Phụ nữ Nhật: Kết hôn và sinh con chẳng khác nào tự sát
Đối với nhiều phụ nữ Nhật hiện đại, kết hôn và sinh con chẳng khác nào tự sát; và với xu thế này, sau 40 năm nữa, 40 triệu người Nhật sẽ biến mất.
CafeBiz xin giới thiệu bài viết "Phụ nữ Nhật: Kết hôn và sinh con chẳng khác nào tự sát" của tác giả Ngọc Diệp.
Hệ thống chuẩn mực đã tồn tại và quy định nếp sống, sinh hoạt của xã hội Nhật nhiều năm qua, mang lại cho nước Nhật nhiều thành công nhưng cũng chẳng ít mặt trái. Bằng những quan sát, ghi nhận thực tế và nghiên cứu tỉ mỉ của tác giả, CafeBiz hi vọng bài viết này sẽ giúp độc giả hiểu hơn phần nào về góc khuất của xã hội Nhật Bản đương đại.
Tác giả Ngọc Diệp hiện đang học Thạc sĩ ngành Quan hệ Quốc tế tại Nhật Bản.
Mời quý độc giả đón đọc.
Tốt nghiệp đại học ở Mỹ, với trình độ tiếng Anh tốt hơn nhiều so với phần đông người Nhật, Kiyoko trở về Nhật và không quá khó khăn để kiếm được việc làm tốt ở Đài truyền hình NHK. Sau khoảng thời gian làm việc khá áp lực, cô quyết định chuyển sang Toyota.
Năm nay đã 33 tuổi, khi được hỏi về hôn nhân, cô hỏi ngược lại: Tại sao phải kết hôn khi cuộc sống của tôi đang quá hoàn hảo? Hết giờ làm, tôi đi mua sắm, đi ăn tối với bạn bè, nghe hòa nhạc. Kết hôn đồng nghĩa với các thú vui trên chấm dứt, bạn phải ngửa tay xin đàn ông từng đồng, bạn phải ràng buộc số phận mình vào một người đàn ông mà bạn cũng chẳng biết có tốt với bạn hay không.
Tại một trường đại học ở Niigata, dù năm nay đã 44 tuổi nhưng Mariko vẫn chưa biết khi nào sẽ là ngày cưới của mình. Dù đã có bạn trai, nhưng cô vẫn luôn đặt câu hỏi rồi mình sẽ thế nào nếu kết hôn? Bố mẹ cô đã mệt mỏi với việc thuyết phục cô kết hôn, mỗi lần về thăm nhà đối với cô chỉ là những câu hỏi gượng gạo. Bố mẹ luôn cố gắng nghe ngóng, chờ đợi từng cuộc điện thoại của cô với bạn bè để chờ một tín hiệu kết hôn, cô hiểu điều đó, nhưng để thay đổi tất cả cuộc sống độc lập cô đang có, không phải dễ dàng.
10 năm học hành ở Mỹ và châu Âu với 2 bằng tiến sỹ, sự nghiệp của cô đang là niềm mơ ước của bao phụ nữ Nhật. Chấm dứt tất cả để ở nhà làm bà nội trợ chăm con, đâu có dễ. Cùng trường của cô, kể cả nam và nữ, số lượng giáo sư không lập gia đình chiếm quá nửa.
Những buổi tối đi dạo dọc các con phố sôi động, sầm uất của Tokyo, người ta dễ dàng nhận thấy số lượng những người phụ nữ trẻ dắt chó đi dạo nhiều hơn hẳn so với những phụ nữ đẩy xe nôi. Trên khắp nước Nhật, sẽ ngày một khó khăn hơn nếu người ta mong có cơ hội được chứng kiến khoa sản đông đúc kín chật người. Còn ở nhiều trường mẫu giáo ở Nhật, số lượng phòng học trống đang tăng lên.
Tỷ lệ sinh tại Nhật hiện đang ở mức 1,39, thấp nhất trên thế giới. Từ đầu thập niên 1990, dù chính phủ đã cố gắng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ sinh con, thông qua việc kéo dài thời gian nghỉ sinh cho phụ nữ; hỗ trợ tài chính; giảm số ngày và giờ làm việc cho phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, lập nên các trung tâm hỗ trợ nuôi dạy trẻ em trên khắp nước Nhật. Thậm chí có nhiều chính trị gia còn tính đến việc cấm phá thai hay bao cấp tiền nuôi con cho các bà mẹ trong khoảng thời gian nhất định.
Bất chấp tất cả những nỗ lực trên, năm 2003, tỷ lệ sinh của Nhật rớt xuống mức thấp kỷ luc 1,29. Từ năm 2005, dân số Nhật bắt đầu giảm liên tục cho đến nay. Các chuyên gia ước tính dân số Nhật từ mức 128 triệu vào năm 2010 sẽ giảm xuống chỉ còn 101 triệu vào năm 2030, đến năm 2048 dân số Nhật sẽ chỉ con 99,13 triệu.
Và đến năm 2060, dân số chỉ còn 86 triệu. Ai đó có thể tưởng tượng được sau khoảng 40 năm nữa, 40 triệu người Nhật sẽ biến mất? Và nếu xu thế này không thể được cải thiện một cách đáng kể, 50 năm nữa, dân số Nhật sẽ chỉ tương đương thời điểm năm 1953, tức là cách đây tới 60 năm.
Một nước Nhật bừng tỉnh
Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc, nước Nhật bước theo mô hình phát triển của phương Tây. 3 thập kỷ phát triển thần kỳ rồi tiếp đó dù phải trải qua đến 3 thập kỷ khó khăn và bước vào giai đoạn được coi là mất mát, nhưng Nhật vẫn đứng đầu thế giới về nhiều mặt. Dù vậy, ngay cả những giai đoạn kinh tế phát triển thịnh vương, phụ nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi.
Cuộc sống của phụ nữ Nhật cho đến trước thập niên 1970 khi kinh tế dịch vụ và thông tin phát triển mạnh mẽ, phụ nữ buộc phải kết hôn mới có thể tồn tại được, kể cả về tinh thần và vật chất. Các kỹ năng, kiến thức mà phụ nữ được học, được dạy dỗ ở Nhật chỉ để phục vụ cho việc chăm con, chiều chồng. Có lẽ vì lý do này mà ở Việt Nam từng tồn tại câu nói: “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật”. Bằng việc kết hôn, phụ nữ chuyển họ theo chồng, được đảm bảo về tương lai kinh tế cũng như được xã hội thừa nhận.
Nếu người phụ nữ có đi làm, họ cũng chỉ được phân công làm những việc “pha trà rót nước”, kiếm một tấm chồng và nghỉ việc chăm con. Một thời gian dài, nhiều cô gái cố gắng học hành để vào được một công ty tử tế, nơi họ có thể tìm được những người chồng lương cao, đảm bảo được tương lai cho họ, kết hôn với anh ta, và cứ thế yên tâm ở nhà chăm con bằng lương của người chồng. Ngay cả nếu họ có muốn thay đổi, xã hội cũng không tạo cơ hội. 30 năm sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, độ tuổi kết hôn lần đầu của phụ nữ Nhật vẫn ở mức 24,5. Phụ nữ ngoài 25 tuổi vẫn chưa kết hôn có thể coi như gái ế, điều hết sức xấu hổ đối với chính bản thân cô gái đó và gia đình.
Khi thành công về kinh tế mang đến cho xã hội cuộc sống vật chất dư dả hơn, cơ cấu nền kinh tế thay đổi theo hướng dịch vụ mang đến thêm nhiều việc làm cho phụ nữ hơn, từ cuối thập niên 1970 cho đến thập niên 1980, xã hội Nhật bừng tỉnh. Văn hóa phương Tây thâm nhập vào Nhật qua phim ảnh, âm nhạc cũng thay đổi cách suy nghĩ của phụ nữ Nhật. Đầu thập niên 1990, các công ty nước ngoài tại Nhật trở nên phấn khích hơn bao giờ hết, họ đua nhau mở thêm cửa hàng cửa hiệu phục vụ nữ khách hàng, họ mở thêm chi nhánh nhà máy ở Nhật khi họ được tiếp cận với nguồn nhân lực phụ nữ chăm chỉ làm việc, ít đòi hỏi hơn người lao động nam.
Từ vị thế phải bám lấy một người đàn ông và đặt cược toàn bộ cuộc đời của mình vào một người đàn ông, nay phụ nữ Nhật có việc làm, có tiền, có vị thế để quyết định cuộc đời mình. Lương cao hơn, chi phí đi lại rẻ hơn, phụ nữ Nhật có tiền đi du lịch hoặc ra nước ngoài học. Chứng kiến cuộc sống độc lập của phụ nữ phương Tây, phụ nữ Nhật tự hỏi tại sao họ phải lập gia đình, cuộc sống độc thân giàu có không vướng bận chẳng phải tuyệt vời hơn rất nhiều hay sao?
Từ chỗ 25 tuổi bị coi là gái ế, chẳng ai muốn lấy, thì đến nay, kết quả của một số cuộc điều tra xã hội học cho thấy chỉ 11% phụ nữ Nhật cho rằng kết hôn mang lại lợi ích về tinh thần và vật chất. Rieko Suzuki, hiện đang là nhà nghiên cứu tại viện Dentsu hàng đầu tại Nhật, đồng thời là tác giả của hàng chục cuốn sách phân tích về tình trạng tỷ lệ sinh suy giảm tồi tệ tại Nhật, khẳng định: “Một người phụ nữ thông minh sẽ không kết hôn để được hưởng cuộc sống hoàn hảo.”
Độ tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ Nhật hiện tăng lên mức 27,5. Năm 2000, 54% phụ nữ trong độ tuổi 25 đến 29 chưa bao giờ mặc áo cô dâu, con số đã tăng 54% so với thập niên 1980. Số lượng phụ nữ chưa bao giờ kết hôn tăng chóng mặt với tốc độ 2 con số qua từng năm. Số lượng phụ nữ Nhật ở tuổi 50 mà chưa bao giờ kết hôn tăng gấp đôi trong 40 năm qua.
Nếu như ở phương Tây và nhiều nước châu Á, phụ nữ được khuyên nên sinh đứa con đầu lòng trước tuổi 30 để ngăn khả năng ung thư vú, đảm bảo sức khỏe bà mẹ trẻ em thì ở Nhật suốt 2 thập kỷ nay, phụ nữ cho biết họ chẳng bao giờ nghe thấy lời khuyên nào như vậy. Bởi có lẽ chính phủ lo nếu phụ nữ ý thức rõ hơn về điều đó, họ sẽ còn ngại sinh con hơn nữa.
Một xã hội kiểu Mỹ sẽ phát triển trên đất Nhật?
Dự báo về xã hội Nhật năm 2060 sẽ thực sự gây sốc với nhiều người. Một xã hội với số dân ngày càng giảm, chẳng có nhiều lý do để lạc quan. Cấu trúc xã hội Nhật năm 2060 được dự báo như sau: 40% người già và 10% trẻ em từ 0 đến 14 tuổi, 50% dân số ở trong độ tuổi lao động và sinh đẻ. Có nghĩa là 1 người làm sẽ để nuôi 1 người. Hiện nay 65% người Nhật đang lao động để nuôi 35% còn lại mà hệ thống an sinh xã hội còn rất chật vật, không thể tưởng tượng hệ thống an sinh, quỹ bảo hiểm xã hội và nợ công sẽ diễn biến theo hướng nào khi nửa dân số làm để nuôi nửa còn lại.
Nếu không thể cải thiện được tình trạng tỷ lệ sinh quá thấp, chính phủ Nhật sẽ chỉ còn cách phát triển xã hội theo mô hình Mỹ, có nghĩa khuyến khích nhập cư thật nhiều để đảm bảo lực lượng lao động cho xã hội. Đầu tháng 6 này, chính phủ Nhật đã quyết định thay đổi Luật Nhập cư để thu hút thêm lao động cho xã hội Nhật. Theo đó những người có việc làm ổn định đóng thuế ở Nhật từ 3 năm trở lên sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn để cư trú vĩnh viễn ở Nhật.
Nhưng Nhật khác Mỹ, nước Mỹ hàng trăm năm qua đã quen với việc khuyến khích lao động nhập cư, các ông chủ đã quen với việc làm việc với người lao động đến từ nhiều quốc gia, tôn giáo khác nhau. Xã hội Nhật sau nhiều thập kỷ công nghiệp hóa cho đến tận thời điểm hiện tại còn rất cứng nhắc và không tạo cơ hội công bằng cho lao động nhập cư. Hơn nữa ngôn ngữ cũng là rào cản lớn, tiếng Nhật khó học và khó sử dụng hơn tiếng Anh rất nhiều.
Nội tại nước Nhật, với nhiều phụ nữ có điều kiện kinh tế, dù họ chấp nhận sinh con, nhưng họ đang từ chối xã hội Nhật.
Đối với họ, xã hội Nhật quá cứng nhắc, nguyên tắc và đắt đỏ để con họ có cuộc sống tốt đẹp ở nơi này, nước Úc đang là điểm đến được nhiều bà mẹ Nhật lựa chọn. Dù vậy, số phụ nữ chọn không sinh con mới đáng để lo lắng nhất, Kiyoko tuyên bố: “Ở Nhật, chi phí cuộc sống học tập cho trẻ con quá đắt đỏ, hơn nữa khi có con, bạn không thể tiếp tục làm việc. Xã hội Nhật hơn nữa còn đánh giá người phụ nữ quá nhiều qua thành tích nuôi dậy con của cô ta. Sống thể khổ quá, tôi thà mua thêm vài cái túi Hermes bổ sung vào bộ sưu tập của mình còn hơn sống vất vả khốn khổ để nuôi một đứa trẻ để nó vào được đại học Tokyo, trường danh tiếng nhất tại Nhật.”
>> Những người đứng bên lề xã hội Nhật
Ngọc Diệp