Giải Nobel không dành cho những kẻ ăn may!

16/10/2013 01:44 AM |

Eugene Fama đã bắc cầu để hơn 600 triệu đôla đổ vào TTCK Việt Nam như thế nào?

Nội dung nổi bật:

- Năm nay, giải Nobel kinh tế được trao cho Eugene Fama nhờ phát hiện ra rằng những dự báo về giá trong ngắn hạn (từ vài tuần trở xuống) là cực kỳ khó. Do đó, lướt sóng ngắn hạn theo các "thợ vẽ" thì thà cho khỉ chọn bừa cổ phiếu còn hơn (đỡ mất phí tư vấn).

- Sau này nhiều nhà nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện phát kiến của Fama và nhận ra rằng, sau khi trừ phí quản lý, lợi nhuận mà nhà đầu tư thực hưởng từ các tay quản lý quỹ chỉ ngang bằng với lợi nhuận thị trường.

- Từ sự "đại ngộ" ấy, ra đời loại hình quỹ chỉ số (ETF) chi phí thấp, ít cần quản lý, chuyên mô phỏng biến động của toàn thị trường. Quỹ ETF cho phép nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục, kiếm lời cao từ cổ phiếu mà không phải chịu rủi ro quá mức.

- Hai quỹ ETF là FTSE Vietnam và Market Vectors Vietnam hiện đang giúp các bà nội trợ phương Tây đầu tư hơn 600 triệu USD vào cổ phiếu Việt Nam. Tất cả đều bắt nguồn từ phát hiện của Eugene Fama.


GS. Eugene Fama
Giải Nobel Kinh tế 2013

Hà Nội, 5h chiều, một ngày cũng chẳng nhớ trời có đẹp hay không. Quãng hơn năm chục nhà đầu tư nhốn nháo trong căn phòng sáng choang của một công ty chứng khoán cỡ trung. Họ đang đợi buổi thuyết trình của một chuyên gia phân tích kỹ thuật.

Trong đám đông có những mái đầu bạc khả kính, cũng có những khuôn mặt lơ ngơ của đám sinh viên mới làm quen với thị trường. Theo điều tra thống kê của người viết ngày hôm ấy, chỉ một phần ba có thời gian nghiên cứu về kinh tế, trong đó chỉ một nửa có bằng cấp về tài chính chứng khoán. Ở cái thời ấy, không mấy ai để ý đến chuyện bằng cấp, thị trường là của các đội lái và các “thợ vẽ”.

Vị chuyên gia bước vào phòng, dáng gầy thấp, đầu húi cua với giọng nói nhẹ nhàng và nụ cười luôn nở trên môi. Ông bắt đầu lưu ý các “tín hiệu kỹ thuật”, đề ra các chiến lược ngắn, trung và dài hạn (tức là mai mua gì, tuần sau bán gì, và bác nào chót lỗ cứ yên tâm mà “ôm”). Đương nhiên, phần gây phấn khích nhất là khi vị chuyên gia này nhắc đến tên những cổ phiếu ông cho rằng sẽ tăng giá trong thời gian tới.

Giỏi thật hay chỉ ăn may?

Nếu vị chuyên gia kể trên chỉ nói nhăng cuội và những cổ phiếu ông đề xuất không lên điểm, ắt chẳng ai buồn đếm xỉa đến buổi thuyết trình của ông. Thực sự, ông đã có nhiều đề xuất giá trị, đem lại lợi ích cho nhà đầu tư. Đa phần mọi người đều cho rằng nhà đầu tư thông thái là phải mua bán liền tay, liên tục tìm ra cổ phiếu tốt, bán tháo cổ phiếu xấu, kiếm lợi nhuận vượt thị trường. Nhưng vấn đề ở đây là, nếu ai cũng nhờ “vẽ sóng” mà có mức lợi nhuận “trên trung bình” thì ai sẽ là người “dưới trung bình”?

Câu hỏi này là vấn đề được nhà kinh tế trẻ Eugene Fama theo đuổi từ đầu thập niên 60. Qua một loạt nghiên cứu thống kê cẩn trọng, Fama phát hiện thấy dữ liệu giá trong quá khứ chẳng có mấy tác dụng khi dự báo biến động giá trong ngắn hạn. Nói cách khác, khó kiếm ra tiền chỉ bằng nghề “vẽ”.

Xem thêm: Paul Krugman, vì sao nên nỗi?

Với những người vẫn muốn tin vào các anh “thợ vẽ”, họ gặp phải ba vấn đề.

Vẽ kiểu gì cũng có lý

Thứ nhất, không thể biết khi nào anh thợ vẽ đúng. Nếu có khả năng dự báo và phân biệt được khi nào anh thợ vẽ đúng thì chi bằng … tự vẽ cho nhanh.

Thứ hai, anh thợ có thể liên tục “vẽ đúng” nhiều lần liên tiếp, nhưng điều đó không có nghĩa anh ta sẽ tiếp tục “vẽ đúng” trong tương lai. Thậm chí, thành tích “vẽ đúng” trong quá khứ lại ẩn chứa những rủi ro khủng khiếp.

Câu chuyện của hai công ty chứng khoán Thăng Long và SBSC là minh chứng rõ rệt cho điều đó. Bằng cách cho vay margin vô tội vạ, hai công ty này nhanh chóng chiếm được thị phần đáng kể. Nhưng làm vậy cũng đồng nghĩa với việc họ chấp nhận quá nhiều rủi ro thị trường (market risk). Khi lạm phát tăng vọt trở lại, kinh tế và cổ phiếu tụt dốc không phanh, sự hào nhoáng của cả hai công ty trên biến mất, chỉ còn trơ lại một doanh nghiệp tiêu điều với những khoản vay chẳng biết bao giờ mới thu hồi được.

Xem thêm: SBS: có hay không cuộc chơi làm giá cổ phiếu; Chứng khoán Thăng Long lỗ gần 600 tỷ đồng trong năm 2011

Cuối cùng, “vẽ” không phải dịch vụ miễn phí, và sau khi tính cả “phí vẽ” (tức phí tư vấn, phí quản lý tài sản, …), lợi nhuận thực mà nhà đầu tư thu về cũng chỉ ngang bằng với biến động chung của thị trường.

Thực vậy, sau một số lần “vẽ” hụt, lòng tin của các nhà đầu tư nhỏ lẻ với phân tích kỹ thuật cứ rơi dụng dần theo số tiền đầu tư bị hao hụt và phần lớn trong những con người háo hức nghe “thầy phán” ngày hôm ấy đều đã rời bỏ cổ phiếu. Nếu biết đến nghiên cứu của Eugene Fama, có lẽ số "học phí" họ phải trả sẽ ít hơn nhiều.

Không giỏi, cũng chẳng may, thôi thì mua ETF

hóa ra thành công của những người “nay phán, mai cổ cánh tăng trần” phần nhiều là nhờ may mắn

Nghiên cứu của Fama có ý nghĩa vô cùng sâu sắc: hóa ra thành công của những người “nay phán, mai cổ cánh tăng trần” phần nhiều nhờ may mắn và chúng ta, những nhà đầu tư bình thường, hầu như chẳng có cách nào chắc chắn kiếm được lợi nhuận siêu ngạch (cao hơn so với thị trường) từ những “siêu sao” này cả.

Từ phát hiện ấy, nhiều nhà đầu tư bắt đầu nghĩ thay vì bỏ tiền cho ông X., ông S. quản lý rồi phấp phỏng theo từng nhịp biến động của thị trường (mà cũng chẳng được thêm miếng nào), tại sao không mua luôn một cổ phiếu có tên VN-Index rồi yên tâm kê cao gối mà ngủ: kiểu gì thì rồi cũng thu về lợi nhuận trung bình thị trường.

Hãy tưởng tượng một học sinh mù chữ, năng lực thực tế chỉ đáng điểm 1 điểm 2, mà lại có thể nói chắc như đinh đóng cột rằng không học không ôn, đi thi kiểu gì cũng được 5 điểm. Thế thì còn gì bằng!

Cái sự “đại ngộ” này của giới tài chính là khởi đầu cho mô hình quỹ chỉ số (ETF) đang mọc lên như nấm trên toàn thế giới. Không chỉ với cổ phiếu, mô hình ETF còn đang được áp dụng rộng rãi cho cả trái phiếu, hàng hóa nguyên liệu, hay ngoại hối.

Do loại bỏ được rủi ro của riêng từng cổ phiếu (thậm chí loại bỏ được rủi ro của riêng từng thị trường nếu ETF đầu tư vào nhiều quốc gia, nhiều loại tài sản khác nhau) nên mức độ rủi ro của các quỹ ETF giảm xuống rất nhiều, từ đó mà thu hút được luồng vốn đầu tư của các thành viên thị trường luôn đề cao sự an toàn như nhà đầu tư cá nhân hay quỹ lương hưu.

Xem thêm: ETF đẩy nhanh tốc độ, VN-Index lấy lại mốc 500 điểm

Nhờ ông Fama khai sơn phá thạch mà nay một bà nội trợ Luxembourg đang nắm cổ phiếu Sông Đà Thăng Long vẫn có thể ngon giấc vì quỹ ETF của bà còn đang nắm Masan, Vinamilk, thậm chí cả công ty bất động sản Gamuda tít bên Mã Lai, dẫu mã SJS có biến mất thì bà cũng chẳng bận tâm.

Nói đi cũng phải nói lại, nếu mấy bà nội trợ Luxembourg không được ông Fama dẫn lối cho sang Việt Nam đầu tư, chẳng biết nên giật tít gì cho tin chứng khoán bây giờ: “Index sẽ vượt BỐN TRĂM, nhưng những ai mua trên BỐN TRĂM đều chết” chăng? Không dám nhận “vẽ” đúng, được cái cũng chưa chắc “vẽ” sai.

Minh Tuấn

tuannm

Cùng chuyên mục
XEM