Putin ép giới giàu Nga chuyển tiền về nước

21/01/2015 10:24 AM |

Theo hãng tin Bloomberg, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang gây sức ép ngày càng lớn buộc những công dân giàu nhất của nước này phải chuyển tài sản ở nước ngoài về nước.

Đây được xem là một nỗ lực của người đứng đầu điện Kremlin nhằm đối phó với sự mất giá chóng mặt của đồng Rúp và tác động từ lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo quy định thuế mới trở thành luật sau một sắc lệnh của Tổng thống vào tháng 11 vừa qua, từ năm 2015, công dân Nga sẽ phải nộp mức thuế 13% đối với các khoản thu nhập từ các công ty hay quỹ ủy thác ở nước ngoài do họ kiểm soát. Trong trường hợp nhà chức trách xác định thực thể nắm giữ tài sản ở nước ngoài của công dân Nga không có số lượng nhân viên hay tài sản tới mức quan trọng, thì thuế suất áp dụng tăng lên 20%.

“Nhiều chủ sở hữu đã bắt đầu chuyển tài sản về Nga”, ông Artem Toropov, một luật sư về thuế ở Moscow, cho biết. “Việc để tài sản ở nước ngoài hiện nay có thể đem đến nhiều rủi ro về thuế hơn là lợi ích, dù trong nhiều trước hợp đó vẫn là cách tốt hơn để bảo vệ tài sản”.

Ước tính, số tài sản mà giới doanh nhân và quan chức Nga cất ở các “thiên đường thuế” từ đảo Cyprus tới Thụy Sỹ lên tới 1.000 tỷ USD. Trong khi đó, nền kinh tế Nga hiện đang chật vật với đổng Rúp mất giá chóng mặt, giá dầu sụt sâu, và lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Hôm 19/12, USM Holdings - một công ty đăng ký kinh doanh ở British Virgin Islands do tỷ phú Nga Alisher Usmanov đồng sở hữu - tuyên bố đã chuyển cổ phần kiểm soát trong công ty viễn thông MegaFon và công ty quặng thép Metalloninvest về Nga. Usmanov là người giàu thứ nhì ở Nga với giá trị tài sản ròng 14 tỷ USD.

Cùng ngày, Vladimir Litvinenko, một nhân vật thân cận với ông Putin, tuyên bố chuyển cổ phần 4,81% trong hãng phân bón PhosAgo từ nước ngoài về Nga.

Vào tuần trước, các chủ sở hữu của sân bay Moscow Vnukovo cũng đã chuyển cổ phần 81% từ hai công ty ở Cyprus về Nga.

Những vụ chuyển tài sản này đang giúp đảo ngược một phần dòng tài sản chạy từ Nga ra nước ngoài trong 20 năm qua. Theo dữ liệu của Bloomberg, tất cả 20 người giàu nhất Nga đều có một phần tài sản cất ở nước ngoài. Các tỷ phú này nắm tổng cộng 181 tỷ USD tài sản ròng.

Tuy vậy, theo ông Alexander Lebedev, một doanh nhân Nga hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, cho rằng, việc đánh thuế cao vào tài sản của người Nga ở nước ngoài sẽ không giúp Moscow tăng thu ngân sách đáng kể. “Các doanh nhân Nga để tài sản ở nước ngoài chủ yếu nhằm tránh tình trạng tham nhũng hoặc các vụ thâu tóm ngoài ý muốn. Luật ở Nga rất yếu. Vấn đề khiến họ lo ngại không phải là thuế mà là quy định pháp luật”, ông Lebedev nói.

Ông Boris Mints, chủ công ty đầu tư bất động sản thương mại O1 Properties, thì nói rằng, luật mới làm ông thấy khó hiểu. Doanh nhân này cho rằng, luật mới về thuế mà Moscow đưa ra xung đột với luật của một số nước châu Âu. Ông Mints cũng hy vọng quy định này sẽ được điều chỉnh.

Một số nhà tài phiệt Nga có thể sẵn sàng đưa tài sản từ nước ngoài về nước để thể hiện lòng trung thành với Tổng thống Putin và cũng để đảm bảo giành được hợp đồng với Chính phủ Nga. Tuy vậy, theo các chuyên gia, những người giàu Nga có tài sản từ 100-200 triệu USD vẫn sẽ muốn cất tiền ở nước ngoài để bảo vệ tài sản của mình.

Số người Nga muốn đổi nơi cư trú để tránh phải tiết lộ tài sản ở nước ngoài đang ngày càng tăng, trong đó, những đích đến phổ biến nhất là Anh và Thụy Sỹ.

“Các tỷ phú có tài sản lớn sẵn sàng chuyển tài sản về Nga bởi họ có một dạng bảo lãnh nào đó rằng tài sản của họ sẽ an toàn. Những người có số tài sản ít hơn và yếu thế hơn, hoặc không có quan hệ với điện Kremlin sẽ vẫn phải tìm cách để giấu tiền ở nước ngoài như trước đây”, ông Alexander Zakharov thuộc công ty tư vấn Paragon có trụ sở ở Moscow phát biểu.

>> Ông Putin: Tôi đang đi đúng hướng, người sai là phương Tây

Theo Diệp Vũ

Cùng chuyên mục
XEM