùng cân não: Có được Format hay mới đủ sức thuyết phục nhà đài để lấy sóng tốt. Có được sóng tốt mới cân bằng được bài toán chi phí cho sản xuất cũng như chi phí mua bản quyền. Và ngược lại, làm sao để mua bản quyền thành công khi 2 hay nhiều đơn vị cùng nhắm đến 1 chương trình, quả là điều không dễ dàng.

Được biết, chi phí bản quyền cho các chương trình truyền hình thực tế là rất khác nhau tùy vào độ “hot” và quy mô mỗi chương trình, có thể từ vài chục nghìn USD cho đến vài trăm nghìn USD. Với chương trình Idol, để về được Việt Nam năm 2007, mức chi kỉ lục mà Đông Tây và Unilever đã xác nhận là 2 triệu USD.

Quá trình cân nhắc, đàm phán để mua được một Format hay với mức giá phù hợp cũng vô cùng gian nan, có thể diễn ra trong vòng vài tháng, thậm chí vài năm. Đơn vị mua bản quyền phải chứng minh được tình hình tài chính, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng cũng như kinh nghiệm sản xuất thì mới được phía đối tác đồng ý bán bản quyền. Trong quá trình sản xuất sẽ luôn có sự giám sát của bên bán để đảm bảo tính thống nhất của Format.

Một yếu tố không kém phần quan trọng bên cạnh kịch bản, format hay kênh phát sóng, đó là giám khảo hay người trực tiếp tham gia chương trình. Giám khảo hay khách mời càng nổi tiếng, chương trình càng dễ lan tỏa và gây chú ý. Tất nhiên, giá phải trả cho những chiếc ghế nóng hay cho sự xuất hiện của những nhân vật hạng sao thì chưa bao giờ hạ nhiệt.

Trong kinh doanh thì lợi nhuận vẫn là quan trọng nhất. Format hay, nội dung hấp dẫn, người tham gia nổi tiếng, đôi khi là cả scandal đằng sau chương trình, đều nhằm mục đích chính là tăng rating (chỉ số người xem truyền hình) cho chương trình. Số lượng và sự quan tâm của khán giả sẽ quyết định giá quảng cáo lên hay xuống. Từ đó cũng gián tiếp quyết định sự sống còn của mỗi chương trình.

Thông thường, nhà sản xuất sẽ phải cam kết trả về cho đài một khoản tiền nhất định cho mỗi tập phát sóng: từ vài trăm triệu cho đến hàng tỉ đồng tùy chương trình. Bù lại, đơn vị sản xuất cũng sẽ được nhà đài ưu tiên cho một khoảng thời lượng quảng cáo khi chương trình diễn ra dành cho các nhãn hàng của đơn vị tài trợ.

Nếu nhu cầu quảng cáo vượt trội so với dự định ban đầu nhờ vào sức hút của chương trình thì lúc đó tỉ lệ ăn chia được áp dụng có thể là 50-50 hoặc khác theo thỏa thuận giữa hai bên. Ngược lại, nếu chương trình kém hấp dẫn và không bán được quảng cáo thì chắc chắn đơn vị sản xuất là bên phải chịu lỗ.

Mức giá quảng cáo trung bình cho các show truyền hình thực tế ăn khách hiện nay rơi vào khoảng 80-280 triệu đồng/TVC 30 giây hoặc có thể còn hơn tùy vào độ “hot” của chương trình cũng như mức độ đầu tư của nhà sản xuất. (Ví dụ như Chương trình Gương Mặt Thân Quen 2015 hiện đang đạt mức 300 triệu đồng/ TVC 30s). Với mức giá như vậy thì không phải nhãn hàng nào cũng có đủ tiềm lực tài chính để “book” quảng cáo trong những chương trình hot, thường là những thương hiệu lớn, dồi dào nguồn tiền cho marketing, PR quảng cáo.

Chương trình Gương Mặt Thân Quen do công ty Sóng Vàng sản xuất được đông đảo khán giả quan tâm theo dõi và hiện đang đạt mức quảng cáo 300 triệu đống/TVC 30s

Chương trình Gương Mặt Thân Quen do công ty Sóng Vàng sản xuất được đông đảo khán giả quan tâm theo dõi, hiện đạt mức quảng cáo 300 triệu đống/TVC 30s

Thêm một bài toán khó đặt ra cho các nhà sản xuất trước và trong khi sản xuất đó là tìm kiếm nguồn khách hàng tài trợ chương trình. Giai đoạn này đôi khi cũng lại là những cuộc đối đầu giữa các bên nếu các chương trình có sự tương đồng hoặc cùng tương thích với nhà tài trợ nào đó mà họ cùng nhắm tới. Lúc này, các yếu tố về format, kênh phát sóng, giờ phát sóng, Khách mời, Sự sáng tạo trong biên tập nội dung, sự phù hợp với nhãn hàng tài trợ…sẽ là những yếu tố hơn thua giúp nhà tài trợ quyết định hợp tác với đơn vị sản xuất nào.

Có thể thấy, sản xuất các chương trình truyền hình thực tế chưa bao giờ đơn giản nhưng đây vẫn được coi là “mảnh đất vàng” mà các công ty truyền thông lớn, nhỏ đua nhau khai thác. Trong cuộc chơi này, tiềm lực về kinh tế là vô cùng quan trọng. Có tiền chưa chắc đã làm tốt, nhưng không có tiền thì chắc chắn không thể thành công.

Hiền Giang

Cùng chuyên mục
XEM