Để doanh nghiệp tư nhân hết 'cô đơn', đây là điều Việt Nam cần phải làm

01/12/2015 10:22 AM |

Trong 7 đề xuất trình Chính phủ để khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển, đề xuất số 1 của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc là đề nghị Chính phủ xây dựng và thực hiện “Chương trình quốc gia khởi nghiệp”, khuyến khích thành lập doanh nghiệp trong lĩnh vực đổi mới và sáng tạo.

“Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập, nhưng doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn cô đơn”, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2015 diễn ra sáng 1/12.

Ông Lộc cho biết, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước chưa được cải thiện đáng kể. Trong khi đó, doanh nghiệp càng lớn thì chi phí phi chính thức càng cao, khiến doanh nghiệp Việt không lớn lên được.

Nền kinh tế Việt Nam đang thiếu các doanh nghiệp cỡ vừa để trở thành các kênh kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu và trực tiếp tham gia vào thị trường quốc tế.

Theo TS. Lộc, xét về dài hạn, khu vực kinh tế tư nhân trong nước phải là động lực tăng trưởng chính, bảo đảm tính tự chủ của nền kinh tế và bảo đảm sự kết nối có hiệu quả giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế nội địa.

Để khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước có thể đảm nhận được vai trò trên, ông Lộc đưa ra 7 đề xuất.

Một là, xây dựng và thực hiện “Chương trình quốc gia khởi nghiệp” để định hướng nghề nghiệp cho thế hệ trẻ, khuyến khích thành lập doanh nghiệp trong lĩnh vực đổi mới và sáng tạo.

Khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ theo chuỗi trong các ngành và lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh.Tiếp tục đơn giản hóa tối đa các điều kiện kinh doanh và vận hành doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, công nghệ có thể mua, nhưng quản trị và tay nghề thì phải học. Ông Lộc đề nghị tăng cường đào tạo nghiệp vụ chuyên môn và đặc biệt kỹ năng làm việc tại tất cả các trường đại học và trường nghề.

Hai là, cần có các chương trình cho vay vốn hiệu quả và các biện pháp ưu đãi đồng thời khẩn trương đưa các quỹ phát triển vào hoạt động như quỹ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ đầu tư tư nhân.

Ba là, tăng cường hệ thống thông tin về công nghệ và thị trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các hiệp hội doanh nghiệp.

Bốn là, tối đa hóa thủ tục hành chính trong hoạt động của doanh nghiệp, rà xét và gỡ bỏ ngay các điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh không phù hợp trong số 5.000 thủ tục và điều kiện kinh doanh của 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định trong Luật Đầu tư mới.

Đồng thời xóa bỏ tất cả các giấy phép và điều kiện kinh doanh nằm ngoài danh mục 267 ngành nghề nói trên kể từ ngày 01/07/2015.

Năm là, tăng cường cải cách tư pháp song hành với nỗ lực cải cách hành chính để nâng cao niềm tin của doanh nghiệp.

Sáu là, cung cấp thông tin kịp thời và cụ thể về các cam kết, các cơ hội, thách thức cụ thể từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đối với doanh nghiệp.

Cuối cùng, Chủ tịch VCCI đề nghị các doanh nghiệp FDI chủ động triển khai các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nội địa, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, để các doanh nghiệp này trở thành đối tác, nhà cung cấp tham gia vào chuỗi cung ứng.

“Doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn cô đơn và chưa cắm rễ vào FDI. Doanh nghiệp trong nước vẫn đứng ngoài chuỗi giá trị toàn cầu, có tham gia được cũng chỉ ở chuỗi giá trị thấp”, TS. Lộc nói.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM