Xăng Việt Nam đắt hơn Mỹ: Chủ tịch Petrolimex không thấy bất thường
Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex khẳng định, việc giá xăng tăng trong thời gian qua, giữ mức giá đắt hơn Mỹ là không bất thường.
20h ngày 23/6 vừa qua, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex đã thông báo, giá xăng tăng 330 đồng, tương đương 25.230 đồng một lít RON 92 và 25.730 đồng một lít RON 95 (ở vùng một). Với các địa bàn xa trung tâm, cảng biển (vùng hai), xăng RON 92 và 95 lần lượt là 25.730 và 26.240 đồng một lít.
Đây là lần thứ 4 giá bán lẻ xăng dầu tăng mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. Giá xăng lên mức cao nhất vượt cả đỉnh điểm của ngày 28/3/2013 khi đó giá xăng Ron 92 là 24.550đ. Nếu so sánh với mức giá xăng dầu tại Mỹ - nước có mức thu nhập cao hơn Việt Nam (2011) lên tới 31,7 lần thì giá xăng dầu của Việt Nam còn đắt hơn cả Mỹ đến 4.400đ/lít.
Ngày 2/7, trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, việc giá xăng Việt Nam tăng trong thời gian vừa qua, giữ mức giá đắt hơn Mỹ là "không có gì bất thường".
"Đây là việc cơ quan quản lý nhà nước làm, không phải do doanh nghiệp quyết định và tính toán cũng có công thức được quy định tại Nghị định 84 về Kinh doanh xăng dầu", ông Bùi Ngọc Bảo nói.
Ông Bùi Ngọc Bảo cũng chia sẻ thêm rằng, bản thân ông cũng không biết giá xăng dầu của Mỹ là bao nhiêu.
Theo thống kê, tập đoàn xăng dầu (Petrolimex) đang chiếm hơn 50% thị phần cùng với PV Oil, Saigon Petro, ba đơn vị này chiếm trên 80% thị phần trong cả nước.
Hiện, dự thảo Nghị định mới nhất nhằm thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy định của Dự thảo, các doanh nghiệp xăng dầu sẽ được quyền tăng giá trong phạm vi 3%, khi các yếu tố đầu vào cấu thành giá cơ sở (gồm giá thế giới cộng thuế, phí, quỹ bình ổn...) tăng 3% so với giá bán lẻ hiện hành (dự thảo trước đó là 2%).
Nếu giá cơ sở tăng từ trên 3% - 7%, doanh nghiệp phải gửi văn bản kê khai giá đến liên bộ Tài chính - Công Thương 2 ngày trước khi tăng giá.
Nếu không nhận được trả lời của liên bộ, doanh nghiệp được quyền quyết định việc tăng giá đến 3%. Còn sau 5 ngày, kể từ khi doanh nghiệp tăng giá, cơ quan nhà nước không điều chỉnh giá, doanh nghiệp được phép tăng nốt phần còn lại.
Trong trường hợp giá cơ sở tăng trên 7%, hoặc giá tăng làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân, Thủ tướng sẽ quyết định biện pháp bình ổn giá.
>> Giá xăng tăng ở mức chấp nhận được!