Nikkei: Kinh tế Việt Nam không nên "mừng" quá sớm

02/12/2015 11:20 AM |

Trước những biểu hiện tích cực của nền kinh tế vĩ mô, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam nên được xếp hạng tín nhiệm cao hơn. Tuy nhiên, tờ Nikkei Asian Review cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn còn một số rủi ro.

Việt Nam đang được coi là điểm sáng tại các nền kinh tế mới nổi Châu Á khi tăng trưởng gia tốc, xuất khẩu tăng lên, lạm phát được kiềm chế trong khi giao dịch thương mại được cải thiện nhờ các hiệp định quốc tế.

Cán cân tài khoản vãng lai của Việt Nam cũng đã thặng dư sau nhiều năm thâm hụt. Đặc biệt hơn, Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mới được ký kết sẽ đem lại những lợi ích quan trọng cho nền kinh tế.

Các tổ chức quốc tế cũng đã công nhận những tiến bộ tích cực của Việt Nam. Xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam gần đây đã được Fitch Ratings nâng lên 3 bậc, đồng thời nâng mức đánh giá tín dụng từ ổn định lên tích cực.

Ngoài ra, hãng Standard & Poor cũng nâng mức tín nhiệm của Việt Nam lên BB-, trong khi Moody’s nâng lên B1.

Trước những biểu hiện tích cực của nền kinh tế vĩ mô, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam nên được xếp hạng tín nhiệm cao hơn. Tuy nhiên, tờ Nikkei Asian Review cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn còn một số rủi ro.

Ngành ngân hàng Việt Nam, dù đang được tái cơ cấu, vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ các ngân hàng quốc doanh, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng. Rõ ràng, tình hình kinh tế trong ngắn hạn của Việt Nam là vô cùng tốt, nhưng triển vọng trung hạn thì lại chưa hoàn toàn khả quan.

Việt Nam đã gia tăng vay nợ từ đầu năm 2003 cho đến năm 2010 với mức tăng trưởng tín dụng từ 48% GDP lên mức đỉnh 125% GDP. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng so với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2010 đã đạt mức 4:1, trong khi mức 1:1 đã được đánh giá là không hiệu quả.

Tình trạng tín dụng tăng cao đã khiến tỷ lệ lạm phát tăng theo, nền kinh tế trở nên quá “nóng” và khiến Ngân hàng Nhà nước phải có những biện pháp cứng rắn như tăng lãi suất và hạn chế mở rộng cho vay.

Những yếu tố trên đã khiến nhu cầu nhập khẩu và tăng trưởng tín dụng chững lại vào năm 2011. Tuy nhiên, tỷ lệ vay nợ vẫn ở mức cao và bắt đầu tăng trở lại trong 2 năm qua.

Tờ Nikkei Asian Review cho biết với mức tăng trưởng tín dụng giả định là 15% và tăng trưởng GDP danh nghĩa là 8%, tỷ lệ vay nợ của Việt Nam năm 2015 được dự đoán đạt mức 107% GDP.

Hơn nữa, dấu hiệu giảm tốc trong nhu cầu nội địa và sự suy giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước là dấu hiệu cho khả năng tái cơ cấu chậm lại trong ngành ngân hàng.

Từ năm 2011, những rắc rối trong ngành ngân hàng vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Nhiều vấn đề tồn tại từ trước năm 2011 vẫn chưa được giải quyết cho đến tận hiện nay.

Theo hãng Natixis, nguyên nhân chính là các ngân hàng Việt Nam hiện chỉ được phân loại tốt-xấu mà không có sự xem xét, đánh giá cụ thể lý do tại sao chất lượng tài sản lại không đạt yêu cầu ngay khâu đánh giá đầu tiên của ngân hàng.

Để giải quyết những rắc rối trong hệ thống ngân hàng, chính phủ Việt Nam đã thành lập Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) vào năm 2013 để giải quyết nợ xấu.

Nếu mức nợ xấu của ngân hàng Việt Nam vượt quá 3% thì họ phải bán lại khoản cho vay này cho VAMC và được trả bằng trái phiếu đặc biệt lãi suất 0%. Mặc dù với biện pháp này, các ngân hàng có thể xóa sổ nợ xấu nhưng cũng gây ra những rủi ro tiềm ẩn.

 

Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài từ các doanh nghiệp tận dụng lợi thế chi phí lao động thấp ở đây. Tuy vậy, khi mức lương tăng lên và lợi thế lao động của Việt Nam không còn đủ cạnh tranh, những doanh nghiệp trong nước lúc đó sẽ không ở một vị thế đủ mạnh để thúc đẩy nền kinh tế.

 

Thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam hiện đã bị thu hẹp do tăng trưởng trong tỷ lệ tín dụng và nhu cầu nhập khẩu.

Theo Nikkei, chỉ khi nào Việt Nam lựa chọn cách tăng trưởng bền vững không ưu tiên các doanh nghiệp quốc doanh hoạt động không hiệu quả thì xếp hạng tín nhiệm của quốc gia Đông Nam Á này mới được đánh giá đúng thực tế.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM