Petrolimex lý giải chuyện thu lãi của các doanh nghiệp đầu mối
Lãnh đạo Tập đoàn Petrolimex thừa nhận, tỷ lệ giảm giá xăng dầu trong nước và thế giới trong lần điều chỉnh gần nhất là ngày 7-11 chưa có sự cùng nhịp.
Làm rõ những hoài nghi từ dư luận xã hội về chuyện các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đang thu lãi gần 1.000 đồng/lít, kg và lý giải nguyên nhân giá xăng dầu trong nước chậm giảm, cũng như giảm không đồng nhịp với giá xăng dầu thế giới, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), ông Trần Ngọc Năm cho biết, lợi nhuận thực tế của Petrolimex hiện chỉ đạt 67 đồng/lít, kg và việc chậm giảm giá xăng dầu phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Trong đó, một phần do độ trễ của việc chuyển giao thực hiện giữa Nghị định 84/NĐ-CP sang Nghị định 83/NĐ-CP của Chính phủ về các quy định kinh doanh xăng dầu.
Ông Năm cũng thừa nhận, tỷ lệ giảm giá xăng dầu trong nước và thế giới trong lần điều chỉnh gần nhất là ngày 7-11 chưa có sự cùng nhịp hay đồng biến. Tuy nhiên, cần đánh giá tới các yếu tố tác động đến cơ cấu giá thành của mặt hàng xăng dầu như các loại thuế, phí và các khoản trích lập quỹ bình ổn giá … mà doanh nghiệp đang phải thực hiện theo quy định pháp luật.
Có nhiều thời điểm, khi giá xăng dầu thế giới tăng, Liên bộ Công Thương – Tài chính đã phải giảm tỷ lệ trích quỹ bình ổn hoặc tăng mức chi quỹ bình ổn… như một công cụ để điều hành và ổn định thị trường xăng dầu. Ngoài ra, khi xác lập giá cơ sở để điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước thì Liên bộ Công Thương – Tài chính có thể không tính hoặc chỉ tính một phần lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp.
“Về lý thuyết, doanh nghiệp được hưởng lợi nhuận định mức 300 đồng/lít xăng dầu. Trong trường hợp giá xăng dầu thế giới rơi nhanh quá, và doanh nghiệp phải dự trữ lưu thông, tồn kho cao thì khoản lỗ từ tồn kho rất khó có khả năng bù đắp bằng lợi nhuận định mức”, ông Năm lý giải thêm.
Ông Lưu Văn Tuyển, Kế toán trưởng của Tập đoàn Petrolimex cho biết, tính đến hết quý III năm nay tổng doanh thu hợp nhất của tất cả các đơn vị thành viên Petrolimex hoạt động tại Việt Nam và nước ngoài, trên các lĩnh vực như xăng dầu, gas, dầu mỡ nhờn, vận tải, thiết kế, cơ khí, xây lắp và bảo hiểm…. đạt gần 159.000 tỷ đồng, bằng 109% so với cùng kỳ năm 2013 và 79% kế hoạch năm 2014; tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 1.418 tỷ đồng, bằng 90% so với cùng kỳ năm 2013 và 71% kế hoạch năm 2014.
>> Petrolimex lãi hơn 400 tỷ đồng từ kinh doanh xăng dầu
Theo Thạch Huê