Ông Andy Ho: Bây giờ là thời điểm cực tốt để đầu tư chứng khoán

20/08/2015 08:45 AM |

Những NĐT đang đầu tư rất sợ Việt Nam phá giá sau khi Trung Quốc phá giá, họ đã rút tiền về. Những NĐT chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam lại rất từ từ, chờ đợi và nghe ngóng các động thái tiếp theo từ cơ quan quản lý. Chính vì tiền đi ra mà không đi vào khiến cho TTCK đi xuống.

Sáng 19/8, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ quyết định nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1%, từ 21.167 đồng/USD lên 21.890 đồng/USD. Đồng thời biên độ tỷ giá được nới lên +/-3% thay vì mức +/-2%. Trước đó 1 tuần, NHNN đã nới biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2%.

Như vậy, từ đầu năm tới nay, tỷ giá đã được điều chỉnh 3 lần với tổng cộng 3% và biên độ tỷ giá cũng được nới lên 2 lần, từ 1% lên 3%. So với đầu năm, tỷ giá trần áp dụng cho các ngân hàng thương mại đã tăng gần 5%.

Trước diễn biến mới này, ông Andy Ho - Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư của tập đoàn VinaCapital đã chia sẻ một số quan điểm với chúng tôi.

* Thưa ông, trước động thái nâng tỷ giá VND/USD liên tục của Ngân hàng nhà nước trong những ngày qua, ông có nhận xét gì không?

Ông Andy Ho: Chúng tôi đã nói đến vấn đề này mấy tháng trước rồi. Việc những nước xung quanh phá giá đồng nội tệ sẽ tạo áp lực phá giá tiền đồng rất lớn cho Việt Nam nếu Việt Nam muốn cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu.

Trước đây, NHNN công bố chỉ phá giá tối đa 2% thôi và tỷ giá cũng tương đối ổn định từ sau khi NHNN phá giá tiền đồng lần thứ 2 vào tháng 5 năm 2015.

Nhưng mới đây, khi Trung Quốc phá giá đồng nội tệ hơn 3%, áp lực rất lớn đã khiến Việt Nam phải điều chỉnh theo. Điều này cũng bình thường, tôi không cho rằng đó là tệ hay xấu gì cả, vì Việt Nam phải tiếp tục cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu.

Tại sao Trung Quốc lại là trường hợp đặc biệt đối với Việt Nam như vậy?

Vì chênh lệch giữa lượng hàng mà Việt Nam nhập từ Trung Quốc so với hàng mà Việt Nam xuất khẩu vào nước này tính riêng năm ngoái đã xấp xỉ 30 tỷ USD.

Riêng 6 tháng đầu năm nay, chênh lệch đó vào khoảng 16 -17 tỷ USD.

Nếu Trung Quốc phá giá tầm 3,5% - 4% thì khả năng lớn là mình sẽ nhập vào nhiều hơn nữa và mình xuất đi ít hơn nữa, làm giảm sự cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Tôi nghĩ đó là một trong những nguyên nhân tạo áp lực lên việc phá giá VND.

* Ông thấy việc phá giá tiền đồng có những mặt tích cực như thế nào?

Việc này có điểm tốt và cũng có điểm xấu. Điểm tốt là lạm phát của Việt Nam sẽ tiếp tục ở mức độ thấp. Tại sao Trung Quốc phá giá đồng NDT? Vì mức tăng trưởng của nước này đã giảm đi nhiều so với năm ngoái, khả năng dưới 7% là rõ ràng.

Khi Trung Quốc tăng trưởng yếu, nhu cầu nguyên vật liệu trên thế giới (như thép, than, dầu) sẽ giảm đi và giá sẽ mềm đi. Thế thì Việt Nam cũng được hưởng lợi vì mình cũng nhập hàng hóa này để sản xuất.

Khi Trung Quốc giảm tăng trưởng, một số nhà máy vẫn phải tiếp tục sản xuất để giữ công việc cho cán bộ công nhân viên. Nhưng họ bán hàng đi đâu khi nhu cầu nội địa giảm? Phải bán sang nước láng giềng và bán với giá thấp hơn.

Những điều đó giúp cho chúng ta giữ được mức lạm phát thấp.

Tiền của họ mất giá 3,5 – 4% so với USD thì hàng của họ khi vào Việt Nam cũng sẽ giảm đi từ 3- 4%. Đó là điều tốt cho thị trường Việt Nam.

* Vậy còn mặt hạn chế?

Theo tôi, điểm không tốt là đặt một số doanh nghiệp Việt Nam vào sự cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc ở khắp mọi nơi.

Thép nhập từ Trung Quốc sẽ rẻ hơn tạo ra sự cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước. Với những ngành xuất khẩu, ở các thị trường khác, hàng Việt lại tiếp tục phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Còn tại thị trường Trung Quốc, hàng Việt lại cạnh tranh với hàng nội địa của nước này.

Chính vì vậy, phá giá giúp cho sự cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam tăng lên.

Đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam. Đây là vấn đề toàn cầu và xuất phát từ Nhật. Ngay từ năm trước, đồng Yên đã mất giá 30%, ai cũng phải chạy theo hết vì đó là nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới.

Trong khi đó, kinh tế Mỹ không phục hồi cùng cảnh báo sẽ tăng lãi suất khiến cho đồng USD mạnh lên và đồng tiền của các nước khác sẽ yếu đi. Những nước có đồng tiền yếu nhanh hơn thì sự cạnh tranh của họ sẽ cao hơn.

* Tiếp xúc với NĐT nước ngoài nhiều, ông cho rằng động thái của nhà đầu tư nước ngoài sẽ diễn biến ra sao?

Rõ ràng TTCK của Việt Nam đã giảm rất nhiều từ ngày Trung Quốc phá giá. Nhà đầu tư nước ngoài có 2 nhóm. Một là đã đầu tư rồi, hai là chuẩn bị đầu tư. Những nhà đầu tư đã đầu tư rồi thì rất sợ Việt Nam phá giá sau khi Trung Quốc phá giá, họ đã rút tiền về. Họ đã bán hàng hóa trên sàn khiến thị trường chứng khoán sụt giảm.

Đồng thời,những nhà đầu tư chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam lại rất từ từ, chờ đợi và nghe ngóng các động thái tiếp theo từ cơ quan quản lý. Chính vì tiền đi ra mà không đi vào khiến cho thị trường đi xuống.

Nhưng từ 640 điểm rơi xuống còn 577 điểm, tức gần 10% - mức giảm hơi quá đáng vì tính sơ sơ, Trung Quốc phá giá 3,5%, Việt Nam phá giá 5%... thì sao chứng khoán mất giá nhiều vậy?

Tôi cho rằng bây giờ là thời điểm cực tốt cho nhà đầu tư Việt Nam đầu tư. Tại vì sao? Người Việt Nam khi thấy tiền đồng yếu so với USD thì đi mua USD, mua vàng, mua bất động sản. Tại sao không mua chứng khoán? So với các kênh khác, chứng khoán có thanh khoản rất lớn. Trong khi vàng và USD phụ thuộc nhiều yếu tố. Trung Quốc bán ra một ngày là sập giá vàng. USD chỉ chơi chênh lệch USD và tiền đồng thôi. Tôi thấy đầu tư chứng khoán là phương án hợp lý.

Đối với nhà đầu tư tại 2 quỹ đầu tư của chúng tôi, khi họ đầu tư vào VinaCapital thì tức là họ đã chấp nhận đầu tư vào một thị trường đang phát triển. Tại thị trường này, biến động của giá cả rất lớn. Chẳng lẽ thị trường mới biến động “chút xíu” như vậy mà đã phản ứng mạnh?

Sự biến động của tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến kết quả của VinaCapital do tài sản định giá bằng USD, nhưng tôi cho rằng sự ảnh hưởng không lớn vì bây giờ mới tháng 8 thôi. Thị trường chứng khoán sẽ tăng lại!

* Xin cảm ơn ông rất nhiều!

Theo Bảo Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM