Những điều thú vị xung quanh giải Nobel Kinh tế 2013

16/10/2013 15:12 PM |

Fama và Shiller đã từng có những quan điểm hoàn toàn đối lập.

Ngày 14/10, Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển (RSAS) công bố ba nhà khoa học người Mỹ là Lars Peter Hansen, Eugene Fama và Robert Shiller đã trở thành chủ nhân Giải Nobel Kinh tế 2013 nhờ nghiên cứu dự báo các xu hướng của thị trường mua bán tài sản, đồng thời giúp giải quyết tình huống khẩn cấp của các quỹ đầu tư chỉ số chứng khoán. 

Tuy nhiên, đằng sau giải Nobel Kinh tế năm nay có không ít điều thú vị về người nhận giải cũng như mối quan hệ không mấy “ngọt ngào” giữa họ. 

Người quen 

Người đầu tiên dễ dàng nhận ra nhất trong ba vị giáo sư nhận giải là Robert Shiller, cái tên đã quá quen thuộc trong giới tài chính với chỉ số mang tên chính nhà kinh tế học này. Đó là chỉ số giá nhà đất S&P/Case-Shiller mà ông đã cùng xây dựng cùng Karl Case và Allan Weiss. 


Nhờ nắm trong tay chỉ số này, Robert Shiller là người duy nhất trong số ba chủ nhân giải thưởng Nobel kinh tế năm nay dự đoán được bong bóng trên thị trường chứng khoán vào năm 2000 với sụp đổ của bong bóng Dot-com và sau đó đến năm 2008, Shiller tiếp tục đưa ra dự báo không thể nghi ngờ về bong bóng nhà đất mà sau đó đã dẫn đến cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn tồi tệ nhất trong lịch sử kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới kể từ cuộc Đại khủng hoảng 1929-1933. 

Xung đột trong quan điểm 

Xung đột trong quan điểm giữa Shiller và Fama nằm ở Lý thuyết thị trường hiệu quả của Fama. Lý thuyết này chứng minh rằng giá cổ phiếu cực kỳ khó dự đoán trước trong một thời gian ngắn vì thị trường là hiệu quả khiến cho mọi thông tin phục vụ dự báo sẽ nhanh chóng ẩn vào trong giá. 

Hay đơn giản, giá cổ phiếu đã bao gồm mọi thông tin trên thị trường nên mọi quyết định mua bán dù có hợp lý (tức là dựa trên phân tích thông tin, dự báo) trong ngắn hạn đều chẳng khác gì trò chơi đỏ đen đầy may rủi. Chính Shiller đã chỉ trích lý thuyết thị trường hiệu quả là "một trong những sai lầm đáng kể nhất trong lịch sử tư duy kinh tế học."

Không chỉ xung đột tư tưởng về tính hiệu quả của thị trường, quan điểm về thị trường tài chính trong cuộc khủng hoảng 2008 giữa Fama và Shiller cũng hoàn toàn đối lập. Trong khi Fama với lý thuyết của mình cho rằng, thị trường tài chính là nạn nhân của khủng hoảng kinh tế chứ không phải điều ngược lại, như Shiller vẫn khẳng định. 


Cha đẻ của lý thuyết tài chính hiện đại 

Bất chấp tất cả những phản đối và chỉ trích, nhà kinh tế học Tim Harford, tác giả cuốn "Thám tử kinh tế" vẫn cho rằng Fama được coi là cha đẻ của lý thuyết tài chính hiện đại và xứng đáng đạt giải Nobel với lý thuyết thị trường hiệu quả. 

Bởi sự ra đời của lý thuyết thị trường hiệu quả vào những năm 1960 chính là lời nhắc nhở cần thận trọng, thay vì sự dựa dẫm để đầu cơ như các nhà đầu tư đang làm và góp phần quyết định cho sự ra đời của các quỹ đầu tư chỉ số ETF trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt, nghiên cứu của Fama đã đặt nền móng đầu tiên cho những nghiên cứu sau này của Shiller và Hansen về định giá tài sản trong dài hạn. 

Bổ sung thú vị 


Shiller, người chỉ trích gay gắt Fama, lại cùng ông đoạt giải Nobel năm nay cũng nhờ nghiên cứu về định giá tài sản. Nhưng lần này Shiller đem đến một bổ sung thú vị cho lý thuyết mà ông từng phản bác. Bỏ qua tranh cãi về ngắn hạn, vào những năm 1980, Shiller đã mà phát hiện ra dự báo giá tài sản trong dài hạn còn dễ dàng hơn. Khảo sát giá cổ phiếu, Shiller thấy rằng việc dự báo trong dài hạn còn dễ thực hiện hơn trong ngắn hạn. 

Bên cạnh đó, giá cổ phiếu dao động nhiều hơn cổ tức và tỷ lệ giá cổ phiếu trên cổ tức có xu hướng giảm xuống khi ở đang ở mức cao và ngược lại, có xu hướng tăng lên khi đang ở mức thấp. Quy luật này không chỉ đúng cho cổ phiếu mà còn cho trái phiếu và các tài sản khác. Về mặt lập luận, điều này có vẻ cũng phù hợp khi mà trong dài hạn, các tác động bền vững mới có đủ thời gian để tạo thành khuynh hướng chính. 

Người lạ 

Khác với hai người còn lại, Hansen không phải nhà tư tưởng hay lý thuyết gia mà là nhà nghiên cứu về các mô hình kinh tế lượng và kiểm chứng các lý thuyết trên trong thực tế. Vì mang nặng tính kỹ thuật, nên tên tuổi của Hansen cũng ít được biết đến trước khi giải Nobel năm nay xướng tên ông. 

Nhưng chính giáo sư đến từ Đại học Chicago này là người xây dựng mô hình kiểm định thống kê cho lý thuyết về giá tài sản. Andrew Lo, giáo sư tài chính tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hansen khi cho rằng: "Công việc của Hansen là bổ sung cho cả thị trường hiệu quả và thị trường phi hiệu quả, một sự cân bằng hoàn hảo giữa hai thái cực."

Bài học từ Fama 

Niềm tin thị trường tài chính hiệu quả khác với các lý thuyết tài thị trường tài chính. Theo đó, không có mặc cả, không dễ dự đoán và không có kế hoạch để kiếm tiền nhanh. 

Nếu giáo sư Fama đúng với giả thuyết thị trường thực sự hiệu quả và bằng chứng cho thấy có lẽ thị trường hiệu quả thì chúng ta không thể chọn được một khoản đầu tư thông minh ngoại trừ gặp hên bất ngờ. Đồng thời, không ai có thể đoán trước thị trường sẽ thế nào ngày mai, bởi vì thị trường hiệu quả đã phản ánh mọi thứ chúng ta biết. 

Giá thay đổi hàng ngày chỉ vì tin tức, không phải do bất kỳ điều gì chúng ta có thể đoán trước vào ngày hôm qua. Hãy nghĩ đến tất cả thời gian chúng ta có thể tiết kiệm bằng cách tảng lờ những dự đoán của các nhà kinh tế học. Các nhà đầu tư tin vào thị trường hiệu quả sẽ kiếm được nhiều tiền hơn hoặc có thể nói là mất ít tiền hơn./. 

Theo Trà My

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM